“Ôi những cánh đồng quê chảy máu...”
Ngồi tư lự ngay ven bờ đê, ngắm nhìn cánh đồng quê cò bay thẳng cánh, cụ Bưu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bi tráng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Mê Linh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vào năm 1950, Mê Linh (lúc đó là huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn là vùng tạm chiếm của giặc Pháp. Khắp huyện Yên Lãng, xã nào giặc Pháp cũng đóng đồn nhưng đồn Mai Khê là lớn nhất. Có một đại đội lính Âu Phi và bảo an đoàn chiếm đóng, hàng ngày chúng đi càn quét gây bao nhiêu tội ác và đau thương cho nhân dân trong huyện như: Đốt nhà, cướp của, hãm hiếp đàn bà, con gái và tàn sát hàng trăm cán bộ, đảng viên, du kích nhằm tiêu diệt phong trào kháng chiến của ta.
|
|
Cụ Nguyễn Văn Bưu tưởng nhớ liệt sĩ Phùng Quang Sức bên bia Chiến thắng Mai Khê |
“Năm 1950, khi đó tôi là huyện ủy viên, được phân công về nằm vùng tại xã Quyết Tiến để tổ chức vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Anh Phùng Quang Sức, người xã Thạch Đà, vào Đảng cùng năm 1948 với tôi, có thời gian cùng sinh hoạt chi bộ ghép với tôi. Anh cũng được phân công đi nằm vùng, là Bí thư chi bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính-Kháng chiến xã Thống Nhất (gồm xã Thạch Đà và xã Tam Đồng ngày nay). Chúng tôi hoạt động bí mật, từ vùng tự do Thái Nguyên, bơi qua sông Nga về trú trên cánh đồng Chiêm, rồi tìm cách móc nối với người dân có cảm tình với cách mạng. Công việc đầy khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi dặn nhau phải bám đất, bám dân, không vận động nhân dân thì không thể mong ngày giải phóng quê hương”.
Phong trào du kích của huyện Yên Lãng, với sự hoạt động của những đảng viên tích cực như Nguyễn Văn Bưu, Phùng Quang Sức… dần dần phát triển. Nhưng phong trào càng phát triển thì địch càng tăng cường khủng bố gắt gao. Trong một đợt lùng sục trên cánh đồng Cư An, địch đã bắt được Bí thư chi bộ Phùng Quang Sức và đưa về đồn Mai Khê tra tấn. Dùng mọi thủ đoạn nhưng không khai thác được bất kỳ thông tin nào, chúng đã đánh anh đến chết rồi quẳng xác vào một hố chôn tập thể, nơi chúng đã vùi xác hàng trăm cán bộ, đảng viên, du kích và người dân làm cơ sở cho kháng chiến.
Giọng cụ Nguyễn Văn Bưu bùi ngùi: “Sau khi anh Sức bị bắt, chúng tôi dò hỏi thì biết lúc anh đang trú trong chùa trên cánh đồng Cư An thì địch sục vào. Biết bị chỉ điểm, anh Sức chạy ra đồng nhưng địch vây bốn bề nên không thoát được. Sau khi anh hy sinh, nhân dân thương cảm lắm nhưng không cách nào vào lấy thi thể anh ra mai táng được. Đồn Mai Khê được giặc Pháp xây dựng vô cùng kiên cố. Huyện ủy Yên Lãng đành làm lễ truy điệu bí mật. Từ đó, mỗi lần đi công tác qua cánh đồng Cư An, lòng tôi lại nghẹn đắng. Sau này, đọc bài thơ của Nguyễn Đình Thi, có câu “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”, tôi thấy nhà thơ đã nói rất đúng tâm trạng của chúng tôi”.
Bia Mai Khê tạc chiến công
|
|
Cụ Nguyễn Văn Bưu và CCB Nguyễn Văn Nguyên xem danh sách các liệt sĩ bị địch giết hại tại bốt Mai Khê |
Sau sự hy sinh của đồng chí Phùng Quang Sức và nhiều cán bộ, đảng viên khác, Huyện ủy Yên Lãng đã biến đau thương thành hành động, đẩy mạnh phong trào vận động nhân dân kháng chiến. Đồn Mai Khê là trở ngại lớn nhất của phong trào du kích trong vùng. Đến đầu năm 1953, Bộ Tổng Tham mưu đã thông qua kế hoạch cử Tiểu đoàn 185, Trung đoàn cận vệ 246 vào hoạt động vùng địch hậu ở hai huyện Yên Lãng và Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng và lập kế hoạch tiêu diệt đồn Mai Khê.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, một chiến sĩ thuộc Trung đoàn 246 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho biết: Trận diệt đồn Mai Khê đã được ghi vào sử sách, đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác bài hát về chiến thắng này. Năm 1967, khi nhập ngũ vào đơn vị, chúng tôi đã được học tập và nghiên cứu cách đánh công kiên của Tiểu đoàn 185.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, theo tài liệu tổng kết chiến tranh của Trung đoàn 246 thì Mai Khê là cứ điểm nửa cũ, nửa mới, tổ chức thành hai bộ phận liên thủ với nhau với 6 khu lô cốt, 10 hàng rào dây thép gai và rào tre khô vót nhọn xen lẫn. Trước sự phát triển của phong trào du kích, địch biết sớm muộn gì ta cũng đánh Mai Khê nên đã có sự phòng bị sẵn. Tiểu đoàn 185 khi chuẩn bị chiến đấu đã làm rất tốt công tác trinh sát và phát huy dân chủ quân sự. Một số chiến sĩ bộc phá cũng được cho tham gia trinh sát và tự gói lượng bộc phá của mình. Công tác chuẩn bị kỹ và sự sâu sát, gương mẫu của đội ngũ cán bộ đã giúp cho tinh thần tiến công tiêu diệt địch của bộ đội rất cao.
Trận công đồn Mai Khê từ đêm 20 đến rạng sáng 21-4-1953 đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Địch biết chạy ra ngoài thì cũng chết bởi “thiên la địa võng” của thế trận kháng chiến toàn dân nên đã dựa vào hầm hào, công sự vững chắc và hỏa lực để cố thủ đến cùng. Tổ bộc phá của hướng tiến công khi phá đến hàng rào thứ bảy chỉ còn 4 đồng chí, cán bộ hy sinh hết, bộc phá cũng bị đại bác của địch làm cho hư hỏng, mất kíp; liên lạc với cấp trên bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng cả 4 đồng chí đều không rời vị trí chiến đấu, sử dụng kíp phụ có sẵn trong người, tranh thủ giữa các làn đạn của địch để lắp kíp vào bộc phá. Lúc này, trận địa im bặt tiếng súng của ta vì thương vong quá lớn, bọn địch trong đồn vừa bắn vừa chửi bới khiêu khích ta. 4 bộc phá viên đã đợi cho địch chửi chán, tụt khỏi đài quan sát liền bí mật vận động lên đặt bộc phá khối tiêu diệt lô cốt số 2, tạo điều kiện cho các mũi đột kích xông lên công đồn. Đến 4 giờ 45 phút sáng 21-4, toàn bộ đồn Mai Khê bị bộ đội ta san phẳng. Tuy nhiên, trận đánh bi tráng cũng khiến 126 chiến sĩ ta hy sinh. Nhân dân quanh vùng đã bất chấp các đợt càn quét trả thù của địch, tổ chức mai táng các liệt sĩ chu đáo.
Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Mai Khê (21-4-1953 / 21-4-2013), để tri ân cán bộ, đảng viên, nhân dân và các chiến sĩ Tiểu đoàn 185 đã hy sinh tại đồn Mai Khê, các cựu chiến binh Trung đoàn 246 và nhân dân huyện Mê Linh đã bày tỏ nguyện vọng xây dựng bia Chiến thắng Mai Khê để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Được sự đồng ý của các cơ quan hữu quan, bia Chiến thắng Mai Khê đã được xây dựng ngay trên nền đồn Mai Khê cũ.
Cụ Nguyễn Văn Bưu nhìn danh sách hàng trăm liệt sĩ đã hy sinh tại Mai Khê được khắc chìm trên bia đá mà lòng dạ bồi hồi: “Đọc đến tên ai, tôi lại hình dung ra hình ảnh người đó. Nhất là hình ảnh đồng chí Phùng Quang Sức, người Bí thư chi bộ kiên trung, bất khuất thì luôn sâu đậm trong tôi. Hàng trăm liệt sĩ đã bị giặc chôn chung trong một hố, mộ của họ hiện nay chỉ là mộ gió nhưng tên tuổi họ đã thành tên quê hương, đất nước. Thật đúng là xiềng xích bạo tàn không thể nào khóa được lòng dân ta yêu nước, yêu nhà”.
Bài và ảnh: HỒNG HẢI