Nhà di động đặc biệt
Năm chiếc xe labo xét nghiệm di động nằm ở các vị trí khác nhau khiến nhà xưởng 1.500m2 trở nên chật chội, ngột ngạt hơn dưới cái nắng Sơn Tây. Nhiều tốp thợ kỹ thuật đẫm mồ hôi trên mặt, hối hả thực hiện những công đoạn cuối cùng, kiểm tra đồng bộ thiết bị trên các labo, phục vụ nghiệm thu vào sáng 11-9, bàn giao cho Tổng cục Hậu cần đưa vào phía Nam thực hiện nhiệm vụ.
Thượng tá, Thạc sĩ Đặng Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, là một trong những người chủ trì đóng các labo, cười rất tươi khi giới thiệu về sản phẩm đặc biệt. Anh chia sẻ, mấy hôm nay, khi công việc đã về đích, anh và các cộng sự mới được ngủ ngon để bù lại những đêm trắng.
Theo anh Tân, labo xét nghiệm là một ngôi nhà di động đặc biệt với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại. Nó dài 7m, rộng 2,5m và được đặt trên xe cơ sở Mitsubishi Fuso. Vách của labo xét nghiệm được thiết kế dày 5cm, gồm 5 lớp vật liệu. Lõi được kết cấu bằng thép rồi đến lớp xốp cách nhiệt và phủ lớp composite dày 3mm. Từ lõi đi ra phía ngoài cũng được thiết kế hai lớp vật liệu như vậy. Độ dày của vỏ labo sẽ bảo đảm sự chắc chắn khi cơ động dài ngày, có thể tích hợp các loại đường ống dẫn nước, dây điện, thiết bị lọc khí... mà không bị không khí môi trường xâm nhập. Labo xét nghiệm này được chia làm 3 buồng: Buồng để các thiết bị điện; buồng chiết tách và xử lý mẫu bệnh phẩm; buồng PCR và đọc kết quả. Trong từng buồng chuyên dùng, tùy theo chức năng được lắp đặt các trang bị xét nghiệm hiện đại, như: Tủ an toàn sinh học cấp 2, tủ bảo quản, máy ly tâm, tủ lạnh âm, máy PCR, thiết bị cấp cứu...
Sự đặc biệt của labo này là có máy để tạo ra áp lực âm. Không khí sạch được thiết bị đặc chủng lọc, đưa vào phục vụ nhân viên y tế làm việc, đồng thời đưa ra ngoài môi trường đạt các tiêu chuẩn khắt khe. Thân xe được thiết kế tích hợp thùng đựng nước sạch và nước thải bằng inox, máy phát điện, hệ thống nạp bình ắc quy dự phòng và có chỗ lấy điện lưới cấp cho labo hoạt động. Ngoài ra, xe còn có 4 “chân voi” để đỡ toàn bộ labo, giảm tải cho lốp xe và giữ cân bằng khi dừng thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm Covid-19. Riêng nước thải trong quá trình sử dụng được lọc sạch bằng các thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn và có thể đưa ra ngoài dễ dàng qua hệ thống ống và van xả. Anh Tân phấn khích, khi đến kiểm tra sản phẩm, sau khi đo kiểm bằng các thiết bị chuyên dùng, các chuyên gia của Bộ Y tế đã khẳng định, mọi thông số của những chiếc labo này đều đạt và vượt tiêu chuẩn khắt khe do WHO ban hành, cần sớm đưa vào chống dịch Covid-19, giảm tình trạng quá tải cho ngành y đang rất cần kíp hiện nay.
Những đêm trắng
Ngày 11-8, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới và Xưởng chế thử (Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự) chính thức nhận lệnh thi công 5 xe labo xét nghiệm Covid-19. Rất nhiều công việc phía trước phải thực hiện. Lúc này, thời gian và tiến độ là bài toán hóc búa. Theo Trung tá Nguyễn Duy Du, Giám đốc Xưởng chế thử, phải phân chia lực lượng thành các tổ và làm theo ca. Xưởng hoạt động liên tục. Cán bộ thiết kế như anh Tân và các cộng sự phải thay nhau bám từng tốp thợ để làm đâu được đó, làm đến đâu nghiệm thu đến đấy. Anh Du chia sẻ, các nhóm thợ cơ khí rất vất vả. Họ phải gia công các chi tiết cấu thành vách labo, két nước, giá đặt máy phát điện và nhiều thiết bị phụ trợ không tên. Quạt công nghiệp chạy vù vù để xua đi cái nóng nhưng dường như vẫn không ngăn được lượng mồ hôi của người thợ.
