Nhưng trong vài tuần tới, nhiều khả năng bà sẽ trở thành gương mặt mới nhất trong 9 thẩm phán quyền lực của Tòa án Tối cao Mỹ.
Bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của Amy Coney Barrett diễn ra cách đây chỉ vỏn vẹn 4 năm khiến nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì đâu bà có được thành công nhanh đến vậy? Thậm chí, khi cái tên Amy Coney Barrett chính thức xuất hiện trong danh sách rút gọn cuối cùng các ứng cử viên cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, bà còn bị đánh giá là có một hồ sơ khá mờ nhạt với bảng thành tích “nghèo nàn”. Bởi bà mới chỉ được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7 từ năm 2017 và có ít kinh nghiệm chủ tọa trong phòng xử án. Cùng với tuổi đời còn khá trẻ, mới 48 tuổi, bà Barrett bị không ít các quan điểm chỉ trích cho rằng không đủ kinh nghiệm và tố chất để được bổ nhiệm vào một vị trí “trọn đời” như Thẩm phán Tòa án Tối cao.
Thế nhưng ngược lại, những ai đã từng gặp và tiếp xúc với Amy Coney Barrett đều đánh giá cao và cho rằng, bà là người sở hữu tài năng cùng quan điểm sắc bén, một ứng viên gần như hoàn hảo cho chiếc ghế trống tại Tối cao Pháp viện.
Sinh ra và lớn lên ở New Orleans, bang Louisiana, Amy Coney Barrett có cha từng làm luật sư cho công ty Shell Oil của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp với kết quả xuất sắc tại Trường luật Đại học danh tiếng Notre Dame (bang Indiana) năm 1997, bà bắt đầu sự nghiệp với vai trò thư ký cho Thẩm phán Laurence Silberman và cố Thẩm phán Tòa án Tối cao nổi tiếng Antonin Scalia. Tuy rằng sau đó, bà Barrett gắn bó phần lớn sự nghiệp tại Đại học Notre Dame, trong vai trò giáo sư giảng dạy về tòa án liên bang, luật hiến pháp...
Năm 2016, bước ngoặt sự nghiệp đến với bà sau khi ông Donald Trump chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống và bắt tay vào việc sắp xếp lại bộ máy tư pháp liên bang theo hướng có lợi cho phe bảo thủ. Cố vấn Nhà Trắng Don McGahn cùng một nhóm các luật sư đã lập danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho hơn 100 vị trí tư pháp liên bang. Cái tên Barrett đã xuất hiện trong bản danh sách những lựa chọn tiềm năng cho Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7. Tuy nhiên, để giành được vị trí này, bà Barrett đã phải đối mặt với một cuộc chiến đề cử gay gắt. May mắn thay, sự bình tĩnh và quyết đoán của bà trước những câu hỏi gai góc của các nghị sĩ Dân chủ đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Donald Trump.
Sau này, trên cương vị Thẩm phán Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7, Amy Coney Barrett lại tiếp tục ghi điểm và ngày càng được lòng giới bảo thủ khi thông qua các quan điểm ủng hộ quyền sử dụng súng, phản đối người di cư, phản đối mạnh mẽ tình trạng nạo phá thai cũng như đi ngược lại "Obamacare"-đạo luật cải cách y tế do cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama ban hành. Thậm chí, bà còn được đánh giá là “sự kết hợp hoàn hảo” để trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao với những quan điểm sắc bén, có thể “đối trọng” với các nữ thẩm phán khác trong Tòa án Tối cao hiện nay. Đây có lẽ là lý do ông chủ Nhà Trắng quyết định lựa chọn người phụ nữ này vào vị trí kế nhiệm cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.
Đương nhiên, sự lựa chọn này cũng xuất phát từ những phép tính chính trị, mang tính lâu dài của ông Donald Trump với mục tiêu đẩy cán cân tại Tòa án Tối cao Mỹ nghiêng về Đảng Bảo thủ. Hiện tại, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện, vậy nên có thể nói, ứng viên của ông Donald Trump có khả năng thâu tóm được chiếc ghế thẩm phán mà không gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp bà Barrett được Quốc hội chấp thuận trở thành thẩm phán nữ thứ ba tại Tối cao Pháp viện Mỹ, vị trí “trọn đời” này của bà có thể bảo đảm sự hiện diện mạnh mẽ của phe bảo thủ tại Tòa án Tối cao trong nhiều năm tới. Điều này sẽ có lợi cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong việc thực hiện các chính sách và kế hoạch đang còn gây tranh cãi. Ngoài ra, việc bà Barrett có được lựa chọn hay không cũng sẽ tác động lớn đến thái độ và các lá phiếu của cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống cam go sắp tới.
NGỌC HÂN