Mình ông đi ngược thế giới

Câu hỏi mẹo chăng? Người trả lời táo sạch, kẻ bảo táo ta, táo Mỹ, táo Pháp... Sai bét, có một giống táo ngon nhất thiên hạ, táo Nhật Bản đến từ tỉnh Ehime của lão nông Kimura.

Cái tên Kimura vốn khét tiếng trong làng làm nông nghiệp Nhật Bản. Từng có lần tự tử vì làm nông thất bại nhưng cây táo đã cứu giúp cuộc đời Kimura, thậm chí đưa tên tuổi ông trở thành một trong những người làm vườn vĩ đại nhất thế giới.

leftcenterrightdel
Kimura, lão nông trồng táo dị nhất thế giới.Ảnh: Akata 

Thông thường, trồng táo mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật là điều phi lý, nó giống như bạn chạy xe máy mà không dùng xăng hay điện vậy. Bình quân, một vụ táo ở Nhật Bản, nhà nông sẽ phải phun thuốc bảo vệ thực vật tới 13 lần. Nhưng với Kimura, ông đã từng thí nghiệm giảm việc phun thuốc xuống 6 lần trong một mùa. Ô! Vườn táo vẫn đơm hoa kết trái, tất nhiên sản lượng giảm xuống còn 3/5. Nhưng nếu tính toán chi phí thì vẫn có lời. Mạnh dạn, Kimura giảm số lần phun thuốc xuống còn 3 lần/vụ. Cây vẫn cho trái. Một lần phun thuốc một vụ thì sao? OK, cây vẫn ra quả, có điều sản lượng chỉ bằng 1/10 so với phun thuốc 13 lần/vụ. Nhưng tính đi tính lại, phun thuốc một lần/vụ vẫn cho quả, mà tỷ suất lợi nhuận vẫn hơn phun thuốc 13 lần/vụ.

Cuối cùng, vào năm 1978, Kimura đi đến quyết định liều lĩnh của cuộc đời: Không phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn táo của mình.

Kết quả thu được như sau: Vườn táo trông như nghĩa địa ở dưới âm phủ. Khu vườn táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật mắc đủ thứ bệnh: Đốm rụng lá, nấm mốc, vi khuẩn, sâu bọ... Cả khu vườn trong mắt Kimura lúc bấy giờ như một nghĩa trang.

200 gốc táo rụng trơ lá như 200 cái cọc cắm lô nhô trong vườn.

Lẽ thường vào mùa xuân, táo bắt đầu nảy mầm, phát triển sinh sôi nhưng do không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đến tháng 7, tháng 8, vườn táo của Kimura rụng sạch lá. Nhưng nhựa sống trong cây thôi thúc cây ra lá mới. Kimura mừng phát khóc. Cuối cùng sự sống, lẽ sống tự nhiên đã chiến thắng được dịch bệnh. Không, hóa ra Kimura đã bị thiên nhiên đánh lừa. Chỉ sau vài tháng, lá lại rụng bởi bệnh đốm lá. Cả vườn táo cây bắt đầu khô héo, héo dần, héo mòn. Đến lúc này, Kimura nhận ra: Thuốc bảo vệ thực vật thật là hay.

Nhưng ông còn muốn tìm ra một thứ hay hơn: Giống táo ngon không cần tới bất kỳ loại thuốc bảo vệ nào. Nhiều người ở Ehime bảo ông điên, dở hơi, loạn trí, bày đặt khác người. Trồng táo mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật khác nào chạy xe mà không cần đổ xăng. Thậm chí cho đến thời điểm này, cũng chỉ hiếm hoi trên thế giới có lão nông Kimura thành công với việc trồng táo mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, vẫn bảo đảm cho khách hàng được sử dụng những trái táo thơm ngon nhất thế giới.

Quay trở lại câu chuyện của 40 năm về trước. Vào lúc quẫn trí, Kimura đã nghĩ ra đủ thứ để phun nhằm cứu vườn táo: Mù tạc, xì dầu, lòng trắng trứng gà, xà phòng... Hàng xóm quanh nhà bảo Kimura điên nặng rồi. Nhưng ông chứng tỏ rằng họ sai khi vào một ngày đầu hạ, ông cho gọi hai xe chở sữa tươi đến, phun khắp 4 khu vườn trồng táo của mình. Kết quả không có gì thay đổi so với những năm trước, cây vẫn rụng lá và dần chết khô.

