Nhưng, cũng giống như khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden, diễn biến này chưa thể đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống khủng bố.
“Thủ lĩnh khủng bố số 1 thế giới đã chết” là thông báo bất ngờ của Tổng thống Donald Trump được phát trực tiếp từ Nhà Trắng sáng 27-10 (theo giờ địa phương). Một thành tựu lớn, được ông chủ Nhà Trắng ca ngợi là rực rỡ hơn nhiều so với chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden trước đây.
Al-Baghdadi ít xuất đầu lộ diện kể từ sau khi tuyên bố thành lập tổ chức IS tự xưng ở Iraq năm 2014, thế nhưng cái tên này đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân Trung Đông và cả thế giới với những tội ác ghê rợn của chúng. Al-Baghdadi là “bộ não” chỉ huy những vụ tấn công tàn độc, biến IS trở thành tổ chức cực đoan, kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn chưa từng có tiền lệ. Rất nhiều vụ tấn công tàn bạo mang hình dáng IS đã xảy ra trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Vì thế, cái chết của Al-Baghdadi mang ý nghĩa biểu tượng lớn, một đòn quyết định vào nhóm khủng bố vốn đang suy yếu. Đối với nước Mỹ và ông chủ Nhà Trắng, cái chết của Al-Baghdadi còn có ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong bối cảnh Washington dường như đang “thất thế” ở Syria sau quyết định rút quân khỏi khu vực Đông Bắc nước này, khiến Tổng thống Donald Trump phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện chính sách thiếu nhất quán đối với vấn đề Syria, cũng như gây ra nhiều mối lo ngại về cuộc chiến chống IS.
Việc trùm khủng bố IS bị tiêu diệt cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nước, nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng về sự hồi sinh của lực lượng thánh chiến này. Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở bởi ngay sau khi Al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS đã chỉ định Ibrahim Al-Quraishi làm thủ lĩnh mới của tổ chức này. Điều này cho thấy, nội bộ lực lượng này đã có sự chuẩn bị từ trước.
Các chuyên gia đều nhận định, cái chết của trùm khủng bố Al-Baghdadi không đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống IS đã đi đến hồi kết. IS có thể mất thủ lĩnh cao nhất, song những phần tử lãnh đạo ở cấp thấp hơn sẽ tiếp tục hoạt động trong bóng tối và những đối tượng này ngày càng xảo quyệt và cực đoan hơn. Hiện nay, nhiều thành viên IS đã lựa chọn phương thức “ẩn mình chờ thời” để tiến hành các vụ tấn công khủng bố theo kiểu “con sói đơn độc”. Ngoài ra, tàn quân IS cũng đang có xu hướng “bắt tay” với các nhóm thánh chiến cực đoan trong khu vực và vẫn còn hiện diện ở Syria, Iraq, Libya hay Afghanistan… IS cũng được cho là đang mở rộng địa bàn hoạt động sang cả các nước ở khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của các cơ sở dữ liệu về chống khủng bố trên toàn thế giới, khoảng 40.000 phần tử IS tại hơn 100 quốc gia đang hoạt động ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Cái chết của thủ lĩnh IS có thể sẽ kích động những hành động trả thù ở khu vực cũng như các nước châu Âu hay Mỹ.
Những điều này cho thấy, “bóng ma” IS và các lực lượng khủng bố khác vẫn còn là ám ảnh dù các vùng đất do IS nắm giữ đã được giải phóng và thủ lĩnh của IS bị tiêu diệt. Nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cái chết của Al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, nhưng cũng chỉ là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố và quốc tế cần tiếp tục phối hợp để đánh bại đến cùng lực lượng cực đoan này.
LINH OANH