Từ đôi bạn chiến trường...
Trần Văn Nghị ở xã Nghĩa Trụ và Nguyễn Thế Hùng ở xã Long Hưng, huyện Văn Giang, đều sinh năm 1954, cùng tình nguyện nhập ngũ ngày 4-12-1971, cùng là con trưởng trong hai gia đình đông con; có bố đẻ đang làm kế toán hợp tác xã-trước đó tham gia kháng chiến chống Pháp... Nhờ vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thông minh và dũng cảm nên cả hai đều được chọn vào Tiểu đội Trinh sát của Tiểu đoàn 17 Công binh, Sư đoàn 325.
Vì có nhiều điểm tương đồng nên ngày 11-2-1972, trên đường đi B, Nghị và Hùng đã giao kết thành “đôi bạn chiến trường”, nguyện làm tròn nhiệm vụ, “đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”. Những cánh thư của đôi bạn đã gắn kết tình cảm gia đình. Hai ông bố thường qua lại thăm nhau. Ông Hạng (bố Hùng) ướm lời: “Bên ông bà có các cháu gái đã khôn lớn. Thằng Hùng chiến thắng trở về, chúng tôi “xin” ông bà một đứa cho nó”. Ông Vinh (bố Nghị) cũng mở lòng: “Được thế thì còn gì bằng...”.
|
|
Vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Nghị (bên trái) và vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Thế Hùng cùng đồng đội từng là chiến sĩ Thành cổ (Quảng Trị). |
Ngày 4-7-1972, Tiểu đoàn 17 vào đến thôn Nhan Biều thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, nằm trong khu vực phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn 325, cách Thành cổ Quảng Trị gần 1km. Trong suốt thời gian quân ta giữ Thành cổ cho đến khi rút khỏi đó ngày 15-9-1972, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đội trưởng Hoàn (quê Thái Bình), Nghị-Hùng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn, chuyển mệnh lệnh quân sự, đưa các lực lượng tiếp đạn, tải lương, tác chiến đến bến vượt để qua sông Thạch Hãn, vào giữ Thành cổ... Giữa cái “túi bom” của máy bay B-52 cộng với đạn pháo địch liên tục giội đến, đôi bạn phát huy hiệu quả nghiệp vụ trinh sát. Nghị có trí nhớ tốt và khả năng đặc biệt về ghi chép bản đồ quân sự. Hùng thì “gan lỳ cóc tía”, có biệt tài về nhận biết đường đi lối lại trong vùng địch, được cấp trên tin tưởng...
Đại úy Bồng, Tiểu đoàn trưởng biết rõ quan hệ giữa hai anh nên những việc quan trọng, ông thường chỉ định họ đảm nhiệm. Kinh nghiệm trận mạc giúp ông nhận thấy, trong gian khó ác liệt, tình bạn tri kỷ sẽ hỗ trợ đắc lực cho sức chiến đấu, đôi khi nảy sinh những sáng kiến rất có giá trị. Bởi vậy, sau khi kết thúc 81 ngày đêm ta chiếm giữ Thành cổ, Tiểu đoàn trưởng Bồng giao hai anh nghiên cứu tổ chức phá cầu Thành cổ trên sông Thạch Hãn nhằm ngăn quân địch từ thị xã Quảng Trị nống sang khu vực phòng thủ của ta. Thời điểm ấn định là 1 giờ 30 phút ngày 17-10-1972. Nhưng đúng giờ ấy, Nghị bị đau bụng đi ngoài, mệt lả nên chiến sĩ Sự đi thay. Hùng và Sự dẫn 60 chiến sĩ của Đại đội 2 Công binh-mỗi người mang 20kg bộc phá đến đầu cầu Thành cổ phía Bắc giao cho các chiến sĩ đặc công nước gắn vào những vị trí trọng yếu của cầu, đặt thiết bị hẹn giờ nổ.
Trận đánh khiến một đoạn cầu dài gần 20m tan tành. Không may, trên đường từ gầm cầu rút ra nơi an toàn, Hùng giẫm phải một quả mìn, phát nổ ngay dưới chân bị bất tỉnh. Đến khi hồi tỉnh lại ở trạm phẫu, anh thấy mình không còn ống chân phải, chân trái bị giập bắp cơ, bay mất xương bánh chè, khắp người xây xát... Sau một thời gian điều trị, an dưỡng, tháng 6-1973, Hùng được chuyển về Đoàn An dưỡng 155 ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc Hải Dương) với chế độ thương binh hạng đặc biệt, mất 81% sức khỏe.
Hòa bình lập lại, năm 1976, sau khi tốt nghiệp văn hóa cấp 3, Hùng dự thi, đủ điểm vào Trường Trung cấp Kế toán thống kê của Bộ Thủy lợi, khóa 8 (1976-1979). Đoàn 155 lắp chân giả cho anh để anh đi học được thuận lợi. Trong thời gian ấy, ở đơn vị, Nghị luôn nghĩ đến Hùng, có cả giả thiết Hùng hy sinh nên anh càng ra sức lập công để trả thù cho bạn.
Trở thành người trong nhà
Về Đoàn An dưỡng 155, Hùng được Bộ Quốc phòng tặng một chiếc xe đạp Thống Nhất nữ vì “có tinh thần dũng cảm trong chiến đấu”. Từ sau đó, đôi ba tháng một lần, Hùng xin phép chỉ huy đoàn về thăm gia đình. Lần nào anh cũng ghé thăm bố mẹ Nghị.
Lần đầu tiên anh về xã Nghĩa Trụ hỏi thăm nhà bố mẹ đồng đội, bà con còn lầm tưởng anh bộ đội chỉ còn độc chân trái đi xe đạp vào làng, chiếc nạng gỗ cài dựng đứng sau yên xe... ấy là Nghị nên thông tin “bay” ra cánh đồng thôn Đồng Tỉnh với nội dung khác hẳn. Gặp Hùng, bà Đồng (mẹ Nghị) mừng mừng tủi tủi: “Cháu ơi! Cháu về đây. Bác coi cháu cũng như thằng Nghị con bác!”...
Bé Khoa 15 tuổi-em gái của Nghị, lập tức bị chiếc xe đạp Thống Nhất nữ mới toanh của anh thương binh cuốn hút. Cô gái lóng ngóng dắt nó ra sân đình để tập đi. Bụng nghĩ, giá mà anh thương binh ở nhà mình lâu lâu để mình được sử dụng xe đạp nhiều hơn! Sau 3 lần Hùng về chơi, Khoa đã đạp xe được quanh làng. Những lúc Khoa nghĩ đến anh Hùng, cũng chỉ là mong có cơ hội được đi xe đạp, hầu như không có sự “rung động” đặc biệt nào khác.
Trần Văn Nghị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Mặt trận Quảng Trị, tiếp tục cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn. Khi qua sông Đồng Nai, bị sức ép của mìn địch nổ, làm tai và mắt chảy máu, đầu ù choáng váng... Sau ngày đất nước thống nhất, anh được điều sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, lại bị mảnh đạn sượt tai và đuôi mắt phải. Năm 1977, Nghị xuất ngũ về quê, thị lực mắt phải chỉ còn 3/10, hưởng chế độ chính sách dành cho đối tượng nhiễm chất độc da cam/dioxin, mất 35% sức khỏe. Từ đây, Hùng đi lại thăm Nghị và gia đình nhiều hơn.
Ngày 10-6-1978, Hùng nói với Nghị: "Sang năm tao tốt nghiệp ra trường. Tao định dịp này lấy vợ!".
- Mày lấy vợ ở đâu?
- Mày làm mối cho tao...
- Được! Tao có mấy đứa em họ, đảm đang lắm!
Ngẫu nhiên, Hùng nhìn qua cửa sổ thấy Khoa đứng chải đầu ở góc sân, quần lụa đen, áo phin hồng óng ánh dưới nắng chiều làm cho sắc mặt Khoa hồng thêm. Vô tình, Khoa bắt gặp ánh mắt của Hùng nhìn mình. Mặc dù Khoa không hề có ý làm dáng, song vẻ đẹp tự nhiên của cô khiến Hùng, chàng trai chưa bao giờ nghĩ rằng ở nơi đây lại tiềm ẩn một “cú sét ái tình”, giờ bỗng dưng hiển hiện.
Anh quay lại Nghị, xưng hô đã “khác màu”: “Thôi! Tôi lấy Khoa, em gái ông, được không?”.
Nghị vừa bất ngờ lại vừa như đã biết từ trước, cười hà hà: “Ờ được! Được!”.
Tối ấy, Hùng ở lại thưa với bố mẹ Nghị về việc tìm hiểu em Khoa, ông bà đã cho phép. Hùng vào phòng dành riêng cho Khoa thêu gối xuất khẩu và mở chuyện: “Khoa để lại cho anh chiếc gối em đang thêu được không? Anh sắp lấy vợ!”.
Khoa không nhìn anh, hồi hộp nói: "Anh Hùng lấy vợ, em xin tặng chiếc gối này cho anh!”...
Đêm ấy, hai người nói chuyện mãi... Anh nói: “Anh với anh Nghị là bạn chiến trường sống chết có nhau. Bố mẹ đôi bên cũng đã biết nhau. Bây giờ chỉ còn ở anh và em thôi. Có gì em cứ hỏi qua anh Nghị là biết hết về anh”.
Hai tuần sau Khoa trả lời đồng ý. Hùng được Hợp tác xã mua bán Long Hưng ưu tiên dành cho chè gói Hồng Đào, thuốc lá Tam Đảo, bánh kẹo để cưới vợ. Chủ nhật ngày 25-6-1978, bên phông cưới, cô dâu 20 tuổi rực rỡ đứng cạnh chú rể thương binh hơi lệch người vì chân bên phải bằng gỗ. Nhìn ánh mắt đôi uyên ương, quan viên hai họ và bạn hữu trầm trồ: “Cặp đôi đáng yêu nhất”...
Khoa từng phụ trách thiếu nhi của thôn 7 năm liền, là kỹ thuật viên thêu ren của hợp tác xã. Lấy Hùng rồi, chị càng tích cực công tác và lao động sản xuất. Hùng học xong, được phân công công tác ở ngành thủy lợi trong huyện. Hùng luôn chú ý công tác thật tốt để tranh thủ giúp vợ việc nông gia. Anh không muốn mang tiếng thương binh dựa dẫm mà muốn mọi người thấy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng. Tháng 7-2019, tại buổi tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng một số cơ quan, đơn vị tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) trao tặng Bằng khen...
Trần Văn Nghị, do nhiễm chất độc da cam/dioxin và những lần bom, đạn pháo địch nổ sát hầm nên sức lực và trí nhớ giảm nhanh. Năm 1979, cô giáo trẻ Vũ Thị Lượt, từ cảm phục đến yêu thương, trở thành người bạn đời, đồng nghĩa với người "điều dưỡng" tâm hồn cho anh. Nay, bà cựu giáo chức còn là người đưa đón anh trong các lần gặp mặt "Chiến sĩ Quảng Trị".
Đôi bạn Nghị-Hùng giờ đây đã vào bậc cổ lai hy. Gia cảnh chưa phải đã sung túc nhưng luôn rộn rã niềm vui bởi ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền. Tình bạn chiến đấu hòa quyện với tình cảm gia đình ngày càng bền chặt, là nguồn cảm hứng để các ông tiếp tục phát huy truyền thống quân đội anh hùng trên trận tuyến mới, góp phần bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG