Lỡ lời hẹn thề năm xưa

Tôi có may mắn được gặp cụ Bùi Thị May, mẹ đẻ Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc và chị Khuy khi còn là cán bộ của Cục Hậu cần, Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG). Đó là vào tháng 10-2009, tôi về xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đón mẹ và chị lên Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Binh chủng TTG (1959-2009).

Di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc.

Thời gian thấm thoắt 12 năm, tôi gặp lại chị Khuy, nay gần 70 tuổi. Chị cho biết, mẹ May qua đời năm 2010, sau khoảng một năm đón anh Mạc trở về quê cha đất tổ. “Mẹ chồng tôi đã đoàn tụ với con trai hơn 10 năm rồi”, chị Khuy nói trong khi dẫn tôi đi thăm phần mộ của liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc ở Nghĩa trang Liệt sĩ Xuân An thuộc xã Xuân Vinh.

Theo lời chị kể, chồng chị-anh Hoàng Thọ Mạc-sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của anh là cụ Hoàng Thọ Rô, liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1965, anh Mạc tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Tháng 6-1966, anh được chuyển sang bộ đội chủ lực và năm 1972 được điều về Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202 (tiền thân của Lữ đoàn Xe tăng 202 ngày nay).

Chị Khuy và anh Mạc nên duyên vợ chồng nhờ lời giao ước của bố mẹ hai bên. Lần chia tay cuối cùng trước khi anh hy sinh khiến chị và những người trong gia đình đến nay vẫn còn day dứt. Chị kể, đầu tháng 4-1975, anh Mạc đang học lớp tập huấn ở Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật TTG (nay là Trường Sĩ quan TTG) thì nhận lệnh hỏa tốc về đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tối đó, anh Mạc tranh thủ về thăm nhà, nhưng vì một lý do nào đó, bố dượng của anh Mạc  buộc mỗi người ngủ một nơi. “Cả đêm hôm đó chồng tôi thức trắng, còn tôi cũng trằn trọc không ngủ được, khóc sưng cả mắt. 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi bịn rịn chia tay. Trước lúc đi, anh Mạc hứa hẹn sau chiến dịch này anh sẽ về mua đất xây nhà để làm tổ ấm riêng của vợ chồng. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng vợ chồng gặp nhau. Tôi thương anh và cũng khóc cho chính mình”, chị Khuy nghẹn ngào.

 Bà Tô Thị Khuy kể chuyện về Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc.

Mỗi dịp 30-4, những ký ức của 46 năm trước ào ạt trở về trong tâm trí chị Khuy. Đó là ngày 30-4-1975, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Sài Gòn giải phóng. Trong khi mọi người hân hoan đổ ra đường ăn mừng chiến thắng thì tâm trạng của chị thật bất an. Không hiểu sao đêm 29, rạng sáng 30-4, chị không thể nào chợp mắt được, lòng dạ bồn chồn khó tả, vui chẳng ra vui, buồn chẳng ra buồn... Đầu tháng 6-1975 có tin anh Mạc đã hy sinh ở mặt trận phía Nam nhưng chị không tin bởi chị vừa nhận được thư của chồng. Bức thư được viết trên hai tờ giấy rời nhau và mở đầu bằng câu: “Bình Dương, ngày 29-4-1975”. Trong thư, anh kể rằng anh và đồng đội đã vào gần tới Sài Gòn rồi. Bộ đội đi tới đâu là giải phóng tới đó, hai bên đường người dân cầm cờ, hoa vẫy chào vui lắm. Anh còn động viên chị an tâm, sau trận chiến này anh sẽ trở về. “Nhưng sự thật vô cùng đau đớn! Giấy báo tử gửi về ghi rõ anh Mạc hy sinh đúng ngày 30-4-1975. Tin dữ này khiến tôi quỵ ngã, tưởng chừng không thể gượng dậy nổi”, chị Khuy nhớ lại.

Sau này, đồng đội của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc kể lại với chị rằng, sáng 30-4-1975, sau khi đánh chiếm Lái Thiêu, tiêu diệt 1 xe tăng M41; 2 pháo tự hành 175mm của địch, xe thiết giáp K63 số hiệu 454 do Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202 trực tiếp chỉ huy vọt lên dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến về cầu Vĩnh Bình (cây cầu nằm trên Quốc lộ 13, bắc qua sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 5km). Đây là cây cầu có vị trí rất quan trọng, nếu ta chiếm và giữ được là mở toang cánh cửa phía Bắc cho các cánh quân của ta thần tốc tiến vào Sài Gòn. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, Hoàng Thọ Mạc đã bị thương nhiều lần nhưng anh vẫn kiên cường chiến đấu và hy sinh khi lấy thân mình che đạn cho đồng đội. Anh hy sinh chỉ một giờ trước khi miền Nam được giải phóng.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 12-9-1975, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khẩu súng K54 mà anh Mạc sử dụng trong trận đánh cuối cùng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng TTG.

Xoa dịu nỗi đau

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi niềm đau đáu của thân nhân Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc kể từ năm 1975 là chưa đưa được hài cốt anh về quê hương. Hiểu được nỗi lòng trên, tháng 4-2009, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Xe tăng 202 và đồng đội đã quyết tâm tìm kiếm và đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Cũng kể từ ngày đón anh về quê, vào dịp 30-4, chị Khuy không còn bồn chồn, tâm trạng thất thần như trước nữa. Lòng chị đỡ trống trải hơn, thanh thản hơn vì dù sao anh vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, còn nhiều nấm mộ trên bia khắc “liệt sĩ chưa biết tên”.

Trong ngôi nhà của anh Vũ Văn Phú (người em cùng mẹ khác cha với liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc), di ảnh, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc được treo trang trọng trên bàn thờ. “Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 30-4, gia đình tôi đều làm mâm cơm cúng để mọi người tưởng nhớ người anh, người bác mà chúng tôi rất yêu thương”, chị Phạm Thị Sợi, em dâu liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc chia sẻ.

Về xã Xuân Vinh, hỏi từ em nhỏ đến các cụ cao niên về anh hùng Hoàng Thọ Mạc, ai ai cũng biết và tự hào về người con của quê hương thành Nam. Theo ông Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Vinh, việc giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng luôn được địa phương chú trọng. Theo đó, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22-12), khai giảng năm học mới... cấp ủy, chính quyền, hội cựu chiến binh, các cơ quan, đoàn thể địa phương thường lồng ghép nội dung tuyên truyền và học tập, làm theo tấm gương của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc, như: “Diễn đàn thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc” được tổ chức vào dịp giao nhận quân hằng năm hay các buổi sinh hoạt giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong các trường học. “Những hoạt động trên là nghĩa cử tri ân đối với những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ngày 30-4 “đất nước trọn niềm vui” đang đến gần, trong niềm vui đó, tôi lại nhớ tới câu nói của chị Khuy: “Mỗi lúc nhìn thấy các gia đình quây quần con cháu nhân ngày vui toàn thắng của dân tộc, lòng tôi se sắt lại. Vẫn biết rằng nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai... nhưng không hiểu sao cứ đến ngày đại thắng 30-4 lại khiến tôi nghẹn ngào”.

Bài và ảnh: THÁI KIÊN