Nhà sử học Ralph Ellis đã bỏ ra tới 20 năm chuyên nghiên cứu về vua Solomon. Theo kết quả công bố của ông, Solomon không phải là vua của Israel như theo Kinh Thánh. Thực tế, đó là Pharaoh Ai Cập Shoshenq I, người cai trị Ai Cập và Israel vào cuối thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.

Theo Kinh Thánh, mức độ giàu có của vua Solomon là “đáng kinh ngạc”, nhưng Ellis lại cho rằng, tài sản của Pharaoh Solomon chỉ ở mức độ và hiện nằm trong số các đồ tạo tác trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Ai Cập ở Cairo.

Năm 2008, Giáo sư Thomas Levy của Đại học California, Mỹ, đã dẫn đầu một đoàn khảo cổ học nghiên cứu tại một địa điểm trong sa mạc ở miền Nam Jordan. Họ đã phát hiện ra các sản phẩm bằng đồng đỏ có niên đại vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, tương ứng với thời điểm cai trị của vua Solomon theo lời kể trong Kinh Thánh. Những chứng cứ này đã chứng minh về sự tồn tại của những xã hội thực sự giai đoạn thế kỷ 10 và 9 trước Công nguyên. Và câu chuyện về vị vua giàu nhất lịch sử Solomon đã được phần nào hé mở.

Theo dữ liệu lịch sử, vua Solomon sinh khoảng năm 974 trước Công nguyên. Ông là con trai của vua David và là vị vua thứ ba của Israel. Dưới thời Solomon, đế chế Israel trải dài từ Euphrates tới mỏm Bắc của vịnh Aqaba. Vua Solomon thành lập vương quốc Edom và được mệnh danh là "nhà thống trị vĩ đại nhất của Israel". Solomon trị vì Israel trong gần 40 năm và băng hà vào năm 931 trước Công nguyên. Ông được coi là người giàu nhất mọi thời đại.

Lúc trị vì Israel, Solomon đã cho xây dựng một cung điện và miếu thần vô cùng tráng lệ trên núi Jerusalem. Hằng ngày, các giáo đồ đến đây để bái yết và hiến tế thần linh. Đá Thánh A La được đặt giữa điện thần. Đá Thánh cao 20m, rộng 15m, là một tảng đá hoa cương, được dỡ bởi hai trụ đá cẩm thạch tròn. Ở phía dưới đá Thánh A La, Solomon cho xây một căn hầm và một đường hầm bí mật. Theo truyền thuyết, Solomon đã cất giấu ở căn hầm và đường hầm này rất nhiều châu báu và các đồ vật quý giá. Đó chính là kho báu của Solomon.

leftcenterrightdel
 Tranh chân dung vua Solomon. Ảnh: wordpress 
Đầu thế kỷ 20, một đoàn thám hiểm người Anh đã vào thành Jerusalem. Họ dùng tiền vàng hối lộ người gác đêm để vào điện thần, cậy tấm đá bên cạnh đá Thánh A La lên, rồi đào đất xúc đổ ra bên ngoài tường. 7 đêm liền, đoàn thám hiểm người Anh đã đào được một đường hầm khá sâu. Đến ngày thứ 8, họ bị một thầy tu Do Thái vô tình phát hiện ra. Đoàn thám hiểm trốn thoát nhưng người gác đêm đã bị tử hình. Kể từ đó, việc canh giác điện thần được tăng cường cẩn mật và không ai còn cơ hội để khám phá.

Xung quanh bí mật kho báu Solomon còn xuất hiện một giả thuyết khá thuyết phục. Đó là, vào năm 586 trước Công nguyên, trước khi quân của Vương quốc Babylon vào thành Jerusalem, kho báu đã được chuyển đến cất giấu ở đường hầm bí mật Uanbu. Trong Kinh Thánh có nhắc tới con đường hầm này nhưng không nói rõ nó nằm ở đâu. Mãi đến năm 1868, một sĩ quan người Anh là Thượng úy Holan, trong lúc đi vãn cảnh ở ngoại ô Jerusalem đã vô tình phát hiện ra một cái hang sâu khúc khuỷu. Ông ta liền chui vào trong hang và vào tới thành Jerusalem. Như vậy, theo đúng như mô tả của Kinh Thánh, đường hầm Uanbu cổ đại đã được phát hiện nhưng kho báu của Solomon vẫn chưa được tìm thấy. Vì thế, nhiều người cho rằng, phát hiện của Thượng úy Holan chỉ là một đường hầm khác không nổi tiếng chưa được biết tới.

Một giả thuyết khác cho rằng, vua Solomon cất giấu châu báu ở một hòn đảo xa xôi. Giả thuyết này được củng cố vào năm 156 sau Công nguyên, khi một nhà hàng hải Tây Ban Nha dẫn một đoàn thám hiểm đến hòn đảo nọ thì thấy thổ dân trên đảo đeo các đồ trang sức đều lấp lánh ánh vàng. Họ đã vô cùng kinh ngạc cho rằng đã tìm thấy kho báu của Solomon, nên liền đặt tên cho nơi này là quần đảo Solomon. Sau này, rất nhiều đoàn thám hiểm đã kéo tới đây để săn tìm kho báu của vua Solomon. Tuy nhiên, do vị trí của quần đảo Solomon nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, bao gồm 6 đảo lớn và gần 1.000 đảo nhỏ nằm rải rác trên diện tích đất biển là 60.000km2, rừng rậm phủ kín 90% diện tích đảo, nên rất khó khăn trong việc tìm kho báu.

VŨ XUÂN SƠN (Theo Independent)