Tôi thầm lặng tìm hiểu và sau đó, do công việc, được đọc một số chỉ thị, mệnh lệnh viết tay, có chữ ký, tôi biết Anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đó, trong tôi, Anh Văn-Võ Nguyên Giáp trở thành một hình tượng vừa lớn lao, cao đẹp, vừa bình dị và gần gũi. Tôi nghĩ đến một sự quyện hòa hiếm có: "Văn-võ song toàn".

Thực tình, tôi không có ý định tìm hiểu cụ thể tại sao Đại tướng lại hay ký tên là Văn, mà cố tâm suy nghĩ, lý giải chất văn, phẩm chất nhân văn-phẩm chất sâu nhất, cao nhất cần có trong con người, ở một danh tướng lừng lẫy, được gọi là "vị tướng huyền thoại" của Quân đội ta. Có lẽ, đối với người bình thường, ai cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của ngọn đèn điện, nhưng không ai nhìn thấy được dòng điện vô hình đang chạy trong dây điện để tạo ra ánh sáng đó. Tôi thử cố gắng hình dung ra dòng điện đó, tìm ra nguồn cội tạo ra phẩm chất nhân văn sáng ngời trong vị Đại tướng huyền thoại của chúng ta. Thật khó, nhưng vẫn phải thử sức mình, đôi khi cảm nhận được mà chưa tìm ra cách diễn tả. Mà có một điều dễ thấy, khi nghĩ, viết, tìm hiểu về các danh tướng, thông thường người ta chỉ nói tới tài năng đặc biệt về quân sự, chiến lược quân sự, về mưu lược, về các chiến dịch, các trận đánh, về điều binh khiển tướng, về cách đánh, cách sử dụng vũ khí... Hình như, chỉ điều đó thôi, cực kỳ quan trọng mà không đủ, còn thiếu một cái gì thật lớn, thật sâu về Anh Văn-Võ Nguyên Giáp.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) dưới gốc đa Tân Trào năm 1995. Ảnh: TRẦN TUẤN 

Nhân kỷ niệm 50 năm Toàn quốc kháng chiến (1946-1996), ngày 29-1-1996, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học bàn về một chủ đề rất hay: Học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu và khẳng định: "Có một học thuyết quân sự Việt Nam". Tôi được biết, trước đó, quan điểm này đã được Đại tướng đề cập nhiều lần. Tại hội thảo này, Đại tướng xác quyết: "Phải khẳng định có một học thuyết quân sự Việt Nam và tôi nghĩ rằng theo học thuyết ấy không hề có chiến lược quân sự thuần túy, chiến lược của ta bao giờ cũng là chiến lược tổng hợp, cả chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, một chiến lược toàn diện tổng hợp"(1).

 Ở hướng tìm hiểu của mình, tôi nghĩ đến hai từ: "Tổng hợp" và "văn hóa". Đại tướng đưa "văn hóa" vào học thuyết quân sự Việt Nam, khẳng định nó là một thành tố hữu cơ trong chiến lược tổng hợp, toàn diện của học thuyết quân sự Việt Nam. Đó là một khẳng định độc đáo, hiếm có. Như vậy, rõ ràng và dứt khoát là phẩm chất và giá trị văn hóa thuộc về, nằm trong nội hàm của học thuyết đó. 30 năm là Tổng tư lệnh, 65 năm mang quân hàm Đại tướng, Anh Văn đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng trên và cả cuộc đời đã tự rèn luyện mình theo hướng đó: Văn-võ song toàn. Tôi nghĩ, phải chăng, đây là một cội nguồn tạo nên phẩm chất nhân văn trong nhân cách Đại tướng.

Tôi được biết, nhiều lần Đại tướng nhắc đến một phẩm chất cao đẹp của người cách mạng mà Bác Hồ đã căn dặn Đại tướng và các học trò-đồng chí của Người: "Dĩ công vi thượng". Trong một hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác Hồ, Đại tướng đã có tham luận: "Làm theo lời Bác-Dĩ công vi thượng". Đại tướng tâm sự: "Hơn 60 năm đã trôi qua, lời dạy ấy vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn gọn trong bốn chữ như vậy mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Người suốt đời cho tới hôm nay. "Dĩ công vi thượng" là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân... Đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân..."(2). "Dĩ công vi thượng" chính là phẩm chất, giá trị văn hóa cao nhất, khó thực hiện nhất đối với người lãnh đạo cả trước kia, hiện nay và mai sau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã "phấn đấu làm theo lời Người suốt đời". Bên cạnh và cùng với những kỳ tích có tính huyền thoại về quân sự thì phẩm chất nhân văn đó cũng chính là một kỳ tích mà thực tiễn đã chứng minh rằng không ít người giữ chức vụ cao không làm nổi.

