QĐND - Hollywood đồng nghĩa với danh tiếng, sự xa hoa. Thế nhưng, Hollywood cũng đầy tăm tối. Trong gần một thế kỷ, kể từ ngày thành lập, Hollywood chứng kiến vô vàn những câu chuyện thương tâm.

Ngày 18-12-1939, người ta tìm thấy xác cô đào Pét En-tuyn-lê của sân khấu kịch Broadway ngay phía dưới dòng chữ Hollywood, cách chữ H không xa, cùng một bức thư tuyệt mệnh. Pét En-tuyn-lê năm đó 24 tuổi, tham gia bộ phim “13 phụ nữ”, nhưng hầu hết các cảnh có mặt cô đều bị cắt không thương tiếc trong phòng biên tập. Vào ngày 16-12-1939, cô tìm cách kết liễu đời mình bên cạnh dòng chữ nổi tiếng nhất Hollywood theo một cách bi thảm. Mãi hai ngày sau, người ta mới phát hiện ra thi thể của nữ diễn viên trẻ này. Cái chết của Pét trở thành một biểu tượng của bi kịch và sự thất bại trong thế giới hào nhoáng đầy ánh sáng của kinh đô điện ảnh.

Ma-ri-lin Môn-rô - biểu tượng của “giấc mơ Mỹ”. Ảnh: movies.

 

Mác Lin-đơ, ngôi sao phim hài đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Mác Lin-đơn cũng chính là nguồn cảm hứng lớn cho vua hề Sác-lô Sáp-lin. Ông đã cùng chính vợ mình là Giăng Pi-tơ tự sát vào ngày 31-10-1925 tại Pa-ri bằng cách dùng thuốc an thần quá liều.

 

 

Nam diễn viên nổi tiếng với vai Đê-mê-tri-ớt trong “A midsummer night’s dream” (tạm dịch: Giấc mơ đêm hè), A-lếch-xan-đơ Xmít đã tự bắn vào đầu mình vào ngày 2-1-1937 bằng chính khẩu súng mà vợ anh cũng đã từng dùng để tự sát cách đó hai năm trước.

 

A-lếch-xan-đơ sinh ngày 27-7-1907 tại Brốc-lin, Niu Y-oóc, lớn lên tại Rô-chét-tơ và trở lại Niu Y-oóc năm 17 tuổi để học nghề diễn xuất. Cái chết của ông được cho là vì ngập đầu trong nợ nần.

Ca-rôn Lan-đít (1919-1948), diễn viên Mỹ nổi bật với vai chính trong bộ phim “One Million B.C” (tạm dịch: Một triệu năm trước Công nguyên) năm 1940. Tiếp đó, năm 1941 bộ phim cổ điển “I wake up screaming” (tạm dịch: Tôi thức giấc vì tiếng thét kinh hoàng) đã đánh dấu tên tuổi của Ca-rôn Lan-đít. Tuy nhiên, đó cũng là cô qua đời khi bộ phim chưa kịp ra mắt. Cái chết của cô vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ô-na Mun-sơn, nữ diễn viên thủ vai Ben Oát-ling trong kiệt tác điện ảnh thế giới “Gone with the wind” (tạm dịch: Cuốn theo chiều gió) thấy chính bản thân mình cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh những quý bà trong phim. Cô đã dùng thuốc ngủ quá liều và được phát hiện qua đời tại Niu Y-oóc năm 1955 khi 51 tuổi.

Cái chết thương tâm và bí ẩn nhất Hollywood là biểu tượng của “giấc mơ Mỹ” - Ma-ri-lin Môn-rô. Ngày 5-8-1962, Ma-ri-lin đã chết do dùng chất gây nghiện quá liều tại một căn hộ riêng.

Đẹp rực rỡ, nổi tiếng, nhiều chồng, lắm tình nhân nhưng luôn cô đơn và bất hạnh, người ta đã gọi Ma-ri-lin Môn-rô là thiên thần bị đày ải xuống trần gian. Qua đời cách đây đã gần 50 năm, Ma-ri-lin vẫn là cỗ máy sản sinh ra những giai thoại ly kỳ và hấp dẫn, là nguồn cảm hứng cho hàng loạt đầu sách.

HOÀNG VĂN LỰC