Không chỉ là những lời kêu gọi suông, các tổ chức chính trị-xã hội Pháp đã bắt tay vào hành động, tạo nên những phong trào phản chiến rộng rãi. Một trong những hành động đáng chú ý nhất chính là chiến dịch do Tổng Liên đoàn Lao động Pháp khởi xướng, với một cam kết mạnh mẽ: Từ chối sản xuất vũ khí và phương tiện chiến tranh, đồng thời phản đối việc bắt buộc tuyển mộ lính để gửi sang Đông Dương.

Phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp càng trở nên mạnh mẽ khi thu hút được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo nên mặt trận rộng lớn chống lại cuộc chiến tranh xâm lược mà giới cầm quyền Pháp thực hiện. Đỉnh điểm là cuộc tuần hành khổng lồ với sự tham gia của hơn 30.000 người tại Trường đua Mùa Đông, minh chứng cho sức mạnh tinh thần và sự phản kháng không biên giới của nhân dân Pháp.

leftcenterrightdel

Raymonde Dien nằm trên đường ray tàu hỏa, chặn đoàn tàu chở vũ khí, binh lính từ Pháp sang Việt Nam. Tranh tư liệu 

Trong những làn sóng phản chiến, không thể không nhắc tới câu chuyện của nữ đảng viên trẻ Đảng Cộng sản Pháp-Raymonde Dien. Ngày 23-2-1950, Liên đoàn Đảng Cộng sản Pháp tại vùng Indre et Loire nhận tin một đoàn tàu chở xe tăng và vũ khí sang Ðông Dương sẽ đi qua thành phố Saint Pierre des Corps. Họ liền kêu gọi công nhân, phụ nữ, thanh niên tới chặn đoàn tàu. Ít phút sau, đoàn tàu chở vũ khí sầm sập lao tới nhà ga, bất chấp những tiếng hô hào phản đối và đám đông biểu tình. Chính trong lúc đó, Raymonde Dien dẫn đầu, cùng một số người nằm xuống chắn trên đường ray, buộc lái tàu phải phanh khẩn cấp và chuyến tàu vũ khí không thể đến nơi đúng hẹn. Đây là một minh chứng cho tinh thần dũng cảm, lòng yêu chuộng hòa bình và tinh thần đoàn kết quốc tế. Hành động của Raymonde Dien nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp. Hình ảnh cô gái 21 tuổi dũng cảm nằm trên đường ray xe lửa trở thành biểu tượng cho tinh thần hòa bình và đoàn kết quốc tế, ủng hộ Việt Nam.

Sau sự việc trên, Raymonde Dien bị bắt giam. Tuy nhiên, hành động dũng cảm đó đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, góp phần làm gia tăng phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Sau khi được trả tự do, Raymonde Dien tiếp tục tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam và trở thành một biểu tượng cho tình hữu nghị Pháp-Việt.

Cũng giống như bà Raymonde Dien, ông Henri Martin, người Pháp, cũng là một người quyết liệt phản đối chiến tranh. Khi là thủy thủ trên tàu chiến Chevreuil của Pháp sang Đông Dương thực hiện nhiệm vụ, ông đã chứng kiến cảnh TP Hải Phòng bị tàn phá vào tháng 11-1946. Ông muốn xuất ngũ ngay lúc đó nhưng bị từ chối. Trở lại quân cảng Toulon, Henri Martin liên lạc với Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp ở tỉnh Var để rải truyền đơn kêu gọi thủy thủ phản chiến. Ông bị chính quyền Pháp bắt ngày 13-3-1950 và bị tòa án quân sự Pháp kết án 5 năm tù vì tội tuyên truyền kích động phản đối chiến tranh Đông Dương. Sau gần ba năm rưỡi bị giam giữ, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho Henri Martin vào ngày 2-8-1953 do sự biểu tình phản đối của đông đảo người dân. Sau khi ra tù, Henri Martin tham gia tích cực các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Sau này, trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam, ông và các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã tận tình giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa cả về vật chất và tinh thần.

Sự đồng lòng phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam của người dân còn lan tỏa mạnh mẽ ra ngoài biên giới Pháp, đến những nước thuộc địa ở châu Phi như Algeria, Maroc, Tunisia, và Madagascar, nơi người lao động đã đình công, từ chối chuyển vũ khí xuống tàu đi Việt Nam. Sự ủng hộ này còn thể hiện qua các phong trào ở Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ... và ở ngay trong lòng những quốc gia tư bản như: Mỹ, Tây Đức, Australia...

Nhiều tổ chức quốc tế như Công đoàn thế giới và Đại hội đồng hòa bình thế giới đã lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh phi nghĩa, trả lại hòa bình cho các nước Đông Dương. Những nỗ lực của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã tạo nên áp lực chính trị lớn, buộc Chính phủ Pháp phải xem xét lại chính sách của mình tại Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

MINH TRANG (tổng hợp)