Vào tháng 6-1997, lần thứ hai Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp và tiếp ông Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng 52 thành viên của Mỹ sang thăm, trao đổi với Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra về cuộc chiến tranh và cả về bản thân Đại tướng. Tôi nhớ có một câu hỏi được nhiều người đặc biệt chú ý vì tính trực diện và có phần "gai góc": "Vị tướng nào trong chiến tranh được ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-TG) đánh giá cao nhất?". Đại tướng đã trả lời, đại ý rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Vị tướng mà tôi đánh giá cao nhất là vị tướng nhân dân. Các ngài gọi tôi là vị tướng huyền thoại, nhưng tôi tự nghĩ, tôi bình đẳng với những chiến sĩ của mình... cho nên tôi rất tôn trọng người chiến sĩ. Một sự suy nghĩ hết mực bình dị, chân thành mà vượt lên trên tất cả "cái tôi" cá nhân. Vì thế, Đại tướng không chỉ được coi là danh tướng tài năng xuất chúng của thế kỷ 20, vị tướng huyền thoại, mà có lẽ danh hiệu cao quý nhất lại là "vị tướng trong lòng dân", "vị tướng của nhân dân". Với danh hiệu đó, những phẩm chất, giá trị nhân văn cao quý nhất đã hội tụ trong ông. Phải chăng, đó là cội nguồn vô tận tạo nên tài năng, sức mạnh, trí tuệ mẫn cán của một nhà quân sự lỗi lạc Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người chiến sĩ là bình đẳng, vì tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ". Đó là cách suy nghĩ minh bạch mà rất độc đáo về trách nhiệm được giao của một vị tướng, song, sâu xa hơn, trong thế giới tinh thần-tình cảm của ông, không dừng lại ở đó.

Nói chuyện với Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị), Đại tướng ân cần dặn dò: "Quân đội ta, nhân dân ta bao giờ cũng "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", ăn ở thủy chung, quý tình đồng đội, tình quân dân", vì thế "không những làm với tinh thần trách nhiệm mà với cả tấm lòng thương yêu đối với đồng đội, những tình cảm, những tình nghĩa thiêng liêng đối với những người đã mất, đối với những bà mẹ anh hùng, những gia đình có con hy sinh vì Tổ quốc..."(3).

Không chỉ căn dặn tướng lĩnh, sĩ quan dưới quyền mình mà bản thân Đại tướng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất nhân văn trên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Thượng tướng Trần Văn Trà đã bày tỏ suy nghĩ sâu sắc về chất nhân văn của Đại tướng: "Trong toàn quân, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người giữ được uy tín gần như tuyệt đối từ ngày thành lập quân đội cuối tháng Chạp năm 1944 đến suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua và kể cả cho đến hôm nay"(4). Khi quyết định mở một chiến dịch, một trận đánh, cùng với sự tính toán sáng suốt về mặt quân sự, Đại tướng từng tâm sự, bao giờ cũng nghĩ đến người lính, cố gắng đến mức cao nhất, làm giảm sự mất mát, hy sinh của đồng đội. Đó là phẩm chất tuyệt vời tạo nên tầm vóc của một nhà quân sự tài năng chân chính. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một sự gắn bó vô cùng mật thiết, ruột thịt với các tổ chức, các buổi gặp gỡ cựu chiến binh, từ cựu chiến binh từng đánh trận ở Điện Biên Phủ đến Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Khó có thể hình dung được niềm vui, sự xúc động, quyến luyến nghẹn ngào và tự hào... trong các lần gặp gỡ đó giữa người Anh Cả và các đồng đội, chiến sĩ của ông. Vào những năm cuối đời, khi tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, ông vẫn cố gắng đến dự và mỗi lần như vậy, ông thường nói một câu tự đáy lòng mình: "Năm nay tôi đã nhiều tuổi rồi. Vì vậy, chúng ta gặp mặt nhau đây là quý rồi, không thể nhiều lần nữa... Chúng ta nhớ đến các bạn chiến đấu đã cùng lập nên những chiến công lớn mà ngày nay không còn nữa. Hình ảnh các đồng chí còn mãi với non sông đất nước Việt Nam, với tất cả chúng ta, với toàn thể nhân dân...".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm lại chiến trường xưa (Điện Biên Phủ) và vùng căn cứ cách mạng thời chống Pháp (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng...). Ông luôn coi đó là quê hương thứ hai của mình. Ông tâm sự, trò chuyện thân mật, gần gũi, giản dị như người thân về nhà mình. Có lúc ông tâm sự với bà con người dân tộc bằng tiếng nói của họ: Tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông. Tháng 10-1994, ông về nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12-1944) ở khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Bà con các dân tộc đứng chật kín hai bên đường chào đón ông. Ô tô qua chỗ bùn lầy, xe không đi được, nhiều người muốn được cõng ông qua đoạn đường đó, ông xúc động nói: Đồng bào đối với Đảng, với quân đội tốt quá. Bây giờ, nơi này, nơi khác, dân còn khổ, mình thấy chạnh lòng, thấy mắc lỗi với bà con.

Cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc, cho nhân dân, đến khi tuổi đã tới 84, vị Đại tướng của nhân dân vẫn canh cánh trong lòng "thấy mắc lỗi với bà con". Không thể nói gì hơn, một phẩm chất lớn và sâu đến vậy. Nghĩ về phẩm chất ấy, hôm nay, chúng ta càng thấy chạnh lòng, càng thấy có lỗi! Tôi đã đọc "Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tìm thấy nhiều lần ông nói rằng, trong thời kỳ đổi mới, tuy đã có những tăng trưởng đáng kể, song nước ta vẫn còn là một nước nghèo, tụt hậu, không chỉ so với thế giới mà ngay cả với các nước trong khu vực. Vì vậy, phải cố gắng vươn lên, tiến kịp các nước khác. Điều này rất khó nhưng chúng ta nhất định làm được. Đó là một sự nhắn gửi đầy tâm huyết.

Những phẩm chất nhân văn trên gắn với sự nghiệp lớn lao của một Đại tướng văn võ song toàn, "một cây đại thụ rợp bóng nhân văn" hòa quyện làm một trong một tài năng quân sự, một danh tướng của thế kỷ 20.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc, thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.444

(2) Báo Nhân Dân, ngày 17-5-2005

(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc, thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.447

(4) Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp-Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.49