Sự sụp đổ của "pháo đài bất khả xâm phạm"

Được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm, một tập hợp những gì mạnh nhất, kiên cố nhất chưa từng có ở Đông Dương”, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ. Sự kiện đưa đến thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của phương Tây) đã tạo ra cơn chấn động lớn đối với Pháp và thế giới. 

Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, Cao ủy Pháp tại Đông Dương Maurice Dejean đã gửi về Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8-5 là ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức) đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luang Prabang (Lào) và có lẽ cả Hà Nội, thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại”.

leftcenterrightdel
Áp giải tù binh Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cũng trong ngày 8-5-1954, tờ Paris Match của Pháp đăng tin: Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris “qua một bức điện ngắn ngủi 3 dòng lan nhanh như vệt thuốc súng”. Tờ này mô tả: Thủ tướng Pháp Lanien vội chạy đến điện Bourbon (trụ sở quốc hội) để thông báo tình hình. Ông Lanien nặng nề bước lên bậc của diễn đàn, các nghị sĩ đứng dậy trong sự im lặng nặng nề. Chỉ riêng các nghị sĩ cộng sản là vẫn ngồi im. Ông Lanien bắt đầu bằng giọng đứt quãng: “Chính phủ... vừa được tin... Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... đã thất thủ”. Ông nói chầm chậm như thể tai họa vừa ập xuống nước Pháp. Người ta nghe tiếng nói của Lanien như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến nước Pháp. Thế lực hiếu chiến Pháp không tin điều đó và khi nó xảy ra, họ không hiểu và không thể cắt nghĩa được tại sao lại như vậy. Thế nhưng, với góc nhìn từ bên ngoài, thất bại đó là tất yếu. Trong bài viết với nhan đề “Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân”, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8-5-1954, chỉ rõ: “Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên...

Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của Kế hoạch Navarre phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...”.

leftcenterrightdel
 Tờ Le Parisien của Pháp có bài viết với tựa đề "Điện Biên Phủ thất thủ" trên trang nhất. Ảnh tư liệu

Còn tờ South China Morning Post thì nhận định, thất bại tại Điện Biên Phủ là vì quân Pháp suy yếu, “không đủ sức đánh lại vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và những người lính thiện chiến của ông”. Trong khi đó, trang mạng War History Online cho rằng, sự kiêu ngạo, thiếu hiểu biết cùng yếu kém trong lập kế hoạch chính là “những vũ khí được các chỉ huy Pháp sử dụng trong trận Điện Biên Phủ để rồi dẫn tới thất bại của chính mình”.

Theo đó, quân Pháp và các cố vấn Mỹ đã đánh giá thấp, cho rằng đối phương “lạc hậu, không được huấn luyện bài bản và dễ bị đánh bại”. Thế nhưng, trên thực tế, bộ đội Việt Nam “thiện chiến theo những cách rất khác với kẻ thù phương Tây” bởi họ “hiểu cách chiến đấu ở đất nước mình, chứ không chỉ đơn thuần là cách chiến đấu theo kiểu châu Âu có trong sách vở”.

Đỉnh cao trong sự nghiệp đấu tranh cứu nước

 Với tầm vóc và tầm ảnh hưởng, Chiến thắng Điện Biên Phủ được dư luận thế giới hết lời ca ngợi. Nhân kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2023), Báo Pasaxon, Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đăng bài xã luận ôn lại lịch sử cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), bài báo khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao nhất, là cuộc đọ sức toàn diện, ác liệt nhất trong sự nghiệp đấu tranh cứu nước giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân xâm lược Pháp.

60 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-2014), Hãng tin France24 của Pháp đã dành riêng một bài viết về sự kiện này. France24 ca ngợi đó không chỉ là “một cú đánh anh hùng đánh bại thực dân mà còn là một thời điểm quan trọng của lịch sử đất nước”. Bài báo mô tả chi tiết cuộc chiến Điện Biên Phủ và gọi đây là một “sai lầm lịch sử” của quân đội Pháp. Đồng thời, France24 cũng dành những từ như “anh hùng”, “thiên tài chiến thuật” để mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo viết: “Tướng Giáp đã làm nên cuộc chiến có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử của phong trào giải phóng trên toàn thế giới”.

Giáo sư sử học Wilfried Lulei (Cộng hòa dân chủ Đức) thì khẳng định: Quá trình của chiến dịch đã thể hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam.

Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của Quân đội Việt Nam, nhà văn Jules Roy viết: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xóa sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”. Còn nhà báo Wilfred Burchett trong cuốn “Phía Bắc vĩ tuyến 17” thì nhận xét: "Mức độ chính xác và uy lực tác xạ của pháo binh và súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến cho những quân nhân nhà nghề của Pháp phải kinh ngạc... Tuy nhiên, lại chẳng phải là pháo binh và những khẩu đội phòng không đã quyết định thắng lợi. Chính là ở cái dũng khí tuyệt vời của một đội quân chiến đấu cho chính nghĩa, cho khát vọng thiêng liêng: Độc lập dân tộc và giải phóng khỏi ách áp bức nô lệ của nước ngoài”.

Đối với phong trào hòa bình và giải phóng dân tộc trên thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động và ảnh hưởng to lớn. Nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa ở khắp các châu lục đã đón nhận sự kiện Điện Biên Phủ như là thắng lợi của chính mình. Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là bài học kinh nghiệm quý và là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. 

Báo Pasaxon của Lào viết: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến cho chủ nghĩa thực dân kiểu cũ chịu thất bại đầu tiên trên thế giới, buộc các nhà hoạch định chiến lược của chủ nghĩa thực dân phải chuyển sang thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Báo Al Gum Gyrria (Ai Cập), ngày 8-5-1954, nhận định: Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất cả các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ.

Nhân dân các nước ở Mỹ Latin thì coi tinh thần Điện Biên Phủ như là “ánh đèn pha chiếu rọi”, là “kim chỉ nam hành động”. Nhà thơ yêu nước của quốc đảo Haiti Rene Depestre đánh giá: “... Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi”.

Với nước Pháp, Điện Biên Phủ là thất bại đeo đẳng trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập kỷ sau. Còn với thế giới, như nhận định của nhà sử học Bernard Fall: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”.

TƯỜNG LINH