“Mukbang” là một từ được dùng để nói về trào lưu trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung, trong đó nhân vật chính sẽ ăn một lượng thức ăn lớn trong khi tương tác với khán giả của mình. “Mukbang” là từ ghép của “mukja” (ăn uống) và “bangsong” (phát sóng) trong tiếng Hàn, tức là nghề vừa ăn vừa quay trực tiếp cho hàng nghìn người theo dõi. Mukbang bắt đầu xuất hiện tại Hàn Quốc và phát triển mạnh trên toàn thế giới trong 3 năm gần đây. Những người làm Mukbang thường được gọi là BJ-viết tắt của Broadcast jockey (tạm dịch: Phát thanh viên). Thông qua hình thức này, nhiều người đã trở nên nổi tiếng, người thực hiện video chỉ có ăn và ăn. Từ đó, sinh ra khái niệm “hot girl”, “hot boy” hay ngôi sao Mukbang. Tùy thuộc vào nền tảng mà họ phát video, người xem Mukbang còn có thể sẽ phải trả tiền để xem và người làm video sẽ kiếm được tiền thông qua cách nhận quyên góp hợp tác với các nhãn hàng về ngành ăn uống, thực phẩm để được chọn làm đại sứ, kích thích tâm lý mua hàng của người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Một bạn trẻ quay video Mukbang. Ảnh: R.T

Mukbang hiện nay không chỉ nổi tiếng ở châu Á mà còn lan tỏa ra khắp các châu lục khác như châu Mỹ, châu Âu vì nó xuất hiện như một làn gió mới, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ đam mê ẩm thực và thích tương tác với mọi người thông qua mạng xã hội. Thu nhập hấp dẫn từ nghề ăn trực tuyến đã thu hút nhiều người trẻ chọn đây làm công việc chính. Theo thống kê, trung bình một BJ có tiếng có thể kiếm được 10.000USD một tháng. Bắt đầu làm BJ từ năm 11 tuổi, Patoo (tên thật là Kim Sung Jin, người Hàn Quốc) từng đạt được kỷ lục khi thu đến 1.500USD trong một đêm. Hiện nay, chỉ tính riêng Hàn Quốc cũng đã có khoảng 5.000 người đang làm công việc “ăn trực tuyến” này.

Mukbang ra đời một phần nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và đời sống của người dân tăng cao, họ có nhu cầu được thưởng thức những hình thức giải trí mới mà đem lại cảm giác thú vị, nhiều người còn cho rằng nhờ có hình thức ăn uống trực tuyến này mà bữa ăn của họ cảm thấy ngon miệng hơn. Mukbang mang lại cảm giác ngon miệng khiến những bữa cơm của các bạn trẻ chủ yếu sống một mình trở nên thú vị hơn và góp phần giải tỏa áp lực công việc.

Thế nhưng ở mặt khác, theo Jeff Yang, nhà phê bình văn hóa châu Á, đồng thời là Phó chủ tịch cấp cao của The Future company (công ty nghiên cứu toàn cầu), hiện tượng Mukbang có nguồn gốc từ sự cô đơn của những người chưa kết hôn hoặc chưa có người yêu, hay nói chung là của giới trẻ trong thời đại số. Sự xuất hiện của các ngôi sao ăn uống nói lên nhiều điều về xã hội hiện đại. Trước tiên, nó cho thấy sự phát triển của đời sống con người trong bối cảnh kết nối internet tốc độ cao ngày càng phổ biến.

Với hàng trăm triệu chiếc điện thoại thông minh và thời gian đi tàu điện ngầm mỗi ngày cứ tăng dần lên thì các chương trình giải trí bằng video như Mukbang thực sự là giải pháp quá đỗi dễ sử dụng và hợp lý. Thật không quá khi nói Mukbang giống như một hình thái phát triển “cực đoan” của biểu diễn trên truyền hình. Đây là nơi các ngôi sao thương thảo hợp đồng và được trả tiền ngay trong lúc đang thực hiện hợp đồng. Thu nhập của họ tăng lên và giảm xuống theo từng giây, tùy thuộc vào phản ứng của khán giả trong chương trình. Họ có nút “trả tiền” nằm trong tay.

Tuy nhiên hiện tượng này còn cho thấy các điểm đặc biệt hơn trong văn hóa và xã hội: “Chúng tôi nghĩ rằng có 3 lý do lớn dẫn tới sự phổ biến của làn sóng Mukbang. Đó là sự trỗi dậy của các hộ gia đình chỉ có một người, sự cô đơn luôn hiện hữu trong cuộc sống và xu hướng ăn kiêng quá mức trong xã hội”, điều phối viên phụ trách quan hệ công chúng của Afreeca TV, một nền tảng phát video hàng đầu Hàn Quốc, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.

THU ANH