QĐND - Đó là Trung úy Hoàng Tam Hùng -Phi công tiêm kích thuộc Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371). Bằng hai quả tên lửa, anh đã bắn rơi tại chỗ hai chiếc máy bay địch.
Trong ký ức người thân
Trung úy Hoàng Tam Hùng là con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Ba anh là ông Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Ba mẹ anh đều là người sinh ra và lớn lên ở Bình Trị Thiên và sớm đi theo cách mạng. Năm 1958, khi ông Hoàng Anh làm Bộ trưởng Bộ Tài chính thì cả gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Nói về anh trai mình, chị Hoàng Thị Lương Hòa -em gái liệt sĩ Hoàng Tam Hùng kể lại: “Tháng 10-1965, khi đang là học sinh lớp 10, anh Hùng tham gia tuyển chọn và trúng tuyển phi công. Năm 1966, anh được cử sang Liên Xô học lái máy bay quân sự. Năm 1969, anh về nước, tham gia đội hình chiến đấu của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 (Sư đoàn 371). Ban đầu anh là phi công MiG-17, nhưng sau đó do yêu cầu nhiệm vụ anh tiếp tục được chuyển loại sang lái máy bay MiG-21. Tháng 12-1972, anh được biên chế vào đội phi công bay ngày của Trung đoàn không quân tiêm kích 927. Ngày 28-12-1972, trong trận không chiến với không quân địch, sau khi hạ được hai chiếc máy bay Mỹ, anh đã anh dũng hy sinh”.
|
Liệt sĩ, phi công Hoàng Tam Hùng. Ảnh: Thành Trung |
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, là bạn thân của Hoàng Tam Hùng xúc động nói: “Trong trái tim tôi, Hoàng Tam Hùng không chỉ là người bạn chí tình chí nghĩa mà còn là một anh hùng”!
Hiện gia đình anh còn lưu giữ được bài báo “Giây phút thần kỳ trên cao” của tác giả Hà Bình Nhưỡng đăng trên trang 2 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 13-1-1973 và bài “Thông tin về trận đánh ngày 28-12-1972” của tác giả Nam Liên dịch từ cuốn hồi ký của các cựu phi công Mỹ từng tham gia chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 2, đều có nhắc đến thông tin về anh.
8 phút thần kỳ
Ngày 28-12-1972, địch tiếp tục kéo vào đánh phá Hà Nội. Theo lệnh của trên, Trung đoàn 927 xuất kích một biên đội chặn đánh địch từ phía tây sang. Vào lúc 11 giờ 20 phút, biên đội Lê Văn Kiền -Hoàng Tam Hùng đang trực ở sân bay Nội Bài thì nhận được lệnh cất cánh vòng chờ tại đỉnh sân bay. Phát hiện địch vào hướng đông nam, chỉ huy Trung đoàn 927 đề nghị biên đội bay theo hướng 150 độ xuống phía nam chặn đánh những tốp địch từ biển vào. Hơn một phút sau, biên đội phát hiện địch ở bên trái 45 độ, cự ly 10km, chúng bay thành hai tốp ở hai độ cao khác nhau. Tiếp đó, biên đội lại phát hiện tiếp một tốp 4 chiếc phía trước ở cự ly 8km. Biên đội xin phép đánh tốp phía trước. Sở chỉ huy cho dùng tốc độ lớn vào công kích và nhắc công kích xong thoát li bên phải.
Ngay lúc đó, số 1 Lê Văn Kiền và số 2 Hoàng Tam Hùng tăng lực đuổi theo tốp máy bay địch phía trước. Khoảng cách thu lại rất nhanh. Số 1 bám chiếc máy bay phía trái đội hình địch, nhắc số 2 cảnh giới rồi lao về phía địch. Chưa kịp phóng tên lửa thì chiếc máy bay địch đã đột ngột chúi xuống, khiến cho máy bay của Lê Văn Kiền vọt qua trên lưng nó. Không kịp bám chiếc khác, số 1 lệnh cho số 2 vào công kích rồi vòng lại phía sau làm nhiệm vụ cảnh giới cho số 2. Rất nhanh, Hoàng Tam Hùng vượt lên bám được một chiếc và đưa nó vào vòng ngắm. Quả tên lửa từ máy bay Hùng phóng ra nổ trúng mục tiêu. Chiếc máy bay địch bốc cháy rơi xuống, đó là loại máy bay trinh sát RA-5C. Theo thông tin trong cuốn hồi ký của các cựu phi công Mỹ thì đây là máy bay RA-5C thuộc phi đội trinh sát 13 do Thượng úy A.H.Agnel và Trung úy MF.Halfey điều khiển. Thượng úy Agnel nhảy dù sống sót, còn Trung úy Halfey bị chết ngay tại trận.
Thấy đồng bọn bị tấn công, những tốp F-4 bay phía trái vòng quay lại. Lúc này địch đông hơn nhiều và biên đội cũng không còn bám được nhau. Cả hai lao vào quần nhau với những chiếc F-4 trên bầu trời Phủ Lý. Hoàng Tam Hùng đã bám được một chiếc F-4. Lúc này, trong cáp nghe vang lên tiếng từ sở chỉ huy cho thoát li về sân bay Nội Bài hạ cánh, nhưng Hùng đang mải bám theo chiếc F-4 và cố đưa nó vào vòng ngắm nên anh không trả lời. Chiếc F-4 trước mặt đã nằm gọn trong vòng ngắm, anh ấn nút phóng quả tên lửa còn lại. Chiếc F-4 chững lại, rơi xuống kéo theo một quầng lửa. Hùng hô rất to: “Cháy rồi”! Chính vào thời điểm đó, một quả tên lửa địch từ chiếc F-4 bay phía sau đã bắn trúng máy bay Hùng. Anh không kịp nhảy dù nên đã anh dũng hy sinh. Lúc đó là 11 giờ 28 phút.
Như vậy, sau 8 phút từ lúc cất cánh, với hai quả tên lửa, phi công Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi hai máy bay địch trong trận đánh cuối cùng của anh. Cũng từ thông tin trong cuốn hồi ký của phi công Mỹ tham gia chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, thì chiếc máy bay F -4 bắn Hoàng Tam Hùng do hai Trung úy Scott H.Davis và Geofrey điều khiển sau đó bị tai nạn rơi xuống biển ngày 3-5-1973.
NGUYỄN THÀNH TRUNG