QĐND - Hy sinh năm 24 tuổi, cuộc đời của Vi-ô-lét Gia-bô (Violette Szabo), một trong những nữ điệp viên gan dạ nhất thế giới, tuy ngắn ngủi nhưng đầy hào quang và mãi mãi được người đời ghi nhớ.

Mối tình 42 ngày

Vi-ô-lét Bu-xen (Bushell) sinh ngày 26-6-1921 tại Pa-ri, Pháp. Mẹ cô là người Pháp, cha là người gốc Anh. Sau khi Vi-ô-lét ra đời, gia đình cô chuyển tới sống ở Xtốc-oen (Stockwell), phía Nam Luân Đôn, Anh. Tuổi ấu thơ của Vi-ô-lét gắn liền với hoàn cảnh khốn khó. Cha cô hành nghề lái taxi. Mẹ Vi-ô-lét ở nhà. Cô phải bỏ học năm 14 tuổi để làm thợ phụ cho một hiệu làm tóc trong một khoảng thời gian ngắn ở Brít-tơn (Briston), sau đó bắt đầu làm một nhân viên bán hàng tại Uôn-guốt (Woolworths).

Dù khó khăn, vất vả nhưng Vi-ô-lét vẫn sở hữu một vẻ đẹp say lòng người. Năm 1940, tại cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày phá ngục Bát-ti (Bastille Day) ở thủ đô Luân Đôn, Vi-ô-lét đã gặp Ê-tiên Gia-bô (Etienne Szabo), một sĩ quan đẹp trai người Pháp gốc Hung-ga-ri (Hungary). Tiếng sét ái tình nổ ra. Mối tình của họ đang nồng thắm thì có tin Ê-tiên phải đến Bắc Phi chiến đấu. Sau khi biết tin, tháng 8-1940, họ đã quyết định kết hôn. Tình yêu lãng mạn trước hôn nhân của họ kéo dài đúng 42 ngày. Khi ấy, Vi-ô-lét mới 19 tuổi, Ê-tiên 31 tuổi. Kết quả của cuộc hôn nhân với những tình cảm mãnh liệt này là họ có với nhau một bé gái tên Ta-ni-a (Tania). Chưa kịp nhìn mặt con, Ê-tiên đã được thuyên chuyển sang chiến trường châu Phi để chiến đấu chống quân phát xít. Dù chỉ ở bên nhau trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đó là những tháng ngày hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ.

Chồng đi chiến đấu, Vi-ô-lét ở nhà nuôi con một mình. Thế rồi năm 1942, cô nhận phải hung tin. Trong một trận chiến tại En A-la-mên (El Alamein), Ai Cập, Ê-tiên đã hy sinh vì những vết thương ở ngực. Đau thương ngập tràn cùng với lòng căm hận tội ác của quân phát xít, Vi-ô-lét quyết định trở thành thành viên của SOE.

Nữ điệp viên gan dạ

SOE là tên viết tắt của Đội Tác chiến đặc biệt (Special Operations Executive) của Anh quốc. SOE được thành lập năm 1940 với nhiệm vụ chuyên tìm diệt những kẻ phản bội nước Pháp theo Đức quốc xã. Địa bàn hoạt động của SOE rộng khắp châu Âu. Sau khi chuyển đến văn phòng ở đường Bây-cơ (Baker), SOE bắt đầu tuