QĐND - Tháng 2-2010, Thư viện Quốc gia Pháp (BNF), qua một doanh nhân giấu mặt, đã bỏ ra số tiền 7,2 triệu euro (tương đương 9,7 triệu USD thời điểm đó) để mua 3.700 trang giấy đã ố vàng. Đó là tập hồi ký “Histoire de ma Vie” (tạm dịch: Chuyện đời tôi) của Gia-cô-mô Ca-xa-nô-va (Giacomo Casanova). “Histoire de ma Vie” đã trở thành cuốn hồi ký đắt nhất thế giới và nó cũng nằm trong tốp 10 cuốn sách đắt nhất thế giới.
Số phận truân chuyên
3.700 trang giấy ố vàng được chuyển tới cho BNF trong 13 chiếc hộp được bảo vệ kỹ lưỡng. Đó là bản gốc “Histoire de ma Vie” chưa từng bị hiệu đính, kiểm duyệt, chỉnh sửa. Bản thảo được viết từ thế kỷ 18, tự thuật đời sống tình ái của tác giả, đã trở thành một thứ của hiếm, mê hoặc độc giả mọi thời đại. Năm 1821, Nhà xuất bản Brốc-hau (Brockhaus), Đức, đã mua lại từ tay gia đình Ca-xa-nô-va cuốn hồi ký. Trong Đại chiến Thế giới lần thứ II, bản thảo cuốn hồi ký bị coi là đã không còn khi quân Đồng minh ném bom Lép-dích (Leipzig) và phá hủy văn phòng của Nhà xuất bản Brốc-hau. May mắn, “Histoire de ma Vie” vẫn nguyên vẹn trong tầng hầm của tòa nhà. Sau đó, Phrê-đê-rích A-non (Frederic Arnold), một thành viên trong gia đình Brốc-hau, đã chuyển lậu bản thảo cuốn hồi ký ra khỏi Lép-dích đến một căn cứ quân sự Mỹ tại Uy-ét-ba-đen (Wiesbaden). Năm 1960, phiên bản “Histoire de ma Vie” được coi là hoàn chỉnh nhất đã xuất bản bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn khác xa so với bản gốc. Sau đó, “Histoire de ma Vie” rất nhiều lần được xuất bản tại châu Âu nhưng chưa có nhà xuất bản nào “dám” in đầy đủ theo nguyên tác vì lo ngại sức hớp hồn và khả năng “sai khiến” của nó. Một số nhà văn cũng đã lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký để dựng nên nhân vật được coi là “kẻ đào hoa nhất thế giới”. Trong đó, tiêu biểu là tác phẩm của nhà văn Hung-ga-ri (Hungary) Ma-rai Xan-đo (Márai Sándor) - “Casanova in Bolzano” (tạm dịch: Ca-xa-nô-va ở Bôn-da-nô). Ông đã tạo nên một hình tượng Ca-xa-nô-va hết sức quyến rũ và riêng biệt. Năm 2005, chuyện tình của Ca-xa-nô-va và nàng Phran-xét-ca (Francesca) đã được đạo diễn người Thụy Điển La-xê Han-trôm (Lasse Hallstrom) dựng thành phim.
 |
Chân dung “kẻ đào hoa nhất thế giới” - Ca-xa-nô-va. Ảnh: Nostraitalia |
“Histoire de ma Vie” của Ca-xa-nô-va được BNF theo đuổi việc mua từ năm 2007. Sau 3 năm thương thảo, Nhà xuất bản Brốc-hau mới chính thức chuyển bản gốc “Histoire de ma Vie” cho BNF. Cuốn hồi ký cũng bôn ba như cuộc đời Ca-xa-nô-va, phải qua bao thập niên mới trở về đúng vị trí và sự thật.
Kẻ hào hoa nhất thế giới
Qua tập hồi ký “Histoire de ma Vie”, lần đầu tiên, độc giả thế giới có thể hình dung đầy đủ chân dung của Ca-xa-nô-va, kẻ được coi là “đào hoa nhất thế giới”.
Ca-xa-nô-va tên đầy đủ là Gia-cô-mô Ghi-rô-la-mô Ca-xa-nô-va đơ Xên-gan (Giacomo Girolamo Casanova de Seingalt), sinh ngày 2-4-1725 tại Cộng hòa Vê-nê-di-a (Venezia), thuộc I-ta-li-a (Italia), trong một gia đình 6 anh chị em. Mẹ ông là nữ diễn viên Gian-nét-ta Pha-ru-xi (Zanetta Farussi). Cha ông là vũ công Giô-dép Ga-ta-nô Ca-xa-nô-va (Giuseppe Gaetano Casanova). Thời điểm Ca-xa-nô-va lớn lên, Cộng hòa Vê-nê-di-a đang ở đỉnh cao của sự thịnh vượng. Nơi ăn chơi xa hoa này được cho là đã tác động rất lớn tới sự hình thành tính cách của Ca-xa-nô-va.
Ca-xa-nô-va sớm phải chịu cảnh bất hạnh khi cha qua đời năm ông 8 tuổi, còn mẹ thì chỉ mê say nghề mà bỏ rơi việc chăm sóc con cái. Vào ngày sinh nhật thứ 9, Ca-xa-nô-va được gửi đến một nhà trọ trên đất liền ở Pát-va (Padva). Đối với Ca-xa-nô-va, việc bị bỏ rơi là một kỷ niệm cay đắng. Điều kiện sinh sống tại nhà nội trú vô cùng kinh khủng nên Ca-xa-nô-va đã đấu tranh để được chuyển đến sống với các linh mục. Vì vậy, trong suốt tuổi thiếu niên của mình, ông gắn bó với thế giới tôn giáo. Cũng vì thế, ban đầu, Ca-xa-nô-va dự định trở thành linh mục. Tuy nhiên, sau khi nghe lời khuyên của một linh mục có tài nhìn người, ông đã từ bỏ ý định này.
Thời tuổi trẻ, Ca-xa-nô-va là một kẻ lữ hành không mệt mỏi. Bước chân của ông in dấu trên hầu hết các thành phố lớn của châu Âu. Mỗi nơi, ông đều lưu lại một thời gian ngắn rồi sau đó lại tiếp tục hành trình khám phá của mình. Theo như những ghi chép để lại thì Ca-xa-nô-va đã di chuyển tổng cộng tới 70.000km đường đất. Tuy nhiên, Ca-xa-nô-va không chỉ là một nhà thám hiểm, ông còn được nhìn nhận ở rất nhiều cương vị khác nhau. Đặc biệt là ở cương vị nào, ông cũng chứng tỏ mình là một người có năng lực. Ca-xa-nô-va là một người rất thông minh. Ông biết nhiều ngoại ngữ, đặc biệt nói và viết thành thạo tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hy Lạp. Vì thế, dù là người I-ta-li-a nhưng Ca-xa-nô-va đã viết “Histoire de ma Vie” bằng tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ của tình yêu. Ca-xa-nô-va cũng là một sĩ quan quân đội, một nhà ngoại giao, cố vấn luật pháp. Ông từng tốt nghiệp tiến sĩ luật. Hơn thế nữa, Ca-xa-nô-va còn là tác giả của khá nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn hồi ký nổi tiếng của mình và một tiểu thuyết giả tưởng với nội dung đồ sộ. Rồi Ca-xa-nô-va lại được nhìn nhận với tư cách một điệp viên, tu sĩ, nhạc công. Ông có biệt tài chơi đàn violin. Ca-xa-nô-va còn là nhà tài chính khi ông là người phát kiến ra hình thức xổ số hoàng gia. Hình thức xổ số này đã góp một phần vào việc kiếm tiền để khôi phục nền kinh tế tài chính Pháp trong những cuộc khủng hoảng lúc bấy giờ.
Xuất thân thấp kém nhưng với tài năng thiên phú, Ca-xa-nô-va kết thân được với những con người nổi tiếng hoặc có địa vị ở châu Âu lúc bấy giờ. Đó là nữ hoàng Ê-ca-tê-ri-na (Ekaterina) đệ nhị của Nga, đức Giáo hoàng, các hồng y, các triết gia khai sáng Vôn-te (Voltaire) và Giăng-giắc Ru-xơ (Jean-Jacques Rousseau), đại văn hào Gớt (Goethe), nhạc sĩ thiên tài Mô-da (Mozart)…
Tuy nhiên, nếu chỉ có tài năng thì Ca-xa-nô-va không thể trở thành một huyền thoại. Ông sở hữu một vóc dáng cao lớn, với chiều cao 1,87m, một khuôn mặt đẹp trai, lãng tử. Chính vẻ đẹp trai đầy lãng mạn, cộng thêm bản tính phong tình đã khiến Ca-xa-nô-va trở thành người tình trong mộng của vô vàn người phụ nữ châu Âu lúc bấy giờ. Cùng với đó, cuộc sống liên tục di chuyển từ vùng đất này đến vùng đất khác càng khiến Ca-xa-nô-va có cơ hội tiếp xúc thêm với rất nhiều người phụ nữ khác nhau… Năm 25 tuổi, Ca-xa-nô-va đã “suýt” từ giã cuộc sống trăng hoa khi gặp tình yêu lớn nhất trong đời - nàng Ăng-ri-ét-te (Henriette) xứ Xê-rê-na (Cerena). Đó là một cô gái bí ẩn, mang vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng. Trong những giây phút đắm đuối vì hạnh phúc, Ca-xa-nô-va từng tuyên bố: “Người nào mà nghĩ đàn bà không thể đem hạnh phúc đến cho đàn ông 24 tiếng đồng hồ trong ngày thì người đó chưa bao giờ biết đến Ăng-ri-ét-te”. Thế nhưng, cuộc tình này cũng chẳng kéo dài hơn các cuộc tình khác là bao. Kết cục, nàng Ăng-ri-ét-te xinh đẹp cũng phải chấp nhận rời xa Ca-xa-nô-va để chàng lãng tử đa tình tiếp tục những cuộc chinh phục mới.
Có hàng trăm người tình nhưng Ca-xa-nô-va chưa bao giờ lừa dối tình cảm của ai. Ông rất trân trọng những người đàn bà trong cuộc đời của mình. Mỗi người phụ nữ trong mắt Ca-xa-nô-va đều có nét đẹp làm ông say đắm. Và tất cả họ đều trao trọn trái tim cho Ca-xa-nô-va, biết ơn ông vì đã yêu họ, đem đến cho họ những cảm xúc, những giây phút choáng váng, đê mê mà họ không thể có ở bất cứ tháng ngày nào khác trong đời và cũng biết cách rời bỏ họ một cách lịch lãm. Ca-xa-nô-va trở thành một huyền thoại, nổi tiếng đến mức sau này, nhiều người vẫn tưởng ông là một nhân vật hư cấu. Bởi không ai có thể tưởng tượng nổi có nhiều điều kỳ diệu như thế tập trung ở cùng một người. Đối với Ca-xa-nô-va, cuộc đời là một chuỗi những cuộc chinh phục, theo đuổi phụ nữ. Cũng vì phụ nữ yêu quý, tự nguyện hiến dâng cả tình cảm lẫn vật chất nên dù xuất thân không giàu sang nhưng Ca-xa-nô-va luôn sống như một ông hoàng.
Năm 1755, Ca-xa-nô-va đã bị tống vào ngục với tội danh “phù thủy yêu” vì quyến rũ quá nhiều cô gái. Thậm chí, ông còn bị biệt giam ở phòng chì. Đây là phòng giam chỉ để dành nhốt những kẻ phạm tội nguy hiểm và khó lường nhất. Tuy nhiên, một năm sau, vào năm 1756, Ca-xa-nô-va đã vượt ngục thành công. Cuộc vượt ngục của Ca-xa-nô-va được coi là một trong những cuộc đào thoát nổi tiếng nhất trong lịch sử. Và từ đó, ông tiếp tục dấn thân vào cuộc sống phiêu bạt của mình.
Trong 13 năm cuối cùng của cuộc đời, Ca-xa-nô-va được bá tước Oan-xtên (Waldstien) xứ Bô-hê-miêng (Bohemia), Séc, nhận làm thủ thư, sống tại lâu đài Đắc (Dux) - một nơi chốn mà không ai biết được quá khứ của ông ra sao. Thế rồi, Ca-xa-nô-va đã quyết định viết cho được một “tác phẩm lớn cuối đời”. “Histoire de ma Vie” bắt đầu được viết vào năm 1789, khi Ca-xa-nô-va 64 tuổi. Ông thuật lại đời mình ở thì hiện tại, như thể những ngày tháng xa xưa của ông chỉ mới hôm qua. Cuốn hồi ký không chỉ là bức tranh tái hiện lại một cách sinh động đời sống của Ca-xa-nô-va mà còn được đánh giá là một trong những nguồn tư liệu đáng tin cậy về phong tục và tiêu chuẩn xã hội châu Âu ở thế kỷ 18. Bản thân cuốn hồi ký cũng giống như chủ nhân của nó, đã gây ra rất nhiều sự quan tâm, chú ý.
Ca-xa-nô-va mất năm 1798, thọ 73 tuổi, tại lâu đài Đắc. Hiện nơi đây vẫn còn một bảng khắc nhỏ ghi tên Gia-cô-mô Ca-xa-nô-va...
PHẠM NGUYỆT HÀ