Với việc duy trì nghiêm 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần thì thời gian để bộ đội thư giãn, giải trí, hát-nhảy-múa rất hạn chế, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải rất tâm huyết, trách nhiệm, khéo sắp xếp.
Một điều dễ nhận thấy là lực lượng cán bộ, sĩ quan trẻ, hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ phần lớn trong độ tuổi thanh niên, vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn tươi trẻ, yêu đời, ưa khám phá, vì vậy, nhu cầu được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao (VHVN, TDTT), được thể hiện năng lực, sở trường của mình trong lĩnh vực này là nguyện vọng hết sức chính đáng. Hoạt động tinh thần bổ ích ấy còn góp phần không nhỏ bồi đắp phẩm chất cao đẹp của người quân nhân cách mạng; giúp cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống trong sáng, giản dị, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, đồng thời được trang bị “sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế ở nhiều đơn vị, nhất là các đơn vị chủ lực đủ quân, hoạt động hằng ngày của bộ đội luôn kín lịch theo một vòng tuần hoàn khép kín, giờ nào việc ấy. Giờ nghỉ, ngày nghỉ là khoảng thời gian bộ đội có thể nghỉ ngơi, giải trí hoặc "túm năm tụm ba hát với cây đàn ghi-ta". Nhưng giờ nghỉ, ngày nghỉ, bộ đội còn có nhiệm vụ tăng gia sản xuất và chăm sóc, xây dựng doanh trại đơn vị. Có đơn vị, thời gian tăng gia sản xuất và sửa chữa doanh trại chiếm phần lớn, điều này khiến việc tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT cho bộ đội trở nên khá khó khăn.
"Cán bộ nào, phong trào ấy", tâm sự với một số cán bộ, chỉ huy cấp phân đội, chúng tôi được biết đến rất nhiều sáng kiến để lúc nào doanh trại cũng "bừng lên hội đuốc hoa", "tiếng hát, câu cười rộn ràng khắp chốn". Bộ đội hát khi hành quân đi ăn, hát khi hành quân ra thao trường, hát mở đầu các buổi sinh hoạt... Những sáng kiến đó giúp cho tiếng hát bộ đội luôn có cơ hội vang lên trong điều kiện thời gian eo hẹp.
Nhưng thời gian, không gian để tổ chức đời sống văn nghệ đích thực vẫn là bài toán đặt ra cho các đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở cho rằng, không dễ để có thời gian cho bộ đội hát. Mỗi tuần chỉ có một giờ chính thức để sinh hoạt chính trị-văn hóa tinh thần. Giờ đó lại phải ưu tiên cho việc giải đáp các ý kiến thắc mắc nhằm bảo đảm quy chế dân chủ cơ sở. Hơn nữa, để sinh hoạt văn nghệ thực sự sôi nổi, đơn vị trước hết phải dạy cho tất cả bộ đội biết hát, xây dựng hạt nhân nòng cốt, đầu tư vật tư, định hướng những bài hát nên biết (ngoài 15 bài hát theo quy định), đầu tư mua sắm thiết bị như đàn ghi-ta, dàn karaoke... Thu xếp được thời gian để bộ đội sinh hoạt văn nghệ đã khó, để bộ đội thực sự đam mê, hát hay thì khó hơn nhiều. Nhiều khi, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải tính toán từng phút trong kế hoạch huấn luyện và đầu tư nguồn lực rất lớn để bộ đội có thêm giờ sinh hoạt văn nghệ, nhưng chất lượng thì vẫn còn là cả một vấn đề.
Ví như cách làm sáng tạo ở Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4). Trả lời câu hỏi, với việc thực hiện chế độ ngày, tuần kín như vậy, bộ đội học hát cũng như tham gia các hoạt động VHVN vào khi nào, Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 3, khẳng định: “Đơn vị chủ lực đủ quân, nhiệm vụ chính trị là huấn luyện, SSCĐ và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác. Nhưng Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, trong chỉ đạo, luôn yêu cầu cấp đại đội, trung đội phải dành thời gian cho bộ đội vui chơi, ca hát”. Theo Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú, trước các buổi sinh hoạt tập thể, chỉ huy các đơn vị thường dành một khoảng thời gian nhất định để bộ đội kết hợp giữa xung phong và chỉ định cán bộ, chiến sĩ có tiết mục văn nghệ góp vui. Vào giờ thứ 8 hằng ngày, ngoài cung cấp các thông tin thời sự nóng hổi, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong ngày của trung đoàn, chương trình phát thanh nội bộ của đơn vị đều phát xen kẽ các ca khúc cách mạng, chủ yếu là 15 bài hát quy định trong quân đội, giúp bộ đội dễ thuộc, dễ nhớ. Đài phát thanh nội bộ trung đoàn còn duy trì đều đặn Chuyên mục “Quà tặng âm nhạc theo thư yêu cầu” dành cho chiến sĩ. Theo đó, từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, “nhà đài” sẽ tiếp nhận yêu cầu của bộ đội, đề nghị phát các ca khúc mà mình yêu thích, hoặc nhờ “nhà đài” gửi tới đồng chí, đồng đội trong đơn vị.
|
|
Hoạt động của Câu lạc bộ “Tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc” ở Sư đoàn 316, Quân khu 2 (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Cũng với chủ trương từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, theo Đại tá Đỗ Duy Chinh, Phó chính ủy Sư đoàn 316 (Quân khu 2): Ngoài chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa “sáng-xanh-sạch-đẹp”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, diễn đàn, giao lưu VHVN; thi hát 15 bài hát quy định trong quân đội. Đặc biệt, sư đoàn còn duy trì hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc”, nơi cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số có cơ hội được thể hiện tài năng biểu diễn nghệ thuật, với các điệu múa, tiếng khèn, trò chơi, phản ánh sinh động những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình...
Những ví dụ nêu trên có thể coi là cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động phong trào ở đơn vị cơ sở. Nhiều chiến sĩ trước khi nhập ngũ rất rụt rè, ngại ngùng khi sinh hoạt tập thể, nhờ tham gia các hoạt động của đơn vị, biết hát, biết múa, biết khiêu vũ đã tự tin, bạo dạn hẳn lên. Những lời ca, tiếng hát cất lên có tác dụng lan tỏa nguồn hạnh phúc, tình yêu cuộc sống cho tất cả mọi người. Có nhạc sĩ đã nói: "Nếu không có âm nhạc, thế giới sẽ rất buồn tẻ. Nó giúp xua tan nỗi đau khổ, mang lại niềm vui sướng, sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống". Với người chiến sĩ, còn gì ý nghĩa hơn khi sau một ngày hoạt động quân sự, đồng đội ngồi kề bên nhau cùng cây đàn ghi-ta, hát cho nhau nghe những giai điệu trầm bổng, cùng hòa chung những khúc quân hành. Tổ chức VHVN cho bộ đội là một hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa, có giá trị rất lớn trong bồi đắp đời sống tinh thần của mỗi người. Đôi khi, chính những bài hát, câu hò của đồng đội lại có tác dụng củng cố quyết tâm, vun trồng tình cảm, dung dưỡng tình yêu, nâng cao ý chí cho người chiến sĩ.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG