Được nghe kể về ông đã lâu, nhưng khi gặp mặt, chúng tôi vẫn không khỏi ấn tượng với “cây đại thụ” của người S’Tiêng giữa nắng gió nơi biên thùy. Ánh mắt sáng trên gương mặt quắc thước, thân hình ở tuổi gần 90 để trần vẫn rắn chắc như cây gỗ lớn giữa rừng, già làng Điểu Nắng như hội tụ tất cả những nét đẹp của một người đàn ông S’Tiêng. Ấn tượng nhất là lúc ông cười. Tiếng cười vang lên như một bản cồng chiêng rộn rã, làm náo nức lòng người, khiến ai cũng trở nên gần gũi với nhau hơn.

Những năm tháng chống Mỹ, cứu nước nhìn thấy quân giặc giội bom xuống thôn sóc, bắn giết dân thường, máu căm thù sôi lên sùng sục trong cơ thể chàng trai Điểu Nắng. Anh muốn đi bộ đội để được cầm súng tiêu diệt quân thù. Nhưng cán bộ nói: Nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế và chỉ đường cho bộ đội đánh giặc, vận động đồng bào phản đối Mỹ-ngụy cũng là người chiến sĩ. Ưng cái bụng, anh cùng vợ miệt mài đào mấy cái hầm bí mật để cán bộ về họp và nghỉ ngơi. Vợ chồng Điểu Nắng còn đến từng nhà, động viên bà con phát nương rẫy trồng mì, trồng ngô khoai, nuôi thêm con heo, con gà để có lương thực, có thịt nuôi cán bộ và tiếp tế cho bộ đội. Không ít lần anh đã băng mình trong mưa bom bão đạn, xuyên rừng, lội suối để dẫn đường cho cán bộ tránh giặc truy lùng và chỉ đường cho bộ đội chống càn, đánh đồn. Có lần, cán bộ và bộ đội bị sốt rét hành hạ, Điểu Nắng cùng vợ và bà con mang cơm cháo đến thăm nuôi, vào rừng tìm cây thuốc quý về chữa trị.

Già làng Điểu Nắng đứng thứ hai, từ trái sang

Đất nước thống nhất được một năm, ông Điểu Nắng đưa vợ con đến Lộc Thiện sinh sống. Gặp các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tà Nốt là ông cảm mến ngay. Ông yêu quý bộ đội từ những ngày đánh Mỹ. Và cũng chính những người cán bộ cách mạng, những chiến sĩ quân giải phóng đã kể cho ông nghe nhiều chuyện về Bác Hồ. 

Gia đình ông Điểu Nắng coi đồn biên phòng là nhà, BĐBP là anh em, con cháu. Ông kể: “Ngày trước bộ đội và người dân thiếu thốn, vất vả lắm, cơm ăn còn thiếu bữa, áo quần còn thiếu mặc, ốm đau xảy ra liên miên, nhất là bệnh sốt rét. Vậy mà người S’Tiêng và BĐBP luôn thương yêu nhau như ruột thịt, có cơm có cháo cùng ăn. Tôi nói với mọi người là phải coi BĐBP như người trong gia đình. Có như vậy mới bảo vệ được thôn sóc, bảo vệ được đất đai của mình”.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, cả một dải biên cương vang tiếng súng và chồng chất đau thương do bọn Pol Pot Ieng Sary gây nên, trong đó có biên giới của huyện Lộc Ninh. Lòng căm thù quân xâm lược lại sôi lên trong huyết mạch của người đàn ông S’Tiêng. Đưa vợ con, người già và trẻ nhỏ đi tránh giặc, ông Điểu Nắng và những thanh niên trai tráng quay lại biên giới cùng BĐBP đào hào chiến đấu. Đồn Biên phòng Tà Nốt là nơi địch thường xuyên nhắm vào đánh phá nên ông bảo dân làng phải ra sức bảo vệ. Người S’Tiêng bảo vệ, giúp đỡ bộ đội bằng cách vào rừng đào củ chụp, củ mài, bẫy con thú, ra suối bắt cá cho bộ đội ăn để anh em có sức đánh giặc. Ông sẵn sàng băng rừng, vượt suối, lội nương, cùng bà con nuôi bộ đội, dưỡng thương binh cho đến ngày biên cương sạch bóng giặc. Cũng vì nể trọng ông Điểu Nắng mà người dân nơi đây đã đổi tên sóc của mình từ sóc Bưởi thành sóc Ông Nắng.

42 năm đóng quân trên địa bàn xã Lộc Thiện, nhiều lần Đồn Biên phòng Tà Nốt phải chuyển địa điểm, nhưng đồn cứ chuyển đến đâu, già làng Điểu Nắng lại đưa bà con theo đến đó. Già làng bảo: “Người S’Tiêng với BĐBP ở đây như răng với môi, như da với thịt, như cây với cành nên không thể tách rời được”. Chả thế mà những năm 80, gia đình có 30 công đất để cấy trồng, chăn nuôi, già làng chỉ giữ lại 10 công trồng lúa, mì lấy lương thực nuôi vợ con, còn 20 công cho BĐBP mượn để tăng gia sản xuất. Đôi chân trần của già làng còn đạp cỏ cây rừng, giẫm trên đá nhọn dưới suối, tắm nắng cao nguyên để cùng các con biên phòng đi tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc. Già Nắng được ví như “lão chiến sĩ biên phòng” nơi biên ải.

Bao năm tháng cùng BĐBP giữ đất, giữ thôn sóc, già làng Điểu Nắng nhớ từng gốc cây, ngọn cỏ, thuộc từng con đường. Chỉ cần đường biên có dấu hiệu bị xâm canh, xâm cư, thôn sóc có người lạ đột nhập là ông biết liền và lập tức báo cho các con biên phòng biết để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn. Có lần kẻ xấu vào sóc truyền đạo trái phép và xúi giục bà con vượt biên lúc nửa đêm. Trời mưa như thác đổ, điện thoại thì bị ngắt không gọi được, già làng Điểu Nắng đã đi xe máy đội mưa lên tận đồn báo tin cho các con biên phòng tới bắt giữ mới yên tâm về ngủ. Những kẻ buôn lậu, trộm cắp qua biên giới cũng ít khi thoát khỏi tinh thần cảnh giác của già làng và người dân trong sóc. Kết nối BĐBP với bà con trong sóc, ông được ví như chiếc bản lề lớn để giữ chặt tình quân dân. Khi BĐBP muốn tuyên truyền nội dung gì cho dân, chỉ cần một câu nói, một tiếng hô của già làng là bà con có mặt đông đủ, và làm theo ngay. Ông muốn mỗi nhà sẽ như một chốt biên phòng, người S’Tiêng trong sóc đều là những chiến sĩ xây dựng và gìn giữ biên cương. Ông bảo: Muốn dân tộc, muốn bà con mình sáng cái bụng, làm ra nhiều lúa gạo, tiền bạc thì phải biết trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của người S’Tiêng, phải giúp mọi người làm ăn giỏi để thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Những năm tháng chiến tranh đã tàn phá sóc Bưởi đến tiêu điều. Không khuất phục trước quân thù, ông đã vận động bà con bám sóc chiến đấu, bám thôn lao động sản xuất. Dù lúc còn là một thanh niên trai tráng đến khi xấp xỉ tuổi 90, già làng Điểu Nắng luôn là người gương mẫu lao động, giỏi việc nương rẫy. Nói là làm. Ngày nào ông cũng cùng vợ con cần mẫn trên nương rẫy. Ông còn đến từng nhà người dân trong sóc để cùng BĐBP hướng dẫn cách trồng khoai, trồng lúa và nuôi gia súc. Nhà nào thiếu giống, thiếu tiền ông đều giúp ít nhiều. Nhà nào có người bệnh, ông chạy lên Đồn Biên phòng Tà Nốt gọi quân y xuống. Nghe lời già Nắng, người dân trong sóc không phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà chịu khó làm ăn. Anh Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng ấp Vườn Bưởi đã phải thốt lên: “Bố Nắng lo cho dân chả khác gì một người anh, một người cha và một người ông. Nhiều lúc, ông quên cả việc của gia đình để đi giúp mọi người”.

Ông quan niệm: Hồn của người S’Tiêng ở đây là văn hóa truyền thống, là nếp sống gia đình. Chính vì thế mà già Nắng đã sưu tầm được nhiều chiếc cồng, chiêng quý. Không ít lần bà con vì thiếu tiền và bị kẻ xấu dụ đã bán cồng chiêng của nhà mình đi. Già Nắng xót lắm, ông tìm mọi cách để khuyên bảo, ngăn cản. Không ngăn được thì ông bán trâu, bán bò để mua lại. Cảm kích trước tấm lòng của già, người dân sóc Ông Nắng giờ không ai bán cồng chiêng nữa. Nhiều người đã đam mê học nhịp chiêng, điệu múa từ ông. Họ muốn âm vang cồng chiêng của quê hương sẽ luôn vang vọng.  

Những ngày Tết, ngày lễ hội, đến sóc Ông Nắng, mọi người lại đắm say với tiếng cồng chiêng của đội văn nghệ do già Nắng tổ chức. Tiếng cồng chiêng nơi đây còn rộn rã trong nhiều cuộc thi của tỉnh Bình Phước, làm rung động trái tim con người bằng âm hưởng S’Tiêng và mang về nhiều giải thưởng cho thôn sóc. Khi cuộc sống ngày càng no đủ, già làng Điểu Nắng còn khát khao sẽ có thêm nhiều thầy giáo, cô giáo, nhiều y sĩ, bác sĩ, kỹ sư của người S’Tiêng mình nữa. Ông nói với các cháu nhỏ: Phải học tốt cái chữ của Bác Hồ, tiếp thu cái mới, cái hay của xã hội để sau này xây dựng quê hương, thôn sóc giàu đẹp hơn.

Bài ảnh: PHI HÙNG - LÊ CÚC