Những ngày cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thật tiếc rằng, năm 2023, ông Phạm Văn Thẩm đã đi về thế giới bên kia với đồng đội thân yêu. Tôi vẫn nhớ những lần đến thăm, hỏi chuyện ông trong ngôi nhà có tường xây, cổng gạch cũ nằm sâu trong ngõ 255 phố Cầu Giấy (Hà Nội), kiểu gì lúc về cũng được ông cho quà, lần thì túi khế ngọt hái trên cây trong vườn, lần thì mấy hộp sữa hạt cho em bé. Có lần ông còn để dành lì xì từ Tết đợi mừng tuổi tôi... Càng biết về ông, tôi càng thấy ông là một con người đặc biệt: Ông đã cùng gia đình trải qua nạn đói khủng khiếp năm 1945 và chứng kiến những ngày Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, rồi Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội, rồi tham gia trong đội hình Đội Thiếu niên Bát Sắt (một tổ chức thiếu niên thuộc Công an quận 6, Công an TP Hà Nội giai đoạn 1946-1948), hoạt động khi Hà Nội bị địch tạm chiếm với các nhiệm vụ hiểm nguy, táo bạo như: Gây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, đưa cán bộ ra vào hoạt động, tiễu trừ Việt gian, phản động... Đến năm 1949, ông nhập ngũ về Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có lần tôi hỏi, điều gì khiến một cậu bé hơn 10 tuổi như ông hồi ấy lại có thể làm những việc dường như không tưởng, quá sức như thế? Ông bảo, bởi ông lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị giặc giày xéo, người dân lầm than cơ cực. Có lẽ sống và chứng kiến những điều ấy khiến thế hệ các ông tự ý thức, hiểu được nhiều chuyện. Chính hoàn cảnh, thời cuộc buộc tuổi thơ hồn nhiên của ông bị cắt xén ngắn lại và lớn sớm hơn. Những ngày đáng nhớ ấy, sau này đã thôi thúc ông viết lại một cách hấp dẫn và xúc động, tự hào trong nhiều cuốn sách, như: “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” (tái bản nhiều lần), “Tháng ngày thương nhớ”, “Sứ thần liên lạc”...

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Phạm Văn Thẩm năm 1954. Ảnh: KIM NGÂN

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Văn Thẩm chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, có nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1. Trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quần thảo với địch riêng đồi A1 cam go, khốc liệt nhất. Bộ đội vác bộc phá lên đánh chiếm đồi A1 phải lội dưới chiến hào. Kẻ địch đã căn súng cối, đại bác ngày đêm nã vào đúng đoạn chiến hào dẫn lên đồi A1. Đất bị bom đạn cày xới hòa với nước mưa, chân người giẫm nhiều thành bùn non, ngập đến gối. Đồng đội ông chiến đấu ở chiến hào hy sinh rất nhiều, máu trộn lẫn bùn, đặc quánh... Riêng tiểu đội của ông Thẩm có 11 người thì hy sinh 9. Khi đó, lần lượt từng người trong tiểu đội mang bộc phá lên đánh chiếm đồi A1, lớn tuổi đi trước, nhỏ tuổi đi sau. Đến lượt ông thì quân ta đã chiếm được đồi A1. Năm ấy, ông Thẩm 21 tuổi.

Những năm tháng gần cuối đời, khi đã ở tuổi 89, nhân một lần trò chuyện với con gái, chị Phạm Kim Ngân đang là Giám đốc Bảo tàng Tố Hữu, về ký ức những ngày tháng tham gia kháng chiến, ông Thẩm bảo, ông không bao giờ quên những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nói: "Mỗi lần nghe lại bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu, tôi đều xúc động và tự đáy lòng cảm ơn nhà thơ vì đã miêu tả chân thực những chiến sĩ Điện Biên trong "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn".

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Phạm Văn Thẩm xuất ngũ rồi công tác ở Phủ Chủ tịch, sau đó chuyển sang ngành giáo dục, nghỉ hưu sau khi làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông tích cực với công tác ở địa phương, nhiều năm tham gia các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ. Ông sống mẫu mực, giản dị, chu đáo đến tận cuối đời.

DƯƠNG THU