Để hồi sinh bất cứ một con vật nào, điều kiện tiên quyết là các nhà khoa học phải nắm trong tay bộ gene của con vật đó. Trong xê-ri phim “Thế giới kỷ Jura”, các nhà khoa học đã sử dụng gene để tạo nên cả một thế giới khủng long với đủ mọi chủng, loài. Tuy nhiên trên thực tế, mọi việc không dễ dàng như thế.

Để có được mẫu AND của khủng long, các nhà khoa học dựa trên hai phương pháp. Thứ nhất là từ mẫu hóa thạch xương khủng long. Phương pháp thứ hai là từ các mẫu ADN của những loài tiến hóa từ khủng long. Với phương pháp thứ nhất, các nhà khoa học đã có những bước tiến quan trọng. Trong đó, đặc biệt là việc phát hiện được mẫu máu của khủng long từ hóa thạch. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mẫu máu này, các nhà khoa học vẫn chưa thể vẽ nên bản đồ gene hoàn chỉnh của khủng long.

leftcenterrightdel
  Cặp ngà của voi ma mút được tìm thấy ở Si-bê-ri-a. Ảnh: Dailymail
Ở phương pháp thứ hai, các nhà khoa học có thể sử dụng mẫu ADN của loài chim-loài được coi là “hậu duệ” của khủng long-sau đó xây dựng lại các gene này dựa trên việc giữ lại các gene của khủng long còn sót lại và thay thế các gene đã tiến hóa. Việc sử dụng gene của một số loài động vật khác không phải điều quá viễn tưởng, tuy nhiên cũng không hề dễ dàng. Với phương pháp này, các nhà khoa học không bao giờ tạo ra được một con khủng long hoàn chỉnh giống như tự nhiên đã từng làm cách đây hàng chục triệu năm.

Hơn nữa, giả sử các nhà khoa học khôi phục được chuỗi ADN hoàn thiện nhất của một loài khủng long thì công việc tiếp theo-tìm một loài vật có khả năng để làm một con “khủng long mẹ”-cũng không hề dễ dàng. Tế bào trứng sau khi được tạo ra bằng kỹ thuật nhân bản cần được đưa vào cơ thể của một con cái để phát triển giống như phôi tự nhiên. Đây là khâu khó nhất trong quá trình hồi sinh một con khủng long. Các nhà khoa học chưa thể tìm được loài động vật nào đủ điều kiện để có thể cấy tế bào trứng vào trong cơ thể nó. Vì các tế bào này sau khi được cấy vào bên trong cơ thể của loài vật đó, sẽ tiếp tục trải qua một quá trình phát triển chịu ảnh hưởng của các ty lạp thể. Khiến cho tế bào trứng có những đặc điểm di truyền của con mẹ.

Ngoài những khó khăn trên, việc hồi sinh khủng long còn gặp phải một số vấn đề khác. Đơn cử, những con khủng long được hồi sinh sẽ đóng vai trò gì trong hệ sinh thái hiện nay? Những con khủng long từng sống cách đây hàng chục triệu năm sẽ khó có thể thích nghi được với cuộc sống hiện đại. Mặt khác, chúng là loài động vật xâm lấn, sẽ gây nguy hiểm cho các động vật khác nếu sống ngoài thiên nhiên hoang dã. Hơn nữa, đã hồi sinh động vật tuyệt chủng thì việc làm đó phải có ý nghĩa. Giả sử các nhà khoa học hồi sinh được một vài con khủng long, thì trước mắt, chúng sẽ được dùng để làm thú cảnh tham quan, nhưng lâu dần thì sao? Nếu những con khủng long không sống hòa thuận với nhau, không thể sinh sản để duy trì nòi giống, thì sau một thời gian nó cũng chết đi, vậy thì ý nghĩa của việc hồi sinh động vật từng tuyệt chủng là gì? Ít nhất phải có đủ số lượng cá thể để có thể tạo ra một nhóm, đủ sức ảnh hưởng tới hệ sinh thái và có thể duy trì nòi giống, thì việc làm này mới có ý nghĩa.

Việc hồi sinh khủng long, trên thực tế chỉ mang ý nghĩa về việc giúp các nhà khoa học hiểu thêm về loài động vật này chứ chưa phải điều kiện đủ để đưa chúng trở về từ cõi chết. Trong khi đó, với việc phát hiện một xác voi ma mút tương đối nguyên vẹn ở vùng Si-bê-ri-a (Siberia), Nga, hy vọng nhân bản loài động vật đã tuyệt chủng này đang được nhen nhóm. Từ mẫu vật này, các nhà khoa học đã xây dựng thành công bộ gene của loài voi ma mút. Đặc biệt, đối với loài voi ma mút, các nhà khoa học có thể cấy tế bào trứng vào trong một con voi châu Á hiện nay. Vì chúng cùng thuộc một loài, mặc dù tỷ lệ thành công không phải là 100%.

NGUYỄN QUANG NGỌC (Theo Live Science)