Liya Petrova là một trong những nghệ sĩ vĩ cầm giỏi nhất của thế hệ 9X. Cô sinh năm 1990, tại thủ đô Sofia của Bulgaria, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cô chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Tôi sống trong âm nhạc vì mẹ tôi là nghệ sĩ piano, chú tôi là nhà soạn nhạc... Lúc nào nhà tôi cũng tràn ngập âm thanh. Từ năm lên 3 tuổi, tôi đã biết nhảy múa, tham gia dàn hợp xướng thiếu nhi ở địa phương và hát trước công chúng. Đam mê cây đàn violin từ ngày còn bé xíu nhưng nhà tôi không có đàn violin và bố mẹ không muốn tôi trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Họ thấy điều đó quá tốn kém, phức tạp và rủi ro. Vì vậy, tôi đã bí mật học đàn violin cùng với chú tôi. Tôi đã thuyết phục chú đưa tôi đến nhà ông hai lần một tuần vì có người đã cho chú mượn một cây đàn violin nhỏ. Cảm giác cầm violin giống như một phần cánh tay, một phần cơ thể của mình vậy. Và sau đó, cây vĩ cầm cũng gần với trái tim, gần với toàn bộ bộ phận cơ thể vốn rất dễ bị tổn thương. Niềm đam mê dành cho cây đàn violin chưa bao giờ mất đi trong tôi”.
    |
 |
Nữ nghệ sĩ Liya Petrova với cây vĩ cầm được chế tạo năm 1742. Ảnh: Lyodoh Kaneko |
Lên 5 tuổi, cô bé Liya lần đầu tiên tham gia một buổi hòa nhạc cùng với dàn nhạc và sau đó biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc khác. 8 tuổi, với tài năng âm nhạc thiên bẩm, Liya được trao tặng Huy chương Mozart và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng “Nghệ sĩ trẻ nhất”. Để nâng cao trình độ, Liya đã tham gia các khóa học về đàn violin ở Bulgaria và Đức cùng với nghệ sĩ vĩ cầm người Pháp Renaud Capuçon. Thành công đã đến với nữ nghệ sĩ đa ngôn ngữ này (Liya nói được 5 ngoại ngữ) khi cô còn rất trẻ. Liya liên tục giành giải thưởng cao trong các cuộc thi, trong đó có Cuộc thi quốc tế Carl Nielsen ở Đan Mạch năm 2016.
Không chỉ vậy, Liya còn xuất hiện với tư cách là nghệ sĩ nhạc thính phòng tại một số lễ hội danh giá nhất châu Âu. Năm 2011, cô được mời tham gia một loạt buổi hòa nhạc thính phòng tại Athens (Hy Lạp) chơi cùng các nhạc sĩ Martha Argerich, Renaud Capuçon, Yuri Bashmet và Mischa Maisky. Cho đến nay, danh sách các nhóm nhạc mà cô cộng tác rất dài, từ Orchestre de Paris (Pháp), Royal Philharmonic Orchestra ở London (Anh) đến Kansai Philharmonic Orchestra ở Osaka (Nhật Bản).
Đến tham dự buổi hòa nhạc của Liya, khán giả không chỉ thưởng thức tài năng của người nghệ sĩ mà còn được chiêm ngưỡng cây vĩ cầm đặc biệt Rovelli có tuổi đời hàng trăm năm. “Tôi rất may mắn vì được sở hữu cây vĩ cầm quý giá này. Đây là nhạc cụ được chế tạo năm 1742 bởi Guarneri del Gesu, một trong hai nghệ nhân làm đàn vĩ đại nhất mọi thời đại. Guarneri del Gesu chỉ sản xuất 150 nhạc cụ và chỉ làm việc một mình. Cây vĩ cầm của tôi có tên gọi là Rovelli vì vào thời điểm đó, nhạc cụ này được chơi bởi nghệ sĩ vĩ đại người Italy Rovelli. Khi Rovelli mất, đối thủ của ông là Paganini muốn mua nhạc cụ này nhưng gia đình ông Rovelli từ chối. Vì vậy, nhạc cụ này vẫn nằm trong bộ sưu tập cá nhân và không ai chơi nó trên sân khấu nữa cho đến khi tôi được chạm vào nó... Cây vĩ cầm này không được chơi trong 211 năm, điều đó thật khó tin. Và thật vinh dự cho tôi khi được đưa nó trở lại sân khấu... Cây vĩ cầm này có âm thanh rất đặc biệt. Phòng càng lớn thì độ rung từ xa càng mạnh, thực sự ấn tượng”, nữ nghệ sĩ chia sẻ về cây vĩ cầm đặc biệt của mình.
Liya hiện là nghệ sĩ vĩ cầm được săn đón trên toàn thế giới. Với mong muốn đưa âm nhạc cổ điển đến với thế hệ trẻ nhiều hơn nữa, mùa xuân năm 2020, giữa đại dịch Covid-19, cô đã khởi xướng ý tưởng về một lễ hội âm nhạc cổ điển trực tuyến-Musikfest Parisienne. Đến nay, lễ hội này trở thành sự kiện thường niên ở Paris. Bên cạnh đó, cô còn tổ chức các buổi hòa nhạc miễn phí dành cho sinh viên và những người dưới 18 tuổi. Ở tuổi 35, tài năng nghệ thuật của thần đồng vĩ cầm sẽ còn bay xa.
HOÀNG ĐĂNG