QĐND - “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Tôi là Lê Anh Nuôi”, “Bài ca may áo”, “Nổi lửa lên em”, “Bài ca Quân nhu”… Những bài hát “sống mãi với thời gian” kể trên đã cùng dệt nên hình tượng người chiến sĩ quân nhu lạc quan, dũng cảm, sáng tạo, có mặt trong mọi chiến công của quân đội và nhân dân anh hùng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Quân nhu, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải, Cục trưởng Cục Quân nhu và Đại tá Dương Minh Tuấn, Chính ủy Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) về chủ đề hình ảnh người chiến sĩ quân nhu trong thơ ca, nhạc họa cũng như trong cuộc sống hiện nay.
Phóng viên (PV): Thưa các anh, hiếm có ngành công tác nào như ngành Quân nhu khi được các nhạc sĩ, nhà thơ ưu ái, sáng tạo nên nhiều tác phẩm thơ, nhạc có sức hấp dẫn công chúng như vậy?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải: Như các đồng chí đã biết, ngày 25-3-2016 này, Cục Quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 70 năm truyền thống. 70 năm ấy thật đậm đà tình nghĩa của những cán bộ, chiến sĩ chuyên lo bảo đảm ăn mặc cho bộ đội - “cả cuộc đời cơm áo mà thơ”. Công tác quân nhu đặc biệt gian nan vất vả, nhất là trong kháng chiến trường kỳ với những cuộc chiến tranh ác liệt… Chính vì thế, bộ đội quân nhu đã phát huy tác dụng của thơ ca, với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” để cổ vũ tinh thần cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhưng trước hết, cần phải nói tới một yếu tố quan trọng khác. Đó là việc lo bảo đảm ăn mặc, nhu yếu phẩm cho bộ đội luôn gắn bó với nhân dân - những con Lạc cháu Hồng có truyền thống yêu thơ ca từ trong máu. Truyền thống ấy lan tỏa và phát triển qua mối đoàn kết gắn bó quân - dân và thấm vào những người lính quân nhu.
Đại tá Dương Minh Tuấn: Các tác phẩm thơ, nhạc đỉnh cao đã ra đời từ chính thực tiễn hoạt động của công tác quân nhu, cho nên sức sống rất bền bỉ. Chẳng hạn, mùa đông 1946, hưởng ứng phong trào may áo rét cho chiến sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhiều chị em phụ nữ ở khắp các miền quê đã tự tay đan áo và thêu ngay trên áo những lời tỏ lòng yêu mến, động viên người chiến sĩ: Đông về nhớ bạn tòng chinh/ Tự tay đan áo tỏ tình mến yêu/ Áo ơi bầu bạn sớm chiều/ Khuyên người chiến sĩ lập nhiều chiến công. Hàng vạn chiếc áo chống rét và khăn ấm cho chiến sĩ đã ra đời như thế. Cuối tháng 8-1949, Bác Hồ lại gửi thư đề nghị đồng bào mỗi gia đình bán cho Người 10kg gạo để khao thưởng quân đội nhân kỷ niệm Tết Độc lập ngày 2-9. Nhân dân đã nhanh chóng đặt câu ca: Cụ Hồ mua thóc khao quân/ Đời người, dễ có mấy lần Cụ mua?/ Bà con ta hãy thi đua/ Bán nhiều, bán rẻ không thua xã nào. Những vần thơ như thế làm cho bộ đội quân nhu vô cùng xúc động, như đã sớm thấy được “mạng lưới hậu cần ta được xây dựng sâu rộng khắp nơi nơi” và không thiếu chất nhạc, chất thơ.
 |
Lãnh đạo, chỉ huy cùng các thế hệ cán bộ Cục Quân nhu về nguồn. Ảnh: VĂN HOAN |
PV: Nói về chất nhạc, chất thơ trong công tác quân nhu, tôi bỗng nhớ đến lời tâm sự của một số cựu chiến binh quân nhu, rằng chất lãng mạn đó phản ánh tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, chứ thực tế thì rất khốc liệt và chiến sĩ quân nhu cũng hy sinh rất nhiều?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải: Đúng vậy, lịch sử ngành Quân nhu đã ghi lại biết bao tấm gương chiến sĩ quân nhu đã anh dũng hy sinh thầm lặng trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, để bảo đảm cho bộ đội ăn nóng, bếp Hoàng Cầm đã được triển khai sát trận địa, có nơi chỉ cách nơi bộ đội chiến đấu 700m, nơi xa nhất cũng chỉ 2km. Trong chiến dịch này, ngành Quân nhu có đồng chí Đinh Văn Mẫu, là Tiểu đội trưởng cấp dưỡng thuộc Đại đoàn 312. Khi đơn vị phòng ngự đồi D1, D2, hào giao thông rất nông, pháo địch bắn rất mạnh, đồng chí vẫn đi về 8 lần mỗi ngày dưới làn hỏa lực địch, kịp thời đưa cơm canh nóng tiếp tế cho bộ đội. Đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội ngày 7-5-1956.