Lúc này, khó khăn lớn nhất đối với Thượng tá Đặng Nhật Tân không phải là tay nghề thợ và chất lượng thi công mà là nguồn cung vật liệu khan hiếm do TP Hà Nội áp dụng các biện pháp cách ly xã hội để chống dịch. Khắp Hà Nội không thể tìm ra nơi cung cấp tấm composite dày 3mm khổ lớn, vì không phải là mặt hàng thiết yếu. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất tấm composite cũng không có người làm việc. Nếu không có vật liệu thì tiến độ tổng thể sẽ chậm lại. Anh Tân kể, lúc ấy, mỗi phút qua đi là một cực hình, nó giống như một khối đá đè nặng trong đầu anh. Cuối cùng, bằng các mối quan hệ, anh Tân mua được hóa chất từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ở Long Biên và vận chuyển đến nhà máy để sản xuất composite. Ngoài ra, các anh còn phải mất thời gian chờ đợi bên sản xuất tuyển lựa công nhân, xét nghiệm Covid-19. Khi những tấm composite dày 3mm được chuyển về sau một tuần chờ đợi, anh Tân và cả xưởng thở phào như trút được gánh nặng.
Trung tá QNCN Nguyễn Văn Lâm là một thợ điện có tay nghề cao ở Xưởng chế thử. Bản thân anh từng thi công nhiều nội dung rất phức tạp cho các loại phương tiện khác nhau. Anh Lâm thổ lộ: "Đây là lần đầu tiên có một chiến dịch gấp và đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, khắt khe như thế. Để hoàn thành công việc, những người lính thợ phải quên đi thời gian, quên mệt nhọc và những lo toan thường nhật. Những ngày cao điểm, đặt lưng xuống là giấc ngủ ập đến nhưng chỉ một lúc lại bật dậy và lao ngay vào công việc". Trò chuyện với anh, tôi hiểu ý nghĩa của sản phẩm đối với công tác chống dịch như một mệnh lệnh không lời luôn thường trực và thôi thúc các anh. Với những người lính thợ ở đây, thời gian lúc ấy quý hơn vàng.
Nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhìn vào kết quả công tác, nhiều người khẳng định: Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự là nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi những chiến công trong chiến dịch “ba mươi ngày” mà chúng tôi kể trên sẽ là uy tín để viện có thêm những đơn hàng phức tạp, yêu cầu cao về khoa học công nghệ, nhất là trong điều kiện thời gian thi công gấp. Theo dõi kết quả công tác của viện mới thấy họ còn có những chiến công khác ý nghĩa không kém.
Gần đây, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự mà nòng cốt là Xưởng chế thử đã tiến hành kiểm nghiệm 10 nhóm trang bị để phục vụ Đội Công binh Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho kết quả tốt. Trước đó, viện đã thành công trong việc cải hoán xe thiết giáp BTR-152 thành xe cứu thương BTR-152.TGCT với nhiều ưu điểm và đang sử dụng tại Nam Sudan.
Một trong những cán bộ nghiên cứu mà chúng tôi kính trọng là Viện trưởng, Đại tá, TS Trần Hữu Lý. Anh Lý từng chủ trì và tham gia nhiều đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước và cấp quốc gia. Tôi rất tâm đắc với một số đề tài cấp quốc gia của anh như: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị lắp đặt lên phao nổi để thi công mở luồng không nổ và khoan hạ cọc trên các công trình quân sự; nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị thi công hạ cọc lắp trên máy xúc thủy lực phù hợp với thi công công trình trên biển... Anh Lý đã đoạt nhiều giải thưởng khoa học, như: Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2019; giải vàng Sáng tạo khoa học kỹ thuật Hàn Quốc 2019; giải đặc biệt của INDOPA tại Giải Sáng tạo khoa học kỹ thuật Hàn Quốc.
Thượng tá, Thạc sĩ Đặng Nhật Tân cũng là một cán bộ kỹ thuật tài năng. Anh Tân sinh năm 1970, từng đoạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2003. Năm 2014, anh cùng với cộng sự đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) với công trình "Xử lý tiếng ồn tháp khí thải Nhà máy Z195" (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Mới đây, anh cùng cộng sự đã hoàn thành sản phẩm "Tủ bảo quản khí tài" cho Cục Kỹ thuật (Bộ đội Biên phòng) rất hữu ích. Và mấu chốt quan trọng nhất để đạt được những thành tích đáng tự hào trên chính là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các kỹ sư tài năng và những người lính thợ tâm huyết.
Theo Giám đốc Xưởng chế thử Nguyễn Duy Du, hiện xưởng có gần 100 thợ các chuyên ngành cơ khí, điện, máy, gầm... trong đó có nhiều thợ giỏi, tay nghề cao từng đoạt giải cao tại các hội thi; nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với nghề, điển hình như Thiếu úy QNCN Bùi Sĩ Toàn, Đại úy QNCN Lê Tiến Công và Trung tá QNCN Nguyễn Văn Lâm.
Khoa học công nghệ là một trong những mũi nhọn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Việc nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu dụng ở Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự chỉ là một điểm sáng chứng minh, tiềm năng nghiên cứu khoa học công nghệ trong quân đội còn rất lớn, cần tận dụng, khai thác, đáp ứng nhu cầu xây dựng quân đội hiện đại và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
ĐỨC TÂM
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