Từ nhà khoa học trở thành thủ tướng

Sinh ngày 17-7-1954 tại Hamburg (Đức), Angela Merkel có bằng tiến sĩ và từng làm việc với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hóa lượng tử. Năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, A.Merkel quyết định rời xa sự nghiệp khoa học để dấn thân vào chính trường, gia nhập Đảng “Thức tỉnh dân chủ” với công việc đầu tiên là... khui các thùng máy tính mới và lắp đặt vào văn phòng. Nhớ lại quyết định thay đổi cuộc đời mình năm nào, A.Merkel từng chia sẻ, đó là khoảnh khắc diệu kỳ và hào hứng.

Có lẽ chính sự hào hứng với chính trị là một trong những lý do giúp A.Merkel gặt hái được thành công nhanh chóng trên con đường sự nghiệp. Bà lần lượt giữ vị trí lãnh đạo trong Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), vốn đa phần là nam giới, và các vị trí bộ trưởng về phụ nữ và thanh niên, môi trường, bảo tồn và an toàn hạt nhân. Thế rồi, thời khắc mang tính bước ngoặt cho cá nhân A.Merkel và lịch sử chính trường Đức đã đến vào ngày 30-11-2005: Bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên thay thế sự lãnh đạo suốt nửa thế kỷ của các chính khách nam giới tại Đức. Năm đó, A.Merkel bước sang tuổi 51.

Khi A.Merkel ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, không nhiều người dám tin rằng bà sẽ tạo ra những thay đổi sâu rộng ở nước Đức, thậm chí, còn có nhiều ý kiến đưa ra viễn cảnh ảm đạm rằng nữ chính trị gia này khó có thể trụ được lâu.

Thực tế cho thấy họ đã nhầm. Mutti (tên gọi thân mật của bà A.Merkel) đã đứng vững ở vị trí quyền lực mà cử tri Đức hào phóng dành cho bà suốt 4 nhiệm kỳ, tổng cộng 16 năm, và là một trong những nữ thủ tướng tại vị lâu nhất lịch sử thế giới. Theo Euronews, trong 16 năm nắm quyền của “bà đầm thép” A.Merkel, Mỹ và Pháp đã trải qua 4 đời tổng thống, trong khi Anh đã thay 5 thủ tướng, Italy thay 8 thủ tướng...

"Bà Merkel đã ở đây thường xuyên trong 16 năm qua. Thực tế là, bà ấy cũng thân thuộc phòng Bầu dục (trong Nhà Trắng, Mỹ) như tôi. Bà ấy đã tới phòng Bầu dục này để gặp gỡ 4 đời Tổng thống Mỹ. Bà là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức và là thủ tướng phục vụ lâu nhất kể từ thời cựu Thủ tướng Helmut Kohl”, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về bà A.Merkel.

Quan trọng hơn, trên vai trò thủ tướng, A.Merkel từng được xem là biểu tượng của sự ổn định liên tục không chỉ tại nước Đức mà còn ở khu vực châu Âu. Các chuyên gia kể rằng, tầm ảnh hưởng to lớn của bà trên vũ đài chính trị thế giới bắt nguồn từ sự nhẫn nại, luôn tìm kiếm sự đồng thuận và chính vì điều này mà ngay cả các đối thủ chính trị cũng phải nể trọng bà. Chẳng thế mà A.Merkel đã 14 lần được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Một phần lịch sử của nước Đức và châu Âu

Angela Merkel ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Đức không lâu thì châu Âu bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Song chính những cuộc khủng hoảng ấy đã góp phần kiến tạo nên những di sản chính trị, kinh tế quan trọng của bà.

Ngày đầu nhậm chức trước Quốc hội Đức, Thủ tướng A.Merkel đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện đưa Đức vào nhóm 3 nước hàng đầu ở châu Âu”.

Nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới từng nhận xét rằng, ẩn sau hình ảnh A.Merkel giản dị với chiếc áo vest và quần đen là phong thái của một nữ nguyên thủ với những quyết sách cứng rắn, thậm chí lạnh lùng. Điều này được thể hiện rõ khi cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nổ ra vào năm 2009, Thủ tướng A.Merkel đã kiên quyết theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để cứu Eurozone thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Sau này, A.Merkel thừa nhận đó là một trong những thành tựu lớn nhất mà mình đã gặt hái được trên cương vị Thủ tướng Đức.

Tính quyết đoán trong con người A.Merkel cũng không ít lần bộc lộ rõ thông qua những quyết sách “giật gân” của bà. Điển hình như năm 2015, khi nước Đức phải đối mặt với làn sóng người tị nạn đổ đến từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Afghanistan, Thủ tướng A.Merkel đã quyết định mở cửa cho hơn 1 triệu người xin tị nạn vào Đức bất chấp sự phản đối và bực dọc từ các quốc gia châu Âu khác.

