Tuy nhiên, phải đến gần đây, nghiên cứu của các nhà thần kinh học thuộc Đại học Phrê-buốc (Freiburg), Đức, mới được đông đảo giới khoa học và công chúng công nhận.
Nàng Mô-na Li-sa, được cho là còn có tên Li-sa đen Giô-công-đô (Lisa del Giocondo) sinh ra trong một gia đình có dòng dõi quý tộc ở Phlo-ren-xơ (Florence), I-ta-li-a (Italia). Nàng kết hôn với một thương gia tơ lụa có tiếng. Gia đình Mô-na Li-sa thường mời các họa sĩ tới vẽ chân dung kỷ niệm. Lê-ô-nác-đô đờ Vanh-xi là một trong số đó. Danh họa của mọi thời đại này đã mất nhiều năm để khắc họa nên bức chân dung “độc nhất vô nhị” của nàng. Suốt hơn 5 thế kỷ qua, "tâm trạng của nàng Mô-na Li-sa" trong bức tranh luôn là thách thức đối với các chuyên gia thuộc ngành y học, tâm lý học và vật lý học. Khi mới nhìn bức chân dung của Mô-na Li-sa, người yêu nghệ thuật sẽ có cảm giác nàng đang nở một nụ cười ngọt ngào. Nhưng ngắm càng lâu, gương mặt Mô-na Li-sa dần chuyển sang buồn man mác, rồi sau đó là chút cao ngạo.
Nàng Mô-na Li-sa. Ảnh: wiki
Mới đây nhất, nhóm nhà thần kinh học người Đức do Tiến sĩ Giu-ơ-gen Kom-mê-ơ (Juergen Kornmeier) đứng đầu đã có phát hiện thuyết phục về biểu hiện cảm xúc trên gương mặt của nàng Mô-na Li-sa. Họ đã sử dụng phương pháp phân tích mọi yếu tố trên mặt để đánh giá cảm xúc trên gương mặt của con người. Cùng đó, nhóm nghiên cứu đã dịch chuyển miệng của nàng Mô-na Li-sa theo nhiều góc độ khác nhau để tạo ra 8 hình ảnh thay đổi của khóe miệng nàng. Những hình ảnh này được 12 chuyên gia đánh giá 30 lần. Kết quả, 100% chuyên gia tham gia đánh giá đều tin rằng, Mô-na Li-sa đang cười hạnh phúc. Dù có nét thoáng buồn nhưng chính điều đó càng khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn. Dưới góc độ tâm lý học, nhóm nghiên cứu cho biết, não bộ của chúng ta không có sự phân định chính xác 100% giữa cảm xúc hạnh phúc hay buồn bã khi quan sát gương mặt của người đối diện. Vì thế, để có thể hiểu người đó đang buồn hay vui còn phải xét vào ngữ cảnh.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức có nhiều nét tương đồng so với các nhà khoa học thuộc Đại học Am-xtéc-đam (Amsterdam), Hà Lan. Theo các nhà khoa học Hà Lan, gương mặt của Mô-na Li-sa có đầy đủ các cảm xúc "hỉ, nộ, ái, ố". Cụ thể, đó là: 83% hạnh phúc, 9% chán ghét, 6% sợ hãi, tức giận 2%, ít hơn 1% trung tính.
Các họa sĩ của kênh truyền hình Yesterday, Anh, cũng có nghiên cứu rất thú vị về “Mô-na Li-sa”. Họ đã phục dựng bức tranh theo phong cách "ảnh tự sướng" hiện đại để giải mã cảm xúc của nàng Mô-na Li-sa. Các họa sĩ tập trung vào việc mô phỏng cách tạo dáng, ánh sáng, kết cấu và bố cục tổng thể của bức tranh để tạo ra bản sao chi tiết nhất có thể so với bức họa gốc nhưng vẫn giữ phong cách ảnh hiện thực. Mỗi bức chân dung mất tổng cộng 36 tiếng đồng hồ để hoàn thiện. Kết quả, các tác phẩm phục dựng đã cho thấy, nàng Mô-na Li-sa đang cười hạnh phúc và thậm chí, nụ cười đó còn đẹp hơn những gì được thể hiện trong bức tranh.
Một trong những giả thuyết được coi là độc đáo nhất giải thích cảm xúc trên gương mặt nàng Mô-na Li-sa thuộc về nhà nghiên cứu nghệ thuật người I-ta-li-a Sin-va-ni Vin-xê-ti (Silvani Vinceti). Ông đã nêu nghi vấn danh họa Lê-ô-nác-đô đờ Vanh-xi sử dụng hai người mẫu cho bức tranh “Mô-na Li-sa”, đó là… một nam và một nữ. Sin-va-ni giải thích: “Đối với Lê-ô-nác-đô, cái đẹp hoàn hảo của con người phải là cái đẹp lưỡng tính”. Điều này cũng khá hợp lý khi lịch sử đã ghi nhận, danh họa Lê-ô-nác-đô đờ Vanh-xi là một người đồng tính.
OANH NGUYỄN (Theo AFP và Telegraph)