Trung tá Đặng Văn Thương, Chính ủy Sư đoàn 308 tự hào giới thiệu về lịch sử, truyền thống hào hùng của đơn vị. Theo đó, ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308), đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại Thái Nguyên. Sự ra đời của Đại đoàn 308, với tên gọi truyền thống "Đại đoàn Quân Tiên Phong" là mốc son lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 308 đã phối hợp cùng các đơn vị tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Danh hiệu “Quân Tiên Phong” được xuất phát từ bản Nhật lệnh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc trong ngày thành lập Đại đoàn: “Đại đoàn có nhiệm vụ cùng với các binh đoàn chủ lực khác đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, trên con đường chính quy hóa. Đại đoàn phải: Hễ đánh là thắng; đã đánh là tiêu diệt sinh lực địch; ngày càng lớn mạnh; quyết định chiến trường”.
|
|
Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong" trong nhà truyền thống Sư đoàn 308.
|
Thăm nhà truyền thống của Sư đoàn 308, bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong" được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm. Theo lịch sử ghi lại, sáng 19-9-1954, Bác Hồ đã gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Mở đầu buổi nói chuyện, Bác đặt câu hỏi với cán bộ, chiến sĩ và giảng giải về lịch sử Đền Hùng. Người nói: "Hôm nay, gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn Quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự. Rồi Người căn dặn: "Khi vào tiếp quản Thủ đô phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật; phải đoàn kết rộng rãi, tôn trọng, gần dân và giúp đỡ nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện, tránh sa ngã, bị cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường". Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Nhắc lại câu chuyện năm xưa, Trung tá Đặng Văn Thương rất xúc động, anh bộc bạch, lời căn dặn của Bác tại Đền Hùng không những có ý nghĩa lớn về giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ Hùng Vương. Lời nói của Bác như lời hiệu triệu và kết tinh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, cùng bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước.
Ngày nghỉ cuối tuần nhưng trong nhà truyền thống của Sư đoàn, có nhiều chiến sĩ đang tìm hiểu về các hiện vật, hình ảnh tại đây. Binh nhất Lê Xuân Chiến, Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 17 cùng các chiến sĩ đang chăm chú quan sát khu trưng bày hiện vật trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp của Sư đoàn. Nước da ngăm đen, dáng người khỏe khoắn, Chiến cho biết hưởng ứng đợt thi đua cao điểm của Sư đoàn với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên-tiến lên giành 3 nhất”, các chiến sĩ tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tìm hiểu thêm lịch sử truyền thống của đơn vị. Theo Chiến, mỗi hiện vật, bức ảnh trong nhà truyền thống đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử ý nghĩa, niềm tự hào to lớn.
Trước khi nhập ngũ, Chiến đã tốt nghiệp đại học. Là người yêu lịch sử, đến phía trước một hiện vật bằng kim loại đã nhuốm màu thời gian Chiến giới thiệu: “Đây là chiếc máy điện thanh của Anh hùng Chu Văn Mùi. Bên dưới là chiếc tai nghe của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Các hiện vật này gắn liền với chiến công của hai anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Trong trận đánh đồi A1, đồng chí Mùi đã 3 ngày đêm kiên cường chiến đấu, gần như kiệt sức.
Không thức ăn, nước uống, bị cô lập với mặt trận phía sau, đồng chí Mùi vẫn dũng cảm, gan dạ chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc cho đơn vị thông suốt, góp phần giữ vững được trận địa đồi A1. Khi biết được tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Mùi, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định khen thưởng và công nhận đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng đối với đồng chí Mùi. Ngày 31-8-1955, đồng chí Mùi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...
Sau khi nghe Binh nhất Lê Xuân Chiến giới thiệu lưu loát, diễn cảm, chi tiết, Đại úy Phạm Văn Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 15 cho biết, trong đợt thi đua cao điểm hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 308 đã chỉ đạo và triển khai các giải pháp để cán bộ, chiến sĩ hôm nay phát huy truyền thống hào hùng của đơn vị cũng như tinh thần chiến sĩ Điện Biên năm xưa vào quá trình xây dựng đơn vị và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hôm nay.
NGUYỄN MẠNH