QĐND - Đồng nghiệp gọi chị là "nữ bác sĩ thành đạt". Trong công việc, chị được biết đến là một người giỏi chuyên môn, có thành tựu trong nghiên cứu khoa học, luôn tận tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với gia đình, chị là một người vợ đảm, người mẹ gương mẫu, hết lòng vì chồng, con. Ở vị trí nào chị cũng tròn vai, nhưng đã quen với sự hy sinh thầm lặng, chị luôn khiêm tốn và ngại ngùng khi nói về mình…
“Hai màu áo thiêng liêng”
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Oanh Oanh, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) luôn tự hào khi được vinh dự khoác trên mình hai màu áo thiêng liêng: Màu áo xanh bộ đội và màu áo blouse trắng của một bác sĩ. Vinh dự nhưng vất vả và trách nhiệm cũng bởi vậy mà tăng lên gấp đôi với người phụ nữ như chị.
Năm 1979, sau những nỗ lực của bản thân, ước mơ của Nguyễn Oanh Oanh đã thành hiện thực khi chị thi đỗ vào hệ đại học 6 năm của Học viện Quân y. Ra trường, với thành tích học tập tốt, chị được phân công làm bác sĩ điều trị ở Khoa Tim-Thận-Khớp-Nội tiết, thuộc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y. Làm việc trước những ca bệnh khó, môi trường áp lực công việc cao, nữ bác sĩ trẻ nhận thấy còn quá nhiều vấn đề về bệnh học chưa được giải quyết và điều đó thôi thúc chị quyết tâm phải học nhiều hơn nữa. Năm 2001, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nguyên nhân của tràn dịch ngoài màng tim”. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2008, chị được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, năm 2009, chị được phong học hàm Phó giáo sư.
|
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Oanh Oanh.
|
Hơn 30 năm làm công việc của một lương y cứu người, chị không thể nhớ được bao nhiêu lần trực trắng đêm, rồi những lần đến vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh cho người dân nghèo, hay nỗi ám ảnh, những giọt nước mắt bất lực khi không cứu được người bệnh,... Khó khăn, vất vả, nhưng chưa khi nào thoáng trong đầu chị suy nghĩ sẽ chọn nghề nào khác nghề y. Bởi sau những lần đối diện với ánh mắt lo lắng của người nhà bệnh nhân, chị càng thêm quyết tâm để những công trình nghiên cứu y học ra đời. Sau những đêm trực không ngủ là sự hồi phục của bệnh nhân. Hạnh phúc, thành công với người bác sĩ cũng chính là sức khỏe của người bệnh. Chị kể, chị còn nhớ như in lúc mới ra trường, có một trường hợp bệnh nhân nữ, tuổi trẻ chỉ ngang tuổi chị được đưa vào viện khi bệnh đã rất nặng với chẩn đoán hẹp van hai lá khít, suy tim độ 4 với biến chứng đột quỵ não. Gia đình bệnh nhân khi biết tình trạng bệnh nặng thì quyết xin đưa về vì nghĩ là sẽ không thể cứu sống. Không đành lòng trước bệnh nhân tuổi còn quá trẻ với 2 đứa con nhỏ, chị quyết tâm thuyết phục gia đình bệnh nhân hợp tác để điều trị với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Sau thời gian giải thích, động viên, gia đình bệnh nhân đã đồng ý tiếp tục điều trị và với sự tận tâm của các y sĩ, bác sĩ, bệnh được cải thiện từng bước, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Những chuyện nghề như vậy đã nhen lên trong lòng bác sĩ Nguyễn Oanh Oanh quan điểm nghề nghiệp: Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải quyết tâm đến cùng vì người bệnh.
