QĐND - Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hòa trong niềm vui chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, cán bộ và chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội còn có niềm vui riêng, bởi đây cũng là dịp kỷ niệm ngày thành lập đơn vị: 20-8-1945. Và trong niềm vinh dự chung của cán bộ, chiến sĩ toàn quân được mang tên Bộ đội Cụ Hồ, Đoàn Nghi lễ Quân đội-tiền thân là Ban Âm nhạc Giải phóng quân còn có vinh dự lớn là nhiều lần được trực tiếp phục vụ Bác Hồ trong nghi lễ đối nội và đối ngoại. Sinh thời, Bác rất quan tâm đến “bộ đội quân nhạc” và có nhiều lời căn dặn sâu sắc, quý giá đối với đơn vị.

1. Đại úy Đàm Thái Linh, Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn Nghi lễ Quân đội, cung cấp cho tôi bản tài liệu tuyên truyền về truyền thống của đơn vị, trong đó có nhiều mẩu chuyện ấn tượng và xúc động về tình cảm của Bác Hồ đối với “bộ đội quân nhạc”.

Chẳng hạn, sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khi biết có ý kiến không nên sử dụng Đội kèn lính khố xanh của địch để phục vụ các nghi lễ cách mạng, Bác Hồ đã nói: “Vấn đề không phải là tổ chức của ai mà là con người. Phải cảm hóa, giáo dục họ để họ trở thành người cách mạng, phục vụ cho cách mạng… Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu quân nhạc!”. Thực hiện ý kiến của Bác, ngày 20-8-1945, Ban Âm nhạc Giải phóng quân được thành lập trên cơ sở tập hợp Đội kèn lính khố xanh đóng tại trụ sở Bảo an binh. Từ đó, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến công tác tổ chức, tư tưởng và đời sống vật chất-tinh thần của anh em quân nhạc; nhiều lần Người gửi thư hoặc trực tiếp đến thăm đơn vị, khen ngợi động viên anh em về chuyên môn và kiểm tra các mặt công tác của đơn vị. Đặc biệt cuối tháng 10-1946, sau hơn 4 tháng công tác ở Pháp trở về, Bác đã đến thăm đơn vị, tặng một thùng quà gồm nhiều loại kèn và phụ tùng nhạc cụ quý hiếm Người mua tận Pa-ri. Hôm đó Bác nói: “Bác không thạo về nhạc, nhưng ông cha ta xưa có câu “trống năng rèn, kèn năng thổi”. Bác mượn câu nói đó để nói với các cháu”.

Trước đó, giữa tháng 5-1946, cùng trong một buổi sáng, Ban Âm nhạc Giải phóng quân được lệnh phục vụ lễ khai giảng hai lớp học quan trọng, đó là Lớp tập huấn quân chính ở khu Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội và Lớp Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Tại Hà Nội, sau khi cử hành các nghi thức đón Chủ tịch nước đến khai mạc lớp tập huấn, anh em khẩn trương theo xe lên Sơn Tây. Lễ khai giảng Khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tổ chức rất quy củ, nền nếp, chỗ nào cũng có mũi tên hướng dẫn rất cụ thể. Cán bộ nhà trường, học viên sĩ quan và đội quân nhạc vào vị trí chuẩn bị sẵn sàng. Đúng 10 giờ 30 phút, Bác Hồ đến. Các nghi thức đón tiếp được cử hành. Nhưng, đáng lẽ Bác đi thẳng lên vị trí “chủ lễ” theo hướng mũi tên, thì Người lại bước đến trước hàng quân nhạc và tươi cười nói: “Ở xa Bác tưởng là đội nhạc khác, hóa ra vẫn là bác cháu mình cả!”. Tất cả cùng cười khiến không khí buổi lễ vui vẻ đầm ấm hẳn. Người dặn tiếp: “Các cháu phải ra sức đào tạo thêm nhiều người vào. Quân đội ta ngày càng trưởng thành, càng cần nhiều quân nhạc”.

Đội Danh dự và Đội Quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội phục vụ lễ đón Thủ tướng Liên bang Nga Mét-vê-đép thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tháng 11-2012.

2. Câu chuyện trên đây gợi ý cho tôi nội dung bài viết về Đoàn Nghi lễ Quân đội hôm nay, chuẩn bị cho số báo kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2013). Và tôi xin phép được làm việc với Phòng Tham mưu về công tác tuyển quân của đơn vị. Nghe tôi nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ đối với đơn vị sáng hôm ấy ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trung tá Trịnh Quang Minh, Trưởng ban Quân lực Đoàn Nghi lễ Quân đội khẳng định: Lời dạy của Bác Hồ hôm ấy chính là phương hướng đào tạo đội ngũ lâu dài, một vấn đề cơ bản để đơn vị không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng chính trị, chất lượng chuyên môn và quy mô tổ chức, biên chế!

