Kho sáng kiến của “chuyên gia không bằng cấp”

“Chuyên gia không bằng cấp” là cái tên mà các đồng đội yêu mến đặt cho Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng, Xưởng Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí, Kho K895, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Với nhiệm vụ của một kỹ thuật viên kiêm kiểm tra chất lượng sản phẩm, những năm qua, Trần Hải Đăng đã cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, giúp nâng cao hiệu suất công việc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng

Trần Hải Đăng nhớ lại, năm 2008, Xưởng Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nhuộm đen súng AK. Sau nhuộm, việc tổng lắp và bắn kiểm tra hiệu chỉnh súng gặp rất nhiều khó khăn. Có những khẩu súng bắn hàng chục lần vẫn chưa đạt, gây lãng phí quá nhiều đạn dược và nhân lực, đồng thời gây tâm lý chán nản và căng thẳng cho xạ thủ. Trước thực tế đó, anh Đăng trăn trở, phải làm sao để giảm được tình trạng này? Suy nghĩ ấy khiến anh nhiều đêm không ngủ để tìm tòi, nghiên cứu một bộ dụng cụ hỗ trợ chỉnh đường ngắm súng khi lắp sau nhuộm dễ dàng hơn… Sau nhiều ngày, từ lên ý tưởng đến chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm… cuối cùng, sáng kiến "Bộ dụng cụ hiệu chỉnh đường ngắm súng tiểu liên AK" chính thức hoàn thiện.

Với "Bộ dụng cụ hiệu chỉnh đường ngắm súng tiểu liên AK", quá trình bắn kiểm tra hiệu chỉnh súng sau khi nhuộm đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu trước đó, mỗi ngày đơn vị bắn chỉnh được 30-40 khẩu súng thì khi có sáng kiến, mỗi ngày có thể bắn chỉnh được tới 400 khẩu; chỉ cần bắn một loạt hoặc hai loạt là đạt yêu cầu ngay, tiết kiệm 70-80% đạn. Qua đó, chất lượng công việc của xưởng được nâng lên rõ rệt. Sáng kiến “Bộ dụng cụ hiệu chỉnh đường ngắm súng tiểu liên AK" của Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật cấp Tổng cục Kỹ thuật năm 2009 và giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2010. Đây chính là động lực cho “chuyên gia không bằng cấp” tiếp tục quá trình sáng tạo của mình, để rồi sau đó, hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được anh cho ra đời, như: “Giá bắn kiểm tra hiệu chỉnh súng ngắn các loại”; “Máy lắp đạn vào dây băng súng cao xạ 12,7mm”; “Máy lắp đạn vào dây băng súng trung liên RPD”, mới đây nhất là sáng kiến “Khóa vòng cò súng bộ binh” năm 2017… Đặc biệt, "Giá bắn kiểm tra hiệu chỉnh đa năng súng bộ binh" năm 2014 là sáng kiến được lãnh đạo và chỉ huy các cấp đánh giá rất cao và cũng là sáng kiến anh Đăng tâm đắc nhất. Với nhiều tính năng vượt trội, dễ thao tác, dễ sử dụng, sáng kiến này được áp dụng thường xuyên cho công tác bảo đảm kỹ thuật tại đơn vị cũng như phục vụ cho huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thời gian qua.

Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng tâm sự: “Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Kho K895 đã trở thành nền nếp, có chiều sâu, là một điểm sáng của Cục Quân khí và Tổng cục Kỹ thuật. Từ phong trào, tôi cũng như các đồng đội khác đã có nhiều sáng kiến đoạt giải cao trong các cuộc thi, mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc. Phát huy tinh thần ấy vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm đối với những quân nhân kỹ thuật như chúng tôi”.

