Người tiên phong của làn sóng đầu tư mạo hiểm
Trung tuần tháng 3, Tập đoàn Intel của Mỹ thông báo, cựu thành viên Ban giám đốc của Intel Lip-Bu Tan được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của tập đoàn này. Thông báo trên lập tức đưa cổ phiếu của Intel tăng 15% trên Phố Wall.
Trong một thông điệp gửi đến nhân viên, tân CEO Lip-Bu Tan bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Intel, đồng thời nhắc lại rằng “những thành công trong quá khứ không định kiến những thành công trong tương lai”.
Trước đó, Ban giám đốc Intel phải mất 3 tháng để tìm kiếm CEO mới sau sự ra đi của CEO Pat Gelsinger vào đầu tháng 12-2024. Ứng cử viên cho chức vụ này phải là người có đủ năng lực lãnh đạo và vực dậy di sản một đế chế rực rỡ một thời của Intel. Trong số cái tên ứng cử viên được nhắc tới như Matt Murphy-ông chủ của nhà sản xuất chất bán dẫn Marvell hay cựu Giám đốc tài chính của Intel Stacy Smith, thì cái tên Lip-Bu Tan sáng giá hơn cả. “Lip-Bu Tan thực sự là một lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy biết tất cả hoạt động sản xuất cùng thiết kế chất bán dẫn... và ông ấy có một cuốn sổ địa chỉ rất tốt”, Bob O'Donnell, nhà phân tích chính tại TECHnalysis Research nhận xét.
Sinh năm 1959, Lip-Bu Tan là người Mỹ gốc Malaysia. Trước khi bắt tay vào cuộc phiêu lưu bán dẫn, Lip-Bu Tan đã trải qua thời kỳ tuổi trẻ ở Singapore. Ông học chuyên ngành Vật lý tại Đại học Nanyang trước khi đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ để theo học thạc sĩ ngành Khoa học hạt nhân và sau đó là bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học San Francisco. “Tình yêu đầu tiên của tôi là bóng rổ. Tôi là một vận động viên ném bóng rất giỏi. Nhưng mẹ nói rằng tôi phải có một công việc thực sự”, ông Lip-Bu Tan từng chia sẻ với phóng viên nhật báo The Straits Times của Singapore như vậy.
Năm 1987, khi chưa đầy 30 tuổi, Lip-Bu Tan thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình, Walden International, qua đó ông đã đầu tư vào các công ty công nghệ châu Á. Ông có sự nghiệp lâu dài với tư cách là một nhà đầu tư chuyên về chất bán dẫn-một lĩnh vực mà ông đã thể hiện năng khiếu nhất định khi đầu tư ngay từ đầu vào SMIC, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Ông cũng tham gia hội đồng quản trị của một số công ty sản xuất chip máy tính khác. Và từ năm 2009 đến 2021, ông đứng đầu Cadence Design Systems, một công ty phát triển phần mềm thiết kế chất bán dẫn. Dưới sự lãnh đạo của ông, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi.
Tờ The New York Times từng nhấn mạnh rằng, ông Tan chấp nhận “rủi ro có tính toán” trong các thương vụ đầu tư. Trong khi đó, Tạp chí Forbes gọi ông là “người tiên phong của làn sóng đầu tư mạo hiểm châu Á” nhờ việc đầu tư vào các công ty công nghệ tại khu vực này từ rất sớm.
Tăng tốc độ và chấp nhận “những rủi ro được tính toán”
Lip-Bu Tan trở thành CEO thứ tư của Intel trong vòng 7 năm. CEO Brian Krzanich đã từ chức vào năm 2018, sau những tiết lộ về mối quan hệ không phù hợp với một nhân viên. CEO Bob Swan tiếp quản Intel vào năm 2019, nhưng đã rời nhiệm vụ này hai năm sau đó, sau khi Intel bị tụt lại phía sau trong việc sản xuất chip.
Để thúc đẩy công ty phát triển trở lại, CEO Pat Gelsinger được bổ nhiệm vào năm 2021, đã bắt đầu một chiến lược đầy tham vọng tập trung vào phát triển mảng kinh doanh đúc chip (tức là sản xuất chip cho các công ty bên thứ ba). Một sự thay đổi thông minh phát huy thế mạnh riêng của Intel. Một số dự án nhà máy sau đó đã được công bố tại Mỹ và châu Âu, tận dụng hai “Đạo luật về chip” được thực hiện ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, kế hoạch này có một sai sót: Vì việc xây dựng một nhà máy có khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sẽ tốn khoảng 10-15 tỷ USD và mất nhiều năm, nên Intel sẽ phải đầu tư một khoản tiền lớn mà không có lợi nhuận ngay lập tức. Có vẻ như CEO Pat Gelsinger đã thất bại ở điểm này, dẫn tới việc ông bị sa thải vào cuối năm ngoái.
    |
 |
Tân Giám đốc điều hành (CEO) của Intel, ông Lip-Bu Tan. Ảnh: SPH Media |
Tiếp quản Intel trong bối cảnh tập đoàn đang trong vòng xoáy khủng hoảng, tân CEO Lip-Bu Tan sẽ phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan": Tiếp tục với chiến lược của người tiền nhiệm hoặc thay đổi hoàn toàn lộ trình nhưng có nguy cơ mất các khoản đầu tư đã bỏ ra trước đây.
Trong thông điệp của mình gửi đến nhân viên, CEO Lip-Bu Tan bảo đảm rằng, ông muốn “tăng gấp đôi nỗ lực của mình” và “tăng tốc độ”, đồng thời chấp nhận “những rủi ro được tính toán” trong các lĩnh vực mà Intel đang tụt lại phía sau.
Dự án đầu tiên mà CEO Lip-Bu Tan phải giải quyết liên quan đến việc quản lý kế hoạch cắt giảm nhân sự khổng lồ, được công bố bởi người tiền nhiệm của ông, trong đó quy định loại bỏ khoảng 15% trong số 110.000 vị trí của tập đoàn. Tiếp đó, ông sẽ phải vực dậy hoạt động thương mại của “gã khổng lồ” Intel. Doanh thu của Intel đã giảm từ 78 tỷ USD xuống còn 53 tỷ USD từ năm 2020 đến 2024 (-32%). Năm 2024, công ty đã ghi nhận khoản lỗ lịch sử là 18,8 tỷ USD, mức lỗ nặng nhất trong lịch sử.
Một số nhà phân tích dự đoán Intel sẽ dần bị giải thể, một số tài sản của công ty sẽ thu hút sự quan tâm từ các công ty như ARM của Anh, hay Qualcomm và Broadcom của Mỹ. Công ty TSMC thậm chí còn được cho là đã có động thái tấn công. Reuters tiết lộ rằng, tập đoàn châu Á này đã đề xuất với NVIDIA, AMD, Broadcom và Qualcomm về việc thành lập một liên doanh để mua lại các nhà máy đúc chip của Intel.
Xét về thiết kế chip, sự chậm trễ của Intel về trí tuệ nhân tạo (AI) so với NVIDIA và AMD là rất lớn. Trong phân khúc đang bùng nổ này, theo các nhà phân tích, Intel chỉ bán được 500 triệu USD chip vào năm 2024, so với 100 tỷ USD của NVIDIA. “Ở những lĩnh vực chúng ta mạnh, chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực và củng cố lợi thế của mình. Khi chúng ta tụt hậu, chúng ta phải tính toán đến những rủi ro để tạo sự khác biệt và tiến về phía trước. Và khi tiến độ chậm hơn dự kiến, chúng ta phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ”, Lip-Bu Tan nói với nhân viên của mình.
Do đó, ông Lip-Bu Tan cam kết tiếp tục kế hoạch đưa Intel trở thành một xưởng đúc chip, sản xuất theo hợp đồng cho các khách hàng bên ngoài, thay vì chỉ thiết kế và sản xuất chip cho riêng mình. “Intel có mọi cơ hội để tái sinh dưới thời của Lip-Bu Tan”, Stéphane Villard, Trưởng bộ phận Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông tại Deloitte-một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big Four) lạc quan nói.
HOÀNG ĐAN