Bộ đội nghi lễ và quân nhạc là “những người lính cận vệ” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này. Điều kiện công tác đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội phải là những người lính trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; bảo đảm trang trọng, an ninh và an toàn tuyệt đối trong thi hành nhiệm vụ cấp trên giao. Để đạt được những yêu cầu trên đây, cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyển quân là một khâu hết sức quan trọng. Nhiều năm nay, cùng với sự nỗ lực thực hiện ráo riết phương thức “3 gặp, 4 biết”, bảo đảm “sát từng ngõ, rõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đơn vị cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của cấp trên về mặt công tác này. Chẳng hạn, đơn vị được “đặc cách” tuyển chọn chiến sĩ mới trên địa bàn hàng chục địa phương trong cả nước. Tiêu chuẩn tuyển chọn, quy trình tuyển quân và các biện pháp tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới ở Đoàn Nghi lễ Quân đội cũng có những nét đặc biệt so với nhiều đơn vị trong toàn quân...

Trước yêu cầu xây dựng đơn vị đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới, năm 2008, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 142/2008/QĐ-BQP dành thêm cho Đoàn Nghi lễ Quân đội những “quy chế đặc biệt” trong công tác tuyển quân, với những tiêu chuẩn “đầu vào” cũng rất đặc biệt. Chẳng hạn về chiều cao phải từ 1,8m đến 1,85m; hoặc như về quân dung-theo ngôn ngữ các nhà tuyển dụng dân sự gọi là “ngoại hình”-cũng có những hướng dẫn rất chi tiết từ “hàm răng, mái tóc là góc con người”, đến điệu bộ đi đứng v.v..

Trung tá Trịnh Quang Minh tâm sự: Được ưu tiên những tiêu chuẩn đặc biệt là thuận lợi, nhưng cũng là áp lực đối với đơn vị trong công tác tuyển quân. Chẳng hạn, đối với các đơn vị cấp lữ đoàn, mỗi đợt tuyển quân chỉ gọn trong 1 hoặc 2 tỉnh, mỗi tỉnh chỉ trong vài huyện, nhưng ở Đoàn Nghi lễ Quân đội thì mỗi đợt tuyển quân phải tổ chức từ 10 đến 15 “khung thâm nhập” đến ngần ấy tỉnh và thành phố, vậy mà mỗi khung đôi khi chỉ “mang về” được vài người đủ tiêu chuẩn. Công tác huấn luyện cũng vậy, ngay từ khoa mục điều lệnh đội ngũ ở giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới đã phải “gò” theo yêu cầu “Đúng, Đều, Đẹp, Mạnh”!

Đoàn Nghi lễ Quân đội tham gia tại Lễ khai mạc Giải Taekwondo quân sự thế giới lần thứ 21 tổ chức tại Việt Nam, tháng 10-2012. Ảnh: Thái Linh

3. "Đúng, Đều, Đẹp, Mạnh" thì hàng triệu quân và dân ta đã được chứng kiến trên ti vi mỗi khi nhà đài tường thuật các nghi lễ đối nội, đối ngoại; các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao có bộ đội Đoàn Nghi lễ Quân đội tham gia phục vụ. Đất nước ngày càng phát triển, hoạt động nghi lễ cũng không ngừng phát triển về phạm vi, số lượng, cường độ và quy mô. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, đất nước có nhiều sự kiện chính trị-văn hóa-thể thao tầm quốc gia và quốc tế; Đảng, Nhà nước và Quân đội ta có nhiều nghi lễ đối nội và đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước. Vì thế, vinh dự và trách nhiệm của Đoàn Nghi lễ Quân đội ngày càng lớn. Chẳng hạn như năm 2012 vừa qua, đơn vị đã phục vụ lễ đón tiếp hơn 30 đoàn khách quốc tế, phục vụ hơn 100 sự kiện cấp quốc gia, phục vụ 305 lễ tang cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng và tri ân liệt sĩ cùng nhiều sự kiện chính trị-văn hóa-thể thao khác, với hơn 27 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; bảo đảm yêu cầu "Nghiêm trang, trọng thị khi đón khách; tận tình, chu đáo trong lễ tang" và an toàn tuyệt đối, được cấp trên đánh giá cao; tiêu biểu như đợt phục vụ Lễ khai mạc và bế mạc các kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Giải Taekwondo quân sự thế giới lần thứ 21 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Đại hội Đoàn toàn quốc v.v.. 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua, đơn vị có hơn 10 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ hàng chục sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội…

Đại tá Phạm Trung Kiên, Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội khẳng định: Thông qua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và thực hiện các cuộc vận động lớn của quân đội, đơn vị không ngừng rèn luyện những phẩm chất của người quân nhân cách mạng nói chung và phẩm chất bộ đội nghi lễ nói riêng. Đó là sự chuẩn mực cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nền nếp chính quy, tác phong công tác, phẩm chất chính trị và “văn hóa nghi lễ” của cán bộ, chiến sĩ, phấn đấu xây dựng đơn vị "Tiêu biểu về nền nếp chính quy, mẫu mực về điều lệnh" trong toàn quân!

ANH TUẤN