Đại tá Dương Minh Tuấn: Càng trong chiến đấu khốc liệt thì chất lãng mạn càng chắp cánh cho bộ đội quân nhu đến với thơ ca, nhạc họa. Như trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dân công trên đường tiếp vận gặp đoàn bộ đội hành quân, chị em thường để ý đến chiến sĩ anh nuôi, vì anh nuôi lúc đó là những người rất vất vả. Câu hò: Trên đời em chẳng yêu ai/ Chỉ yêu anh lính gánh hai cái nồi ra đời từ đó...
Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ ca được cán bộ, chiến sĩ quân nhu sáng tạo với ý thức mới, dùng thơ ca để phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong ngành mình. Ngày 22-12-1960, xưởng may đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam ra đời, mang phiên hiệu A5, có 6 người, 4 máy khâu, do đồng chí Ba Sơn phụ trách, đứng chân ở cạnh suối Trà Vông (bắc Tây Ninh). Qua một năm hoạt động, những ấn tượng nên thơ từ xưởng may đã được nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp ghi lại bằng những vần thơ rất đỗi tự hào: Cuối tháng mười hai năm sáu mươi/ Thành lập quân trang xưởng sáu người:/ Sơn, Điệp, Hải, Chính cùng Bảy, Ngó/ Thoi đưa thấm thoắt một năm rồi/ Bốn chiếc máy may chạy rộn ràng/ Lồng vào đường chỉ mối tình thương/ Gửi anh Giải phóng ngoài tiền tuyến/ Chiếc mũ tai bèo của hậu phương. Nay đọc bài thơ này, thế hệ chúng tôi như vẫn thấy ánh mắt thân thương của những cô gái A5 hồi đó chăm chú dõi theo đường chỉ, mũi kim giữa rộn ràng tiếng máy, tiếng suối nơi rừng “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
PV: Thưa các anh, hình ảnh người chiến sĩ quân nhu trong các cuộc kháng chiến trước đây đi vào thơ ca rất đẹp, rất hào hùng là xuất phát từ chính hoạt động thực tiễn của ngành Quân nhu. Còn trong điều kiện hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải: Thực tiễn hiện nay, bộ đội quân nhu vẫn giữ vững và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp. Bộ đội ta giờ đang tiến tới “ăn ngon, mặc đẹp” và điều đó đòi hỏi nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của ngành Quân nhu. Như đợt tuyển quân vừa rồi, các nhà báo thấy, số lượng chiến sĩ mới nhiều như vậy nhưng các đơn vị vẫn bảo đảm rau xanh từ nguồn tăng gia sản xuất tại chỗ trong khi thị trường rất khan hiếm và đắt đỏ. Hay như quân phục của bộ đội đã bền đẹp lên rất nhiều, đặc biệt là trang phục dã ngoại bây giờ không chỉ tăng độ bền và tăng cường tính vệ sinh, độ thông hơi, thoáng khí của vải. Khi đi đến các đơn vị, nghe bộ đội nói “tất cả trên vai người chiến sĩ” làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Làm sao để giảm trọng lượng các vật dụng quân nhu mà chiến sĩ mang vác khi hành quân dã ngoại, từ chiếc ba lô, túi gạo, quần áo, chăn màn, tăng võng… mỗi thứ nhẹ đi một chút thì đôi vai chiến sĩ vơi bớt nhọc nhằn. Nói về sức sáng tạo của bộ đội quân nhu hiện nay thì rất nhiều, từ ý tưởng về chiếc “lều ngủ” thay cho võng hay chiếc “xe bếp cơ động” rồi kế hoạch inox hóa dụng cụ cấp dưỡng… Tất cả những nỗ lực và sáng tạo đó chứng tỏ bộ đội quân nhu hôm nay vẫn đang phát huy rất tốt truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành.
Đại tá Dương Minh Tuấn: Công tác bảo đảm quân nhu trong cơ chế thị trường hiện nay có nhiều mặt thuận, đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức đòi hỏi người chiến sĩ quân nhu phải nâng tầm trí tuệ và trách nhiệm của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chẳng hạn, để bảo đảm chế độ ăn cho bộ đội trong điều kiện một cuộc chiến tranh công nghệ cao (nếu xảy ra), ngành Quân nhu đã chế biến rất nhiều khẩu phần ăn sẵn như khẩu phần ăn tác chiến KP-01, KP-02, lương khô, bánh ép, thịt hộp… bảo đảm bộ đội ăn ngon, đủ dinh dưỡng để sẵn sàng đánh thắng. Hay việc phát huy tiềm lực quốc phòng toàn dân, hậu cần nhân dân, chúng tôi luôn có kế hoạch khai thác nguồn lực tại chỗ gắn với các khu vực phòng thủ; cũng như các phương án bảo đảm phù hợp đặc thù từng khu vực để huy động sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả nền kinh tế phục vụ chiến đấu. Toàn bộ những công tác đó đều cập nhật hóa trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, việc trồng trọt, chăn nuôi các đơn vị hiện nay đều ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm sức lực của bộ đội. Ngay cả việc chế biến thức ăn cho bộ đội hiện nay rất chú ý đến văn hóa ẩm thực các vùng miền. Như vậy, hình ảnh người chiến sĩ quân nhu hôm nay là hình ảnh của con người mới, có vẻ đẹp của sức khỏe và trí tuệ, vẻ đẹp của văn hóa quân sự Việt Nam.
