Dẫn chúng tôi đi tham quan đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự Tiểu đoàn 93, giới thiệu, một trong những yếu tố giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ là nhờ những mô hình, sáng kiến của anh em trong đơn vị. Riêng năm 2020, đơn vị có gần 20 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hơn 40 sản phẩm làm mới ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Điển hình là Đại đội vật cản 2, đơn vị có nhiều mô hình, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ PCKB.

leftcenterrightdel
Thực hành điều khiển robot gắp bom vào thùng chứa đưa đi hủy nổ.

Lời giới thiệu đầy hấp dẫn của Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh thôi thúc chúng tôi tới ngay Đại đội vật cản 2 để được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”. Tiếp chúng tôi là Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thành, nhân viên thông tin, một “cây sáng kiến” của đơn vị. Thành cho biết, hiện nay, các thế lực khủng bố trên thế giới sử dụng nhiều loại bom tinh vi, rất khó phát hiện, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trước thực tế đó, đơn vị đã tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để cho cán bộ, nhân viên huấn luyện, thực hành PCKB sát thực tế. Những năm qua, đơn vị có nhiều mô hình mang  tính ứng dụng cao, thiết thực, hiệu quả. Trước hết phải kể đến mô hình “Bom khủng bố dùng ngòi nổ hẹn giờ điện tử”. Mô hình này, kẻ khủng bố dùng hẹn giờ các loại thiết bị như: Máy tính, đồng hồ điện tử, radio, camera... sử dụng việc khuếch đại điện áp ra các thiết bị ngoại vi (loa, màn hình, còi, chuông báo động...) để kích mồi lửa điện, kíp điện.

Mô hình thứ hai được Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thành nhắc tới là “Bom khủng bố sử dụng ngòi hẹn giờ cơ khí”. Theo đó, kẻ khủng bố đặt hẹn giờ đối với quạt điện, đồng hồ cơ... Sau thời gian hẹn giờ, công tắc nguồn sẽ đóng, cấp điện cho kíp điện và kích nổ.

Tiếp lời “cây sáng kiến” Nguyễn Văn Thành, Trung úy QNCN Đào Văn Long, đồng tác giả của mô hình “Bom khủng bố điều khiển nổ bằng điện thoại di động” cho biết, ngoài các mô hình trên, đơn vị còn có nhiều mô hình khác như: “Bom khủng bố điều khiển nổ từ xa”, “Bom khủng bố điều khiển nổ bằng điện thoại di động”, “Bom khủng bố gây nổ bằng điện dưới dạng bẫy”... “Những mô hình trên giúp cán bộ, nhân viên Đội PCKB nắm vững được cấu tạo, tính năng, tác dụng, nguyên lý làm việc cơ bản của các loại bom những kẻ khủng bố thường sử dụng. Điều cốt lõi là thông qua đó giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ khi gặp tình huống có biện pháp xử lý nhanh, gọn, an toàn và tự tin trong khi thực hiện nhiệm vụ”, anh Long cho biết thêm. 

Theo chân Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 93, chúng tôi tới khu kỹ thuật của đơn vị-nơi tập trung toàn bộ trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, rà phá bom, mìn, PCKB... “Để làm chủ khối tài sản khổng lồ này, chúng tôi thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về tính năng kỹ chiến thuật; chủ động liên hệ với nhà sản xuất cung cấp tài liệu nguyên bản, anh em dịch ra tiếng Việt; xây dựng giáo án, tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn và các đơn vị bạn trong thời gian nhanh nhất...”, Đại úy Lê Đức Tài, Đại đội trưởng Đại đội 4 nhấn mạnh.

Tới thăm khu vực của Đại đội vật cản 2, chúng tôi ngỡ ngàng trước khối tài sản khổng lồ đơn vị đang trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng nhiều xe-máy, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như: Robot xử lý bom, mìn, vật nổ; tay gắp bom, mìn, vật nổ SE350; máy dò mìn Minilab F3CI; thiết bị dò mìn tổng hợp Topsky... Quá trình luyện tập, Đội PCKB bám sát phương châm “từ dễ đến khó, từ chậm đến nhanh, từ riêng lẻ đến tổng hợp” và thực hiện đúng quy trình “thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, an toàn”, sau đó tiến hành hội thao đánh giá kết quả của từng thành viên, tổ, nhóm. Điều thuận lợi là đơn vị có khoảng 40% cán bộ, nhân viên được đào tạo tiếng Anh trình độ A2, nhiều đồng chí có trình độ B2 nên thuận tiện trong việc tiếp cận tài liệu và khai thác, sử dụng trang thiết bị của nước ngoài.

Giới thiệu với chúng tôi về các loại xe-máy, trang bị của đơn vị, Đại úy Trần Thế Thành, Đại đội trưởng Đại đội vật cản 3, chia sẻ: “Đối với trang thiết bị hiện đại, khai thác, sử dụng khó, phức tạp, chúng tôi lựa chọn một số cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên sâu, chuyên môn kỹ thuật cao để hướng dẫn, khai thác, sử dụng. Cùng với đó, mỗi cán bộ, nhân viên phải luôn cập nhật kiến thức mới trên các trang mạng trong và ngoài nước; tự học, tự nghiên cứu tính năng cơ bản để khai thác, sử dụng, bảo quản hiệu quả, an toàn tuyệt đối về người và tài sản...”.

Để tiếp tục khơi nguồn truyền thống “dũng cảm phá bom”, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên khẳng định: “Thời gian tới, mỗi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 93 tiếp tục nỗ lực tự học, tự rèn nhiều hơn nữa, làm chủ phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đặc biệt, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; hội nghị, diễn đàn, đại hội thể thao khu vực và quốc tế tổ chức tại Việt Nam... xứng đáng là lực lượng “đặc nhiệm bom, mìn”.

Bài và ảnh: THÁI KIÊN - TRUNG KIÊN