A.Merkel cũng được coi là hiện thân của chính sách đối ngoại theo hướng tìm kiếm sự thỏa hiệp, theo đuổi cách tiếp cận đa phương cho những vấn đề toàn cầu và đặc biệt luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của nước Đức.

 

leftcenterrightdel
  Bà Angela Merkel trong một buổi giao lưu với binh sĩ Đức năm 2006. Ảnh: Getty Images

Dĩ nhiên, sau lưng nữ chính trị gia nổi tiếng này chẳng phải lúc nào cũng toàn những lời có cánh. Việc A.Merkel yêu cầu thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các gói cứu trợ khiến bà trở thành nhân vật bị chỉ trích nặng nề, thậm chí bị ghét cay ghét đắng tại các nước nhận cứu trợ, chẳng hạn như Hy Lạp. Ngoài ra, một số nhân vật cũng cho rằng lập trường thân thiện với người tị nạn mà Thủ tướng Đức thể hiện trong cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 khiến châu Âu bị chia rẽ. 

Nói gì thì nói, trải qua 16 năm chèo lái nước Đức và có tác động mạnh mẽ tới hướng đi của châu Âu trước bao cơn cuồng phong thế sự, A.Merkel vẫn được nhìn nhận như một phần không thể thiếu với chính trường Đức và của cả “lục địa già”. Theo Washington Post, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng gọi A.Merkel là một tượng đài và ví von rằng, Hội đồng châu Âu không có bà cũng giống như "Rome không có Vatican hay Paris không có tháp Eiffel”.

Về phần mình, cho đến khi quyết định rời xa chính trường ở tuổi 67, A.Merkel vẫn chưa bao giờ tự nhận là người tài giỏi và luôn từ chối trả lời mọi câu hỏi về di sản của bản thân.

Giấc ngủ ngon không còn xa xỉ

Với quyết định không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 9-2021, A.Merkel trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên rời nhiệm sở theo nguyện vọng cá nhân. Ngày 2-12-2021, quân đội Đức đã tổ chức buổi lễ Đại quân nhạc để chia tay bà. Và 6 ngày sau đó, kỷ nguyên của “bà đầm thép” A.Merkel chính thức khép lại khi bà bàn giao chiếc ghế Thủ tướng Đức cho người kế nhiệm Olaf Scholz.

A.Merkel rất kín tiếng về đời tư và dự định tương lai, nhưng có lẽ chính trị sẽ không còn là mối quan tâm lớn nhất của bà sau khi rời nhiệm sở. Nữ chính trị gia lão luyện này thổ lộ rằng, trong 4 nhiệm kỳ làm thủ tướng, bà đã trải qua vô số sự kiện, thường là rất thách thức về mặt chính trị và con người, và đến giờ, bản thân không còn vương vấn quyền lực.

"Tôi sẽ không liên quan đến chính trị nữa. Tôi sẽ không làm người hòa giải cho các cuộc xung đột chính trị. Tôi đã làm điều đó trong nhiều năm, suốt 16 năm với tư cách là thủ tướng", người phụ nữ quyền lực nhất thế giới ngày nào nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Deutsche Welle.

"Vì tôi đã 67 tuổi rồi, tôi không còn nhiều thời gian nữa, đồng nghĩa rằng tôi cần suy nghĩ thật cẩn thận về những gì tôi muốn làm trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình", bà chia sẻ thêm với tờ The Politico.

Thật bất ngờ khi biết rằng điều A.Merkel muốn làm đầu tiên sau khi rút khỏi vai trò người chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu là "đọc thứ gì đó, sau đấy nhắm mắt lại ngủ vì cũng mệt rồi”. Và càng bất ngờ hơn khi nhìn lại 16 năm lăn lộn trên chính trường của A.Merkel, bà nổi tiếng là người có sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn dù thường xuyên phải thực hiện các chuyến công du dài ngày, các cuộc họp thâu đêm. Có lần, cựu Thủ tướng Đức từng nói vui rằng, bà có thể tích trữ giấc ngủ... giống như lạc đà trữ nước.

Với một chính khách có phong cách giản dị như A.Merkel, cuộc sống mơ ước đằng sau dinh thủ tướng cũng có thể chỉ là dành thời gian đến sân vận động xem một trận bóng đá, trồng khoai tây, tự tay vào bếp nấu món súp thịt bò xay hay cuốc bộ đến cửa hàng thể thao để chọn cho mình một đôi giày giá rẻ...

Và, khi không còn được nhìn thấy người phụ nữ quyền lực ấy trên sân khấu chính trị, biết đâu người ta sẽ gặp lại A.Merkel trong các buổi diễn thuyết tại các trường đại học ở Seoul (Hàn Quốc) hay Tel Aviv (Israel), những nơi đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho bà.

CHÂU ANH