PV: Các anh đều là những người gắn bó và rất tâm huyết với công tác quân nhu, vậy cơ duyên nào mà các anh trở thành người chiến sĩ quân nhu?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải: Cũng từ những hình ảnh đẹp trong thơ ca, nhạc họa mà tôi cảm mến, yêu thích ngành Quân nhu. Tình cờ khi nhập ngũ, năm 1979, được phân công nhiệm vụ của người chiến sĩ nuôi quân và quân bưu. Đến khi tổ chức cử đi học sĩ quan, tôi lại được phân công học sĩ quan hậu cần. Thế là gắn bó với hậu cần, với quân nhu từ đó. Nghề chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội này lúc nào cũng thấm đẫm ân tình. Tôi cứ tâm đắc mãi khi được nghe câu chuyện năm 1975, giữa lúc toàn quân dồn góp binh lương, chuẩn bị cho ngày mừng toàn thắng - Bắc, Nam sum họp, kỹ sư Bùi Thế Bân - nguyên cán bộ sản xuất hậu cần, tham gia nhiệm vụ đưa 10 triệu con cá từ Bắc vào Nam, đã viết bài “Cá vượt Trường Sơn”. Bác ấy viết: Đời lính quân nhu những phút giây/ Nghẹn ngào tay nắm lấy bàn tay/ Trao nhau đâu phải từng con cá/ Mà cả ân tình mãi đắm say.
Đại tá Dương Minh Tuấn: Tôi tốt nghiệp sĩ quan chỉ huy, mà sĩ quan chỉ huy cấp trung đội, đại đội thì phải trực tiếp chăm lo cho bộ đội từ bữa ăn đến giấc ngủ, rồi tăng gia sản xuất. Thời ấy, Quân đội ta khó khăn lắm, ở nhà tranh vách đất, bộ đội ăn không đủ no nên chuyện tăng gia quanh bếp, quanh vườn để cải thiện đời sống là yêu cầu tự nhiên của cuộc sống. Khó khăn thế nhưng điều tôi tâm đắc là thời nào bộ đội quân nhu cũng… rất thơ. Nếu như năm 1969 có: Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng/ Mưa rét run người nắng sẫm màu da/ Tấm vải ta làm ra mảnh áo/ Là chiến sĩ quyết tâm đi diệt thù… (“Bài ca may áo” - Xuân Hồng) đi cùng năm tháng, thì thời kỳ Đổi mới cũng có: Em ngồi may bên ô cửa sổ/ Sáng nay gió lạnh thoáng vào/ Nghĩ về anh nơi biên cương, hải đảo/ Chắc giờ này lạnh lắm phải không anh?/ Gió mơn man gió luồn qua mái tóc/ Gió nhắc em hãy gấp gấp đường kim/ May áo gửi anh, muốn gửi trọn trái tim mình/ Bao nỗi nhớ quyện vào từng mũi chỉ (“Tình trong chiếc áo” - Phương Nam - nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Công ty 28 - nay là Tổng công ty 28). Với bảo đảm ăn, bên cạnh những vần thơ đã nêu ở trên, phải kể đến: Vũ khí ta mang đâu có là tên lửa/ Chỉ bếp than hồng này ủ chín hơi cơm/ Bát nước chè xanh nhẹ gối bước dồn thêm sức mạnh trên đường đi đánh Mỹ... (“Nổi lửa lên em” - Huy Du-Giang Lam - 1968). Hôm nay, bộ đội quân nhu lại vang lên: Bài ca quân nhu Quân đội nhân dân anh hùng/ Là khúc ca vui đường dài nuôi quân đánh thắng/ Với những chiến công sáng ngời/ Gian khó hy sinh không rời/ Cả cuộc đời cơm áo mà thơ… (“Bài ca Quân nhu” - An Thuyên - 2001).
Đúng là ân tình mãi đắm say… Quân nhu Việt Nam - nguồn cảm hứng thơ bất tận, phải không các anh!
PV: Xin cảm ơn các anh rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này!
PHẠM XƯỞNG - VĂN HẠNH (thực hiện)