QĐND - Lực lượng UDT/SEAL của Hàn Quốc, với tên gọi chính thức là Sư đoàn hải quân đặc biệt thời chiến, một lần nữa thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi có cuộc giải cứu thành công và thần kỳ tàu Samho Jewelry khỏi cướp biển Xô-ma-li.
Chiến dịch “Bình minh vịnh A-đen” là tên của chiến dịch giải cứu tàu Samho Jewelry bị hải tặc Xô-ma-li bắt. Tàu khu trục Choi Young của Hàn Quốc, thuộc đơn vị hải quân Cheonghae, neo đậu ở cảng Jibuti của E-ti-ô-pi, được triển khai ngay lập tức sau khi tàu vận chuyển hóa học do Hàn Quốc vận hành bị bắt cóc vào ngày 15-1. Nỗ lực giải cứu đầu tiên vào ngày 18 bị tạm dừng vì một số thủy thủ người Hàn Quốc bị thương trong cuộc phản công của hải tặc. Tuy nhiên, cuộc chạm trán vào ngày thứ ba cũng khiến hải tặc Xô-ma-li tổn thất nặng nề. Chiến dịch giải cứu sau đó vào rạng sáng ngày 21 đã thành công, lực lượng hải quân Hàn Quốc đã giải cứu được toàn bộ thủy thủ của tàu và giết 8 tên hải tặc và bắt giữ 5 tên. Chiến dịch thành công sau 5 giờ là kết quả phối hợp giữa sự tấn công của đơn vị Cheonghae vô hiệu hóa bọn hải tặc và sự sắc sảo của thuyền trưởng và thủy thủ tàu Samho Jewelry cùng với cuộc đột kích chớp nhoáng của những người lính UDT/SEAL của Hàn Quốc. Thuyền trưởng tàu Samho Jewelry, Seok Hae-gyun, đã bị hải tặc bắn vào bụng là trường hợp duy nhất bị thương trong số những người bị bắt.
|
UDT/SEAL 2 |
Lực lượng UDT/SEAL có nhiệm vụ phá hủy dưới biển, phá bom, tấn công trực tiếp và chống khủng bố trên biển. Đơn vị hải quân đặc biệt thời chiến này bắt đầu hoạt động từ tháng 6-1954 – ngày đội phá hủy dưới nước (UDT) đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập. Tuy nhiên, trong hồ sơ thì tháng 11-1945 là năm chính thức đơn vị này được thành lập. Đó là khi 7 sĩ quan hải quân, hoàn thành khóa huấn luyện UDT của Mỹ và 25 quân nhân hoàn tất khóa đào tạo UDT cơ bản, bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt thời chiến. Năm 1968, đơn vị được giao nhiệm vụ rà, phá chất nổ quân nhu, được giao các nhiệm vụ trên biển, trên không và đất liền vào năm 1976, nhiệm vụ chống khủng bố vào năm 1993.
UDT/SEAL được cấu thành từ những lực lượng tinh nhuệ. Hải quân, không quân và thủy quân lục chiến đều đã được huy động, song số lượng đội đặc nhiệm này chỉ chưa đến 20.000 người. Đơn vị dẫn đầu là đội quân Special Warfare Command (SWC). Khoảng 10.000 lính SWC đã được giao nhiệm vụ đột kích từ phía sau lưng địch nhằm thăm dò, giám sát, tiêu hủy các cơ sở quân sự, trang thiết bị chính yếu của địch và bắt giữ những nhân vật quan trọng. Trong SWC, tiểu đoàn đặc nhiệm 707 được đánh giá là đội quân chiến đấu ưu tú khi thực hiện tích cực hoạt động chống khủng bố, bảo vệ các nhân vật quan trọng và thực hiện các nhiệm vụ tối mật. SWC cũng đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có đơn vị Dongmyeong đóng quân tại Li-băng. Một lữ đoàn của SWC cũng được giao nhiệm vụ ngăn chặn quân bộ binh Triều Tiên nếu họ tràn vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Đơn vị UDT/SEAL của hải quân Hàn Quốc là kiểu mô hình triển khai sau UDT của Mỹ. Đơn vị này nổi tiếng bởi quá trình huấn luyện tập trung của họ. Chỉ với 138 tiếng đồng hồ trong một tuần huấn luyện, các thành viên UDT/SEAL phải thực hành trên các bài tập chèo thuyền cao su, thích nghi với môi trường và luyện tập với cường độ liên tục không phút nghỉ ngơi. Thậm chí, họ phải vừa đi vừa ăn trong khi đội chiếc thuyền nặng 85kg trên đầu.