Thực tế ban đầu Kimura chỉ thí nghiệm không phun thuốc bảo vệ thực vật lên một vườn táo. Nhưng ông chợt nghĩ như vậy thì lâu quá, mình chỉ có khoảng 30-40 năm để thí nghiệm, chiêm nghiệm. Mà đời thì quá ngắn, phải đẩy nhanh thí nghiệm để có thể cho ra kết quả sớm nhất. Vậy là ông quyết định mang cả 4 mảnh vườn của mình ra phục vụ cho ước mơ trồng táo không phun thuốc bảo vệ thực vật. Hàng xóm thừa nhận: Tay Kimura điên thật rồi. Không ai dám đến những khu vườn của Kimura, vì thời điểm đó, cây táo rụng sạch lá, mà nếu có ra lá cũng bị hàng nghìn con sâu đủ loại gặm nhấm sạch. Kimura nhớ lại: Cành táo bị vít xuống bởi sức nặng của hàng nghìn con sâu. Nghe mà ớn lạnh.

Đêm xuống, Kimura mơ thấy tiếng khóc của vườn táo. Sáng ra, ông lại thử đủ cách để cứu cây, nào là phun hạt tiêu xay, phun dấm, phun tỏi, phun ớt... để cứu cây.

Thương con rể nên ngày nào bố mẹ vợ Kimura cùng vợ ông cũng ra vườn bắt sâu. Một cây táo thu về 3 túi ni lông đầy sâu. Nghe hãi quá. Nhưng Kimura không nản lòng. Có điều, sau 4-5 năm theo đuổi mục tiêu trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật, gia cảnh nhà Kimura bắt đầu trở về con số 0. Gia đình nhà vợ cũng lâm vào cảnh bần hàn khi dốc hết tiền cho con rể. Nhiều đêm, nhìn 4 đứa con nheo nhóc ngủ bên vợ, Kimura thêm nặng lòng.

Lúc ấy, ông lại nghe thấy tiếng khóc từ những khu vườn táo.

Các chủ vườn táo khác mặc dù rất khó chịu với Kimura nhưng họ cũng chẳng kiện được ông. Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ehime có những điều khoản xử phạt nặng nông dân làm việc lười biếng, bỏ bê ruộng vườn nhưng Kimura đâu phải loại như vậy. Ngày nào ông cũng cùng gia đình thức dậy từ sáng sớm để bắt sâu. Cỏ thì một tháng ông xén một lần, tựu trung lại, chẳng có lý do để ghét bỏ lão nông Kimura trừ việc hàng xóm dần xa lánh ông, bởi họ truyền tai nhau: Bệnh gàn dở, hâm cũng có thể bị lây đấy.

Điều Kimura khó chịu là đào, lê, mận vẫn phát triển, vẫn cho quả trên chính khu vườn táo, chỉ có táo là vẫn không chịu sinh sôi, nảy nở. Mọi thứ ông trồng đều không dùng thuốc lẫn phân bón. Lúa, rau sạch cũng vậy, đều cho thu hoạch tốt, thậm chí là rất tốt nhưng cây táo cứ như thể muốn trêu lão nông Kimura. Gia đình 7 người đã tin tưởng đi theo Kimura, để rồi ông đang đưa họ ra giữa Thái Bình Dương trên một con thuyền dần cạn nhiên liệu.

Chuyến đi tự tử cứu rỗi cuộc đời

Kimura bắt đầu nguyền rủa những cây táo vào ban ngày nhưng khi đêm xuống, ông lại ôm những thân táo khóc rưng rức: “Mày giỏi lắm, mày cừ lắm, mày đã tốt với tao lắm rồi”. Đến lúc này, cả nhà vợ bắt đầu nghi ngờ trong gia đình có thành viên bị điên.

Hè năm 1987, hơn 800 cây táo trong 4 khu vườn của Kimura lại bắt đầu khô héo. Cơ thể Kimura cũng teo tóp lại tưởng như không còn dưỡng chất. Chết! Kimura đã nghĩ đến cái chết vào một ngày cuối tháng 8-1987. Ông bện tới 3 sợi dây thừng, quyết tâm trèo lên đỉnh núi Iwaki ở địa phương để tìm tới cái chết. Ông muốn sau khi chết đi không ai tìm thấy mình, nên ông muốn trèo lên đỉnh núi cao nhất có thể, đó là lý do ông đã bện tới 3 sợi dây thừng. Đêm xuống, Kimura đã leo lên lưng chừng ngọn núi. Bình thường ở địa phương, chẳng ai có thời gian leo núi cả vì họ còn bận làm nông, bận trồng táo. Cả vùng Hirosaki giàu lên vì trồng táo trừ gia đình Kimura. Con cái của nông dân ở Hirosaki được vào học những trường danh tiếng ở Tokyo, Kyodo. Họ giàu thực sự nhờ cây táo. Không ai phàn nàn về việc phun thuốc bảo vệ thực vật lên táo cả, vì ở châu Âu, ở Mỹ, ở chính ngay nước Nhật, nông dân đều làm thế, trừ một người không có đức tin như vậy đêm nay đang muốn đi tìm cái chết.

