Khoảng 5.500 năm trước, người Ấn Độ cổ đại tôn sùng vẻ đẹp nở nang của các bộ phận liên quan đến sinh sản như ngực, hông, mông. Trong khi đó, cũng giai đoạn này, chuẩn mực cái đẹp của người Ai Cập cổ đại là mắt to, đen, lông mày nối nhau, trang điểm đậm và dùng nhiều mỹ phẩm. Thời nhà Đường ở Trung Quốc (618-907), chuẩn mực cái đẹp của phụ nữ là lông mày rộng, mắt phượng, môi hồng, sắc mặt trắng ngà, bàn chân càng nhỏ càng đẹp. Thời kỳ Nara ở Nhật Bản (710-794), mái tóc đen, làn da trắng, răng nhuộm đen, lông mày tỉa gọn được coi là vẻ đẹp của hoàng gia. Việt Nam thời Trung đại (thế kỷ 10-19), phụ nữ được coi là đẹp phải sở hữu làn da trắng hồng, răng đen, tóc dài, vóc dáng nhỏ nhắn. Châu Âu thời Phục hưng (thế kỷ 15-16) “yêu” thân hình phốp pháp, trắng nhợt nhạt, tóc vàng, môi đỏ, trán rộng. Thời kỳ Victoria (1837-1901) thân hình chữ S, eo "con kiến", vòng 1 và vòng 3 nở nang, búi tóc càng to càng đẹp là những chuẩn mực của phụ nữ đẹp. Thập niên 20 của thế kỷ 20, phụ nữ đẹp thể hiện sự nam tính, mặc đồ suôn, rộng nhằm che đường nét cơ thể. Chỉ một thập niên sau, chuẩn mực cái đẹp “biến hình” thành thân hình đồng hồ cát, vòng một đầy đặn, vòng eo nhỏ, tóc ngắn, xoăn. Sang thập niên 60, thân hình siêu gầy, gắn lông mi giả lên ngôi. Thập niên 80, lại là tóc dài, dày, vai lớn, lông mày rậm rạp. Thập niên 90 đến nay, thân hình khỏe mạnh, vẻ đẹp tự nhiên, số đo hoàn hảo 90-60-90 là vẻ đẹp được ngưỡng mộ.

leftcenterrightdel
 Cân đối - chuẩn mực chung của cái đẹp. Ảnh: wallpapers 
Trên thực tế, khó có chuẩn mực đẹp chung cho cả thế giới. Quan niệm về cái đẹp là khác biệt tùy vào từng nền văn hóa hay thời đại khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một điểm chung, đó là sự đối xứng. Nhà triết học cổ đại nổi tiếng Platon từng đưa ra “tỷ lệ vàng” cho một khuôn mặt đẹp: Chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài khuôn mặt và chiếc mũi không được dài hơn khoảng cách giữa hai mắt. Các nhà khoa học sau này đã chứng minh, sự đối xứng có một vẻ cuốn hút kỳ lạ đối với mắt người. Nó được xác định không phải thông qua tỷ lệ, mà nằm ở sự tương đồng giữa phần mặt bên trái và bên phải. Sự đối xứng cũng được đánh đồng với một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì thế, khi nhìn vào một khuôn mặt đối xứng, người ta có xu hướng liên hệ với một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, tính đối xứng không phải là tất cả. Người đàn ông nói chung thường bị thu hút bởi những cô gái lùn hơn họ, có vẻ ngoài trẻ trung và sở hữu những đặc điểm như: Khuôn mặt cân đối, khuôn ngực đầy đặn, môi dày và tỷ lệ hông-mông thấp. Đặc biệt, vòng eo nhỏ của phụ nữ luôn mang lại sự cuốn hút lớn. Đàn ông vẫn luôn đánh giá một cách bản năng rằng, chiếc eo của người phụ nữ như một dấu hiệu về khả năng sinh ra cho họ những đứa con khỏe mạnh.

Trong cuộc sống và công việc, "đẹp là một lợi thế" là sự thực không thể chối cãi ở bất kỳ đâu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Ca-rô-li-na (North Carolina), Mỹ, tại rất nhiều trường trung học và đại học, các học sinh, sinh viên có vẻ bề ngoài ưa nhìn thường được các giáo viên dành cho một sự ưu ái nhất định. Ở nơi làm việc, có đến 10-15% nhân viên với vẻ ngoài ưa nhìn có cơ hội thăng tiến cùng một mức lương hấp dẫn hơn những nhân viên khác. Thậm chí, một nghiên cứu còn cho thấy, trong một số trường hợp tại tòa án, đôi khi bị cáo có một ngoại hình dễ chịu cũng có thể nhận được một chút sự khoan hồng từ chánh án và bồi thẩm đoàn, hay ngược lại, nguyên đơn "bắt mắt" sẽ có nhiều khả năng thắng kiện hơn.

Những người đẹp nhận được sự ưu ái này không chỉ vì họ đẹp. Trên thực tế, khi sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, con người sẽ có xu hướng trở nên tự tin hơn và có tần suất thể hiện bản thân nhiều hơn, từ đó sẽ được chú ý đến nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, nhan sắc lại trở thành yếu tố có hại. Đơn cử, trong một cuộc phỏng vấn, những cô gái xinh đẹp rất dễ bị người tuyển dụng đồng giới thẳng tay loại. Thậm chí, một số bệnh nhân quá đẹp đôi khi không nhận được sự chăm sóc ưu tiên từ các bác sĩ và y tá. Nếu đặt trong một tình huống cùng lúc có hai người nhập viện, trong đó một người thì đẹp và người còn lại có nhan sắc... tầm thường thì lúc này lòng thương hại của các bác sĩ sẽ dành sự ưu tiên cho người thứ hai.

Trần Vân (theo Science)