Lực lượng không quân cũng vô cùng tinh nhuệ. Họ trải qua đợt huấn luyện đặc biệt với Tiểu đoàn đặc nhiệm 707 và Hải quân UDT/SEAL; tập leo núi cùng lực lượng thủy quân lục chiến trong 3 năm, bên cạnh khóa đào tạo dài ngày nằm trong chương trình huấn luyện riêng.
Tiểu đoàn tìm kiếm được đánh giá là đơn vị xuất sắc của thủy quân lục chiến. Lính thủy quân lục chiến có thể tham gia vào tiểu đoàn tìm kiếm chỉ khi họ hoàn thành xong hai tuần huấn luyện cơ bản, 7 tuần huấn luyện đặc biệt, 3 tuần huấn luyện nhảy dù cơ bản trong trại huấn luyện dành cho tiểu đoàn tìm kiếm và sau 6 tuần tập huấn cơ bản ở trại huấn luyện lính thủy.
Tuy nhiên, trong khi được ghi nhận về đẳng cấp quốc tế của mình thì các chuyên gia vẫn cho rằng, lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc còn nhiều điểm cần bổ sung hơn nữa để phù hợp với những trang, thiết bị quân sự mới được hỗ trợ từ phía Mỹ.
Đơn vị UDT/SEAL hải quân của Hàn Quốc ngày nay được xem là lực lượng hải quân đặc biệt thời chiến giỏi nhất ở châu Á.
UDT/SEAL Hàn Quốc có 4 nhiệm vụ chính. Một là đội phá hủy dưới nước (UDT)- phá hủy các thiết bị dưới nước, ra-đa và tên lửa bờ biển bằng cách thâm nhập bờ biển của kẻ thù trước khi tiến hành chiến dịch. Hai là rà, phá chất nổ quân nhu (EOD)-phá hủy các loại chất nổ trên biển và đất liền trong thời bình và các loại mìn thời chiến để bảo đảm đường bờ biển. Ba là biển, trên không và đất liền (SEAL)-tiến hành nhiệm vụ thu thập tình báo, giám sát và đột kích bằng cách thâm nhập giới tuyến kẻ địch bằng đường biển, hàng không và đất liền. Cuối cùng là chống khủng bố (CT)-kiểm tra và tìm kiếm những hành khách và tàu buôn để chống khủng bố trên biển và bắt những tàu nghi là khủng bố.
Những người lính UDT/SEAL phải trải qua khóa huấn luyện “địa ngục” 24 tuần, dài nhất của lực lượng Hàn Quốc. Khóa huấn luyện cơ bản nhằm mục đích huấn luyện thể lực cho quân nhân qua các bài tập thể lực, hành quân và bơi đường dài để họ có thể thực hiện những chiến dịch cường độ cao. Khi họ hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, những bài tập chiến đấu đơn lẻ sẽ đợi họ phía trước. Họ sẽ được học các phương pháp lặn, đặt chất nổ, hướng đạo, mưu mẹo đặc biệt thời chiến và thu thập tình báo và các biện pháp giám sát. Theo báo cáo, chỉ khoảng 40% quân nhân chịu đựng được và hoàn thành chương trình đào tạo khắc nghiệt. Tuy nhiên, khi hoàn thành, họ là những người lính hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Thậm chí sau khi triển khai, họ phải trải qua trung bình 10 khóa tập bắn/tháng, mỗi người bắn 3000 viên đạn mỗi năm. Hằng tháng, họ phải tập trên thao trường, hằng quý phải thâm nhập trên độ cao và định kỳ tập trận chung với các lực lượng đặc nhiệm đồng minh. Sự thành công của Chiến dịch bình minh vịnh A-đen có thể thành công, một phần là nhờ sự huấn luyện khắc nghiệt này.
Trần Quang