Trung tâm vàng toàn cầu

Thụy Sĩ với những ngọn núi, những hồ nước trong vắt, chocolate, đồng hồ, ngân hàng... và vàng. Theo letemps.ch, Thụy Sĩ là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, đứng trên Trung Quốc và Anh. Hiện nay, Thụy Sĩ nhập khẩu vàng từ nhiều nước, trong đó, một lượng vàng lớn đến từ Uzbekistan và Kazakhstan.

Theo dữ liệu do Cục Hải quan và An ninh biên giới Liên bang Thụy Sĩ cung cấp, năm 2023, tổng cộng 130 tấn vàng của Uzbekistan trị giá 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ, trong đó 100 tấn được nhập khẩu trực tiếp từ Uzbekistan và 30 tấn qua Vương quốc Anh, đã nhập khẩu vào Thụy Sĩ dưới dạng vàng thỏi tinh luyện cao.

Con số này gần tương đương với số lượng vàng nhập khẩu từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (150 tấn), một trong những trung tâm giao dịch vàng chính trên thế giới. Ngoài ra, 59 tấn vàng miếng (trị giá 3,3 tỷ franc Thụy Sĩ) có nguồn gốc từ Kazakhstan đã được nhập khẩu vào Thụy Sĩ trong cùng năm, trong đó 58 tấn vàng đến từ Vương quốc Anh và 1 tấn qua Kyrgyzstan.

leftcenterrightdel

 Những thỏi vàng 100g do nhà máy tinh luyện vàng Argor-Heraeus SA của Thụy Sĩ sản xuất. Ảnh: letemps.ch

Vàng nhập khẩu sẽ được tinh luyện theo yêu cầu của khách hàng cho đến khi đạt độ tinh khiết mong muốn. Tinh luyện vàng là một ngành kinh doanh rất có lợi nhuận, nhiều đến mức giá trị xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ hiện nay vượt xa giá trị xuất khẩu của toàn bộ ngành dược phẩm.

Theo thống kê, hơn 2/3 sản lượng vàng của thế giới được tinh luyện tại Thụy Sĩ. Bốn trong số 7 nhà máy tinh luyện vàng lớn nhất thế giới nằm ở quốc gia châu Âu này, trong đó nổi tiếng nhất là nhà máy Argor-Heraeus SA ở Mendrisio, bang Ticino, không xa biên giới Italy. Các nhà máy tinh luyện vàng nổi tiếng khác là PAMP và Valcambi, cũng nằm ở bang Ticino, trong đó, nhà máy Valcambi sản xuất trung bình gần 4 tấn vàng thỏi mỗi ngày.

Nhưng tại sao Thụy Sĩ lại quan trọng trên trường quốc tế khi nói đến vàng? Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên danh tiếng này. Vào giữa thế kỷ 20, Thụy Sĩ đã trở thành trung tâm giao dịch quốc tế về vàng. Các nhà máy tinh luyện vàng ban đầu cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng trên khắp Thụy Sĩ. Thuật ngữ “Swiss Made” nhanh chóng trở thành từ đồng nghĩa với chất lượng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, các thỏi vàng luôn được đúc với độ tinh khiết lên tới 999,9 phần nghìn vàng.

Độ tinh khiết chính xác thể hiện trên mọi sản phẩm vàng do các nhà máy tinh luyện vàng Thụy Sĩ sản xuất. Kết quả là, các nhà máy tinh luyện vàng lớn của Thụy Sĩ được đưa vào danh sách “giao hàng tốt” của Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA). Chỉ những thỏi vàng đáp ứng các tiêu chuẩn về kích thước, trọng lượng, độ tinh khiết... mới đủ điều kiện để giao dịch. Sau quá trình thử nghiệm kỹ lưỡng, các nhà sản xuất sẽ nhận được chứng chỉ LBMA danh giá.

Ở Thụy Sĩ, cứ 5 người thì có một người sở hữu vàng, ngoài đồ trang sức. Vàng có sẵn ở dạng vật chất, dưới dạng thỏi vàng hoặc dưới dạng đầu tư, ví dụ dưới dạng quỹ ETF vàng. Lượng vàng vật chất trung bình mà mỗi người sở hữu là 100,83g. Tổng cộng, con số này tương ứng với khoảng 200 tấn vàng và có giá trị khoảng 15 tỷ franc Thụy Sĩ do các cá nhân nắm giữ. Ngoài ra còn có khoảng 1.040 tấn vàng do Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nắm giữ.

Cơn sốt vàng mới

Vàng vẫn giữ được giá trị trong thời kỳ kinh tế bất ổn và mang lại sự an toàn khi những tài sản khác suy yếu. Tỷ lệ tương quan thấp của vàng với cổ phiếu và trái phiếu giúp ổn định danh mục đầu tư trong thời kỳ thị trường biến động. Ngoài ra, việc mua và bán vàng cũng dễ dàng hơn khi người tiêu dùng cần tiền mặt.

Trong 25 năm qua, giá vàng đã tăng mạnh. Lý do chính khiến giá vàng đạt mức cao kỷ lục như hiện nay là do tình hình toàn cầu căng thẳng. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, giá vàng đã tăng vọt, vượt ngưỡng 3.000USD/ounce. Những người tích trữ vàng của Thụy Sĩ đầu tiên và mạnh nhất chính là các tập đoàn, nhà môi giới và hiệu kim hoàn của Mỹ. Họ mua hàng trước để tránh phải trả thuế hải quan mà ông Donald Trump đòi đánh vào mặt hàng vàng từ Thụy Sĩ bán sang Mỹ.

Trên thực tế, Thụy Sĩ chưa bao giờ bán được nhiều vàng miếng sang Mỹ như vậy. Trung bình, Thụy Sĩ xuất khẩu hằng tháng trên dưới 10 tấn vàng sang Mỹ, nhưng con số này vọt lên 68 tấn vào tháng 12-2024. Chỉ riêng trong tháng 1-2025, 195 tấn vàng thỏi “made in Switzerland”, có giá trị tương đương 16 tỷ euro, đã được gửi sang bên kia Đại Tây Dương. Khối lượng này cao hơn gấp 3 lần so với tháng 12-2024 và “lớn hơn toàn bộ số vàng xuất khẩu trong năm 2024”, theo báo cáo chính thức của Berne.

Theo tờ letemps.ch, kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump dường như có nỗi ám ảnh mới với loại kim loại quý này. Vào ngày 22-2, trong bài phát biểu tại hội nghị CPAC, một cuộc họp hội tụ giới cánh hữu Mỹ, ở gần Washington, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông muốn xác minh rằng dự trữ vàng của Mỹ vẫn còn trong hầm Fort Knox nổi tiếng. “Tôi không muốn mở rương ra và thấy chúng trống rỗng. Nếu không có vàng, chúng tôi sẽ rất tức giận”, ông nói. Cho đến nay, dự trữ vàng của Mỹ lên tới con số khổng lồ là 425 tỷ USD.

Cơn sốt vàng mới hiện nay cũng giống như những lần trước trong lịch sử, nhất là giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 và thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhưng lần này không phải những người đào vàng dùng cuốc và sàng làm việc, mà là những thương nhân và người bán hàng trong các tòa nhà văn phòng có mối liên hệ với Thụy Sĩ.

HOÀNG ĐAN