Thế rồi, trong ánh trăng chiếu sáng rặng núi, Kimura bỗng có một phát hiện khiến ông nổi da gà: Một cây táo tuyệt đẹp. Nhưng ở trên núi này sao lại có cây táo được cơ chứ, chắc là cây dẻ rừng. Mà nếu là táo, thì hẳn phải có người phun thuốc bảo vệ thực vật nên cây mới to khỏe, cành lá tốt um thế này.

Không thể là táo. Nhưng đúng là cây táo thật. Ai đã trồng nó ở đây nhỉ? Kimura tự nhủ rồi trả lời: Thần rừng. Và rồi ông ngầm hiểu ra một điều: Thượng đế đã thương mình khi ông lâm vào đường cùng.

Dưới ánh trăng sáng, Kimura đã ngộ ra, hóa ra bấy lâu nay mình cứ đi tìm nguyên nhân vì sao táo chết, vì sao cây khô héo, ủ phân, phun các loại dung dịch (dở hơi) lên cây mà quên mất một điều: Chất đất. Vì sao cây táo trên núi lại có thể chống chọi được với sâu bệnh. Vì nó khỏe, vì tự bản thân nó đủ khỏe, đủ kháng thể để đánh bật những loại côn trùng, sâu bệnh. Thế là Kimura hùng hục đào đất phía dưới cây táo, ông hít hà từng nắm đất, cho đất vào mồm nhai như thể vừa tìm thấy thuốc tiên vậy. Và trên hết, Kimura ngầm ngộ ra ông phải biến khu vườn của mình thành thiên nhiên hoang dã cho cây cối phát triển tự nhiên. 3 năm tiếp theo, các khu vườn nhà Kimura không phải là nơi phát sinh sâu bệnh mà là nơi sâu bệnh tập trung sinh sôi nảy nở, kéo theo là cơ man cóc, nhái, ếch, rồi rắn, rồi chim câu cũng tìm đến. Hàng xóm lúc này không thể chịu nổi, họ gào lên: “Làm ơn hãy dọn vườn đi Kimura. Nếu không, ông cũng nên xén cỏ dại chứ...”.

Mùa xuân năm thứ 8 kể từ khi Kimura quyết tâm theo đuổi mục tiêu điên rồ của đời mình, 4 khu vườn táo của gia đình đậu... hai quả. Hai quả táo này, Kimura dâng lên bàn thờ tổ tiên, rồi gọi cả nhà lại ăn. Táo ngon đến độ cả nhà ông tưởng như đang sống trên thiên đường.

Đến năm thứ 9, cả vườn táo nhà Kimura nở trắng hoa mà ông và gia đình không hay, vì từ 3 năm trước, Kimura đã quyết định giao vườn táo cho thiên nhiên chăm sóc. Vào một ngày nọ, người hàng xóm phát hiện vườn táo nhà Kimura nở đầy hoa đã thốt lên: “Cuối cùng cái tay Kimura đã thành công rồi!” và chính người nông dân hàng xóm đã chạy đi tìm Kimura. Vợ chồng Kimura đứng nhìn khu vườn táo dưới chân núi nở đầy hoa òa khóc.

Có điều, vì là táo tự nhiên nên quả bé như quả bóng bàn. Chúng rất ngon, ngọt và phần còn lại của lịch sử thì cả nước Nhật và thế giới hẳn đều biết.

Đã có lần Kimura định bứt bớt hoa táo, vì chỉ như vậy trái táo mới to, nhưng ông không thể làm được. Gia đình vợ ông cũng vậy. Mọi người đều khóc khi phải bứt những hoa táo. Nhà Kimura một lần nữa quyết định: Hãy để thiên nhiên làm thay tất cả.

 * Cho đến bây giờ, nhà Kimura vẫn phun dấm lên cây táo.

* Ở Tokyo có một nhà hàng chỉ bán một món duy nhất: Súp táo Kimura nhưng để đặt bàn ở đây, khách hàng phải chờ ít nhất một năm.

 * Kimura luôn nghĩ thế này: Chắc do tôi dở hơi quá nên cây táo cũng sốc mà cho ra quả.

 * Táo nhà Kimura là thứ táo được săn lùng nhiều nhất Nhật Bản và thế giới. Bạn phải đấu giá mới có được thứ quả ngon đệ nhất thiên hạ này.

TRANG ANH