QĐND - Các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Đông Ăng-li-a cho biết, sự sống trên Trái Đất có thể tồn tại ít nhất 1,75 tỷ năm nữa.

Màu sắc chân thực của Trái Đất được chụp từ vệ tinh của NASA. 

 

Nhóm nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ những ngôi sao và lấy những hành tinh mới phát hiện bên ngoài hệ thống Mặt Trời làm mẫu để nghiên cứu tiềm năng về sự sống trên các hành tinh. Tác giả chính của nghiên cứu là An-đru Rát-bai, Trường Đại học Khoa học-Môi trường UEA, cho biết: "" Chúng tôi sử dụng khái niệm ""vùng cư trú"" để thực hiện những ước tính. Đó là khoảng cách từ ngôi sao của một hành tinh, nơi mà nhiệt độ có lợi tồn tại dạng nước lỏng trên bề mặt hành tinh đó. Chúng tôi sử dụng một mô hình tiến hóa hình sao để ước tính sự sống của một hành tinh bằng cách xác định khi nào nó không còn ở trong ""vùng cư trú"". Chúng tôi ước tính, Trái Đất sẽ không còn ở trong vùng cư trú trong khoảng 1,75 tỷ đến 3,25 tỷ năm nữa. Sau thời điểm này, Trái Đất sẽ rơi vào ""vùng nóng"" của Mặt Trời, với nhiệt độ rất cao khiến cho nước biển có thể bốc hơi và chúng ta sẽ chứng kiến mọi sự tuyệt diệt thảm khốc của mọi sự sống trên Trái Đất"".

Tất nhiên, những điều kiện tồn tại của con người và các dạng sống phức tạp khác sẽ còn kết thúc sớm hơn nhiều. Thậm chí, tình trạng này còn được đẩy nhanh tốc độ bởi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Con người sẽ gặp rắc rối ngay cả khi nhiệt độ chỉ tăng thêm một chút. Khi gần bước vào thời điểm tuyệt diệt, chỉ có những vi sinh vật sống trong môi trường thích hợp mới có thể chịu được sức nóng.

Rát-bai cũng cho biết thêm, thời gian có thể cư trú trên một hành tinh rất quan trọng, vì nó hé lộ cho chúng ta biết về tiềm năng tiến hóa của dạng sống phức tạp, vốn đòi hỏi thời gian dài hơn cho sự hình thành các điều kiện sống thích hợp.

Gần 1000 hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời đã được xác định bởi các nhà thiên văn học. Các nhà khoa học đã nghiên cứu một số hành tinh trong số này để tìm kiếm những hành tinh có thể cư trú dựa trên thời kỳ thiên văn và địa chất. ""Chúng tôi đã so sánh Trái Đất với 8 hành tinh khác, bao gồm cả Sao Hỏa. Chúng tôi phát hiện ra rằng, những hành tinh quay quanh những ngôi sao có số lượng nhỏ hơn thường có những vùng có thể tồn tại sự sống trong một thời gian dài hơn. Chẳng hạn như hành tinh Kepler 22b sẽ tồn tại sự sống trong khoảng 4,3 đến 6,1 tỷ năm nữa, hay hành tinh Gliese còn gây ngạc nhiên hơn với một thời gian rất dài cho sự sống đó là từ 42,4 đến 54,7 tỷ năm nữa"", nhà nghiên cứu Rát-bai nói.

Cho đến ngày nay, con người chưa phát hiện ra một hành tinh nào thực sự giống với Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn có thể tồn tại một hành tinh song sinh với Trái Đất trong khoảng cách 10 năm ánh sáng-một khoảng cách được coi là rất gần trong thiên văn học. Tuy nhiên, cùng với những công nghệ hiện đại, chúng ta cần khoảng hàng trăm nghìn năm để có thể đến với hành tinh này.

Nếu một ngày con người phải rời bỏ Trái Đất thì Sao Hỏa sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Sao Hỏa gần và vẫn còn có những vùng có thể sống, ít nhất là thêm 6 tỷ năm nữa khi Mặt Trời không còn tồn tại.

MAI PHƯƠNG (Theo Science)