Bài và ảnh: THU HÒA

Say nghề, thành công sẽ đến

Hiện nay, nhiều nước vẫn đang sử dụng tấm lợp Fibro xi măng sử dụng sợi amiăng vì có khả năng chịu nhiệt, chịu lửa và ăn mòn hóa chất cũng như chịu lực rất tốt. Tuy nhiên, amiăng lại rất độc hại với con người và môi trường. Một công trình nghiên cứu ra đời đã giúp giải quyết không chỉ hạn chế của sợi amiăng, tạo ra dòng sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo hướng đi mới trong kinh doanh… Đó là “Dây chuyền sản xuất tấm lợp-tấm vách-tấm sàn Fibro xi măng không sử dụng sợi amiăng”-công trình do Trung tá Lê Văn Tám, Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí (Xí nghiệp Liên hợp Z751, Tổng cục Kỹ thuật) cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo. Công trình bàn giao cho đối tác để đưa vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị.

leftcenterrightdel
Trung tá Lê Văn Tám

“Dây chuyền sản xuất tấm lợp-tấm vách-tấm sàn Fibro xi măng không sử dụng sợi amiăng” chỉ là một trong số rất nhiều công trình nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà Trung tá Lê Văn Tám đã tham gia thực hiện. Công trình đã đoạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Tổng cục Kỹ thuật; giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo xanh năm 2016. Trung tá Lê Văn Tám còn tham gia thực hiện nhiều đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ thiết thực nhiệm vụ quốc phòng như: “Bơm cao áp hãm lùi pháo 155 Mỹ”; “Chế thử Ni vô góc bắn cho pháo cao xạ và pháo mặt đất”; "Bộ cần hất vỏ đạn pháo cao xạ 37-2”… Trong đó, “Bộ cần hất vỏ đạn pháo cao xạ 37-2” là sáng kiến có ý nghĩa, hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị quân đội. Nếu như bộ cần hất vỏ đạn thường dùng trước đó phải mất khoảng 4 ngày để gia công xong một bộ và chất lượng không ổn định thì với "Bộ cần hất vỏ đạn pháo cao xạ 37-2", chế tạo chỉ mất vài giờ đồng hồ và chất lượng ổn định hơn, giá thành rẻ hơn. Sản phẩm này đã được thử nghiệm xong ở một số đơn vị và đang trong quá trình sản xuất hàng loạt.

Từ ý tưởng sáng kiến đến khi thành một sản phẩm hoàn chỉnh là quá trình mà theo anh Tám có đủ khó khăn, thành công và thất bại. Nhưng quan trọng nhất với những người như anh là phải yêu nghề, say nghề, từ đó mới dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu, tìm tòi và có những quyết định chính xác, cho ra sản phẩm tốt. Trên cương vị là Quản đốc Phân xưởng Cơ khí 1, rồi Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí, Trung tá Lê Văn Tám luôn nhận thức vai trò của mình để có cách động viên, hỗ trợ, phát huy tinh thần sáng tạo trong đơn vị. Anh cho biết, ngoài tạo cơ chế hỗ trợ về vật chất trong quá trình thực hiện sáng kiến, qua các đợt tổng kết, đánh giá chất lượng sáng kiến, đơn vị còn có các hình thức khen thưởng, tuyên dương kịp thời để khích lệ những người khác cùng tham gia. Với vị phó giám đốc thân thiện này thì “Không có cách động viên nào thiết thực bằng việc tôi tham gia nghiên cứu, chế tạo cùng các anh em”. Nhờ đó, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ kỹ thuật và tay nghề cho công nhân, phát huy tiềm năng công nghệ của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị.

Bài và ảnh: CHI PHONG

Sáng tạo nhỏ, hiệu quả lớn

“Sáng tạo phải bắt nguồn từ thực tế” chính là điều mà Thượng úy QNCN Bùi Thái Vũ luôn tâm niệm để có thể tạo ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực phục vụ chính công việc hằng ngày của bao người thợ sửa chữa tại Xưởng Bảo dưỡng sửa chữa của Kho 850, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật.

