Theo lời kể của Trung tướng Lê Hữu Đức, khoảng giữa năm 1966, Lê Hữu Đức về nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng (sau đó là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng) Sư đoàn 1, Mặt trận Tây Nguyên. Ở Sư đoàn 1 lúc này, sư đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Hữu An (sau này là thượng tướng), chính ủy là đồng chí Hoàng Thế Thiện. Cảm tưởng lần đầu tiên của Lê Hữu Đức về Chính ủy Hoàng Thế Thiện là một con người cởi mở, dễ gần. Cùng sống, công tác và chiến đấu, Lê Hữu Đức ngày càng quý mến Hoàng Thế Thiện và gọi ông là “hạt nhân đoàn kết” của sư đoàn.
Một lần, Lê Hữu Đức trò chuyện, tâm sự cả đêm với Chính ủy Hoàng Thế Thiện bên bếp lửa trong một căn hầm giữa rừng già Tây Nguyên. Ông nói: “Tôi vào chiến trường sau các anh, kinh nghiệm chưa bằng các anh. Tôi xin tiếp tục phát huy sở trường, xông xáo, sâu sát các đơn vị”. Chính ủy Hoàng Thế Thiện bèn vỗ vai ông và nói: “Ấy chết, sao ông lại nói thế? Trong điều kiện bom đạn Mỹ dày đặc, ác liệt như vậy mà ông xông xáo là quý lắm, giúp cho Thường vụ và Bộ tư lệnh sư đoàn có cơ sở để hạ quyết tâm chính xác. Phần xây dựng kế hoạch thì còn có Thường vụ, Đảng ủy, bộ tư lệnh, cán bộ toàn sư đoàn nữa. Nhìn lại hai năm qua thì chúng ta cũng chỉ kẻ chín, người mười thôi...”.
Trong lần đi chỉ huy chiến dịch đầu mùa hè năm 1967, Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Hoàng Thế Thiện về sở chỉ huy trước, riêng Sư đoàn phó Lê Hữu Đức ở lại bám trận địa cùng Trung đoàn 66, thực hiện bước tiếp theo “tìm Mỹ mà đánh”. Quả nhiên, hai đại đội quân xâm lược Mỹ hung hăng đi càn, “sập bẫy” vào thế trận Trung đoàn 66 đã giăng sẵn ở khu vực Chư Đô. Chính ủy Hoàng Thế Thiện gọi điện chúc mừng Lê Hữu Đức: “Khá lắm, ông bạn cụt thân mến, chuyển lời chúc mừng của Thường vụ và Bộ tư lệnh sư đoàn tới anh em Trung đoàn 66 nhé. Riêng ông là giành thắng lợi kép đấy, cùng lúc nhận 6 thư từ đại hậu phương tới. Có cho chính ủy kiểm duyệt không?”.
Đọc thư nhà là một niềm hạnh phúc của những người lính chiến trường, các đồng chí sĩ quan cấp cao là lãnh đạo, chỉ huy cấp sư đoàn cũng không ngoại lệ. Và cũng hồn hậu như những người lính, họ cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau những cánh thư nhà. Nghe chính ủy nói vậy, Lê Hữu Đức vui vẻ nói ngay: “Xin chính ủy cứ tự do, nhớ chuyển thư của tôi cho anh An đọc nữa nhé”.
NGUYỄN HỒNG
(Theo sách Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam)