Ngược dòng lịch sử, chiếc đồng hồ đầu tiên do người Nga sản xuất được ghi nhận vào năm 1404. Đó là khi thầy tu Athos Lazar Serb xây dựng tại Moscow một tháp đồng hồ đồ sộ, được chạm trổ tinh xảo. Thế kỷ 18, ngành sản xuất đồng hồ Nga được mở mang, giao lưu kỹ thuật chế tạo với các nước châu Âu khác. Những chiếc đồng hồ Nga có độ chuẩn xác cao ngày càng phổ biến. Đến cuối thế kỷ này, ở nước Nga đã hình thành những nhà máy sản xuất đồng hồ ở quy mô công nghiệp tại St. Petersburg và Moscow. Sang thế kỷ 19, ngành sản xuất đồng hồ Nga phát triển lên đỉnh cao, chiếm thị phần đáng kể tại châu Âu. Giai đoạn đỉnh cao của đồng hồ Nga là vào thế kỷ 20. Từ năm 1919, Cục Đồng hồ trực thuộc Hội đồng Kinh tế Cấp cao, đã tiến hành giám sát hoạt động chế tạo đồng hồ tại Liên Xô. Năm 1920, trên cơ sở cục này hình thành Cơ quan Quản lý cơ khí chính xác, hợp nhất hai xưởng đồng hồ cũ Ptatov và Reinovo sản xuất đồng hồ treo tường. Các xí nghiệp này là cơ sở hình thành Nhà máy đồng hồ quốc gia số 1 và 2, đi vào hoạt động tại Moscow thập niên 1930. Nhà máy đồng hồ số 1 là doanh nghiệp rất thành công, xuất xưởng các đồng hồ hiệu Poljot, Strela, Sputnik, Orbita… Nhà máy đồng hồ quốc gia số 2 sau đó đổi tên thành Nhà máy đồng hồ Petrodvorets, từ năm 1949 cũng xuất xưởng nhiều mác đồng hồ, nổi tiếng nhất là Raketa. Nhà máy chế tạo các ngôi sao đỏ gắn trên Điện Kremli và hàng loạt bộ sưu tầm này cho đến nay vẫn gặt hái thành công trên thị trường.
Chiếc Poljot Deluxe, 23 chân kính chống sốc, vỏ mạ vàng 20 micrôn, luôn được các nhà sưu tập chào đón. Ảnh: You Tube
Lĩnh vực công nghiệp đồng hồ Nga lớn mạnh nhanh chóng cả về kỹ thuật lẫn quy mô sản xuất. Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên xây nhà máy đồng hồ có dây chuyền cung ứng lắp ráp hiện đại. Thời hưng thịnh nhất, toàn liên bang Nga có tới 150 nhà máy sản xuất đồng hồ. Thậm chí để kiểm định độ chuẩn xác của những chiếc đồng hồ, chính phủ Liên Xô đã trang bị cho phi hành gia Juri Gagarin một chiếc đồng hồ do Nhà máy First Moscow Watch sản xuất khi ông chinh phục vũ trụ. Kết quả, chiếc đồng đã vượt qua được những thử thách hà khắc trên không gian.
Giai đoạn thập niên 1980, Nga chỉ đứng sau Thụy Sĩ về sản xuất đồng hồ. Riêng Nhà máy First Moscow Watch mỗi năm cho ra lò tới 2,5 triệu chiếc. Nhà máy Vostok thậm chí còn cung cấp tới 4,5 triệu chiếc.
Liên bang Xô-viết sụp đổ, ngành công nghiệp đồng hồ Nga cũng dần mai một. Hàng loạt nhà máy phải đóng cửa do không thể trụ nổi do thiếu kinh phí. Đồng hồ Nga dần vắng bóng trên thị trường thế giới.
Đến nay, dù ngành công nghiệp đồng hồ của Nga đã không còn mạnh mẽ như trước kia nhưng đồng hồ Nga vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập cũng như những người đam mê nghiệp dư. Trước tiên phải kể đến dòng đồng hồ Poljot rất được người Việt ngưỡng mộ. Mẫu được nhiều người tìm mua là loại Poljot Deluxe, 23 chân kính chống sốc, máy 2209 cực mỏng chỉ 8mm, vỏ mạ vàng 20 micrôn. Những chiếc đồng hồ này thời Liên Xô có giá bằng cả một chiếc tủ lạnh hay xe máy. Chính vì vậy, người Xô-viết thường mua tặng người thân và khắc vào mặt sau đồng hồ. Chủng loại tiếp theo được người sưu tập để ý là đồng hồ chế tạo cho quân nhân, phi công, các nhà du hành vũ trụ và thủy thủ Liên Xô. Nhà sản xuất đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực cho dòng đồng hồ này. Một số thương hiệu, dù rất phổ biến thời Xô-viết, nay trở nên khan hiếm và có giá có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn USD. Loại đồng hồ “quân đội” chủ yếu là thương hiệu Vostok có kích thước lớn, trông hầm hố, vỏ làm bằng thép không gỉ, chống thấm nước ở độ sâu 50m hay 200m. Chiếc Raketa 3031 xuất xưởng năm 1967 được xem là đồng hồ tinh xảo nhất do Liên Xô chế tạo. Với vỏ làm bằng thép không gỉ, máy tự động 33 chân kính, lịch có cả ngày và thứ, có báo thức, loại đồng hồ thử nghiệm này từng được bán với giá 150 rúp-cả một gia tài thời bấy giờ. Do giá quá đắt, lại không mạ vàng, dòng đồng hồ này đã nhanh chóng chết yểu và chỉ 2.000 chiếc xuất xưởng. Chính vì vậy ngày nay nó trở thành “hàng sưu tập hiếm”.
VŨ HUY AN (Theo Moscow Time)