leftcenterrightdel
Thượng úy QNCN Bùi Thái Vũ

Năm 2000, Bùi Thái Vũ về công tác tại Kho 850, với cương vị là thợ sửa chữa tại xưởng và đến năm 2012 thì chính thức trở thành kiểm nghiệm viên. Trong quá trình kiểm nghiệm, anh Vũ thường xuyên kiểm tra và tiếp xúc với các thợ máy để có thể trao đổi kinh nghiệm của bản thân cũng như thấy được những khó khăn trong công việc của từng anh em với rất nhiều công đoạn vất vả, tốn thời gian, tiền bạc, lại có nguy cơ mất an toàn cao. Từ những trăn trở, suy nghĩ và cố gắng tìm cách khắc phục như vậy, anh Vũ đã sáng tạo ra rất nhiều phương pháp cải tiến kỹ thuật thiết thực để giúp sức cho công việc hằng ngày tại xưởng.

Tính đến hết năm 2017, anh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được cấp trên ghi nhận như: “Bộ dụng cụ tháo lắp lê súng bộ binh các loại”; “Dụng cụ kiểm tra thăng bằng ngang súng bộ binh”; “Dụng cụ hỗ trợ tháo lắp lò xo đóng khóa nòng pháo cao xạ 37mm”… nhưng đặc biệt nhất có lẽ là sáng kiến “Cơ cấu bơm dẫn axit trong pha chế dung dịch dùng trong nhuộm đen súng bộ binh”. Anh Vũ tâm sự: "Sáng kiến nào cũng đều phải đầu tư suy nghĩ nhưng có lẽ sáng kiến tôi tâm đắc nhất chính là dụng cụ bơm dẫn axit trong pha chế dung dịch này. Do axit là hóa chất độc hại có mức độ nguy hiểm cao, trong khi quy trình sử dụng tại thời điểm đó còn ẩn chứa nhiều sơ hở mà ngay cả những người thợ khỏe mạnh nhất sau công đoạn pha chế axit cũng đều bị khó thở, tức ngực, suy giảm sức khỏe. Vì vậy, tôi đã nhen nhóm ý định khắc phục vấn đề này từ khi còn là một thợ sửa chữa tại xưởng".

Sau này, khi có cơ hội quan sát chuyển động của hệ thống khí nén và hệ thống bơm bằng kim loại gián tiếp qua một số thiết bị phi kim loại, anh nghĩ có thể sử dụng chính phương pháp này để bơm dẫn axit. Rồi anh Vũ tập trung nghiên cứu và học hỏi những người có kinh nghiệm đi trước để thiết kế thử nghiệm cơ cấu. Cách bơm này là gián tiếp, cần lợi dụng áp suất bên trong, bên ngoài và chênh lệch áp suất cao-thấp thật chính xác nên phải thử nghiệm và cải tiến ngay trong thực tế mà không thông qua bản vẽ. Do đó, trước khi thành công thì số lần thất bại không đếm xuể. “Để chắc chắn, tôi vẫn nhờ một đồng nghiệp thử nghiệm lại. Khi thành công thì chính người đồng nghiệp ấy đã rất vui mừng và động viên tôi phải trình lên cấp trên để có thể áp dụng ngay trong xưởng!”-anh Vũ kể lại.

Năm 2013, sáng kiến “Cơ cấu bơm dẫn axit trong pha chế dung dịch dùng trong nhuộm đen súng bộ binh” đã được Cục Quân khí công nhận và đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội. Hiện nay, cơ cấu bơm dẫn axit do anh Vũ sáng chế đang được áp dụng tại rất nhiều trạm, xưởng sửa chữa vũ khí trong Cục Quân khí.

Nói về sự nỗ lực sáng tạo trong công việc sửa chữa, bảo dưỡng khí tài, anh Vũ cho rằng, mọi sự sáng tạo trong công việc sửa chữa đều phải bắt nguồn từ thực tế công việc. Từ đó, anh luôn cố gắng cải thiện hiệu quả công việc bằng chính những sáng kiến nhỏ bé của mình nhằm tăng năng suất, giảm thời gian và bảo đảm an toàn lao động trong suốt quá trình làm việc.

Bài và ảnh: HÀ MY