Chị tâm sự: “Tôi chỉ ước một ngày có 30 giờ đồng hồ hay nhiều hơn thế để có thể làm được nhiều việc hơn”. Bởi, sau tất cả, chị vẫn còn cả trách nhiệm của một người phụ nữ với gia đình. Với chị, may mắn là được làm những công việc ý nghĩa và được chồng, con luôn ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng, để làm tốt được tất cả công việc, chị luôn phải phân chia thời gian một cách khoa học: Việc ở cơ quan, việc gia đình và thời gian cho nghiên cứu khoa học.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Nhiều năm nay, bác sĩ Nguyễn Oanh Oanh được đồng nghiệp gọi với tên người “đánh thức” những nhịp đập đã “ngất”. Bởi, với nhiều công trình nghiên cứu y học chị tham gia đã mang lại ý nghĩa thiết thực cho những bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch. Mỗi công trình là một trải nghiệm nhưng cũng lại mở ra thêm trong biển kiến thức y học vô tận những câu hỏi mới thôi thúc bác sĩ Oanh chinh phục. Hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học cấp Học viện Quân y chị tham gia được nghiệm thu với kết quả tốt như: “Nghiên cứu nguyên nhân, đặc điểm rung nhĩ tại Khoa AM2 Bệnh viện Quân y 103”, “Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát”, “Nghiên cứu rối loạn nhịp tim bằng ghi ECG liên tục 24 giờ ở người cao tuổi tăng huyết áp nguyên phát”.
Ở cấp Nhà nước, đề tài “Bước đầu nghiên cứu điều tra nhu cầu ghép tim và khả năng cung ứng tim ghép tại một số bệnh viện ở Việt Nam”, do PGS, TS Nguyễn Oanh Oanh làm chủ nhiệm được nghiệm thu thành công. Sau hơn 2 năm nghiên cứu khảo sát hơn 1.000 bệnh nhân suy tim mạn tính tại một số bệnh viện trong cả nước, những kết quả khả quan mang lại càng khiến chị thêm động lực, đam mê tiếp tục phát triển đề tài. Sau đó, chị cùng các cán bộ Học viện Quân y được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”. Đề tài là thách thức đối với chị và các đồng nghiệp nhưng cũng là cơ hội lớn để mở ra cho ngành y tạo ra những thành tựu giúp bệnh nhân.
Để thực hiện đề tài này, bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp phải trực tiếp thăm khám trong rất nhiều bệnh nhân suy tim giai đoạn 3, 4 và tuyển chọn những bệnh nhân để ghép tim. Sau một thời gian dài thực hiện nghiên cứu cả trên lý thuyết và thực tiễn, ca ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam đã được thực hiện thành công. Bệnh nhân ghép tim được chẩn đoán bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4 với hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bản thân bệnh nhân luôn phải chịu đựng tình trạng khó thở liên tục và có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào do suy tim. Sau những giờ căng thẳng đến nghẹt thở trong phòng phẫu thuật của các y sĩ, bác sĩ, niềm vui như vỡ òa khi bác sĩ Oanh và các đồng nghiệp thấy trên màn hình chạy sóng điện tim của bệnh nhân. Mỗi khi nhớ lại cảm xúc nghẹt thở ấy, gương mặt bác sĩ Oanh vẫn ánh lên niềm vui, hy vọng về tương lai nền y học nước nhà và cả niềm tự hào về những gì tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 103 đã làm được.
Không chỉ là một chiến sĩ, bác sĩ, nhiều năm qua, Đại tá Nguyễn Oanh Oanh còn là một người thầy của nhiều thế hệ học trò ngành y. Từ năm 1993, chị đã bắt đầu tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Quân y. Đến nay, chị đã hướng dẫn bảo vệ thành công được hơn 20 học viên cao học, 10 bác sĩ chuyên khoa II và 9 tiến sĩ. Chị còn tham gia viết sách và có 24 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Với những cố gắng, tâm huyết trong công việc, những giải thưởng, bằng khen hay huân chương, huy chương dành cho chị chính là sự ghi nhận công sức đóng góp của một chiến sĩ, bác sĩ và một người thầy. “Bản thân tôi luôn nghĩ là làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, chị Oanh khiêm tốn cho biết.
Bài và ảnh: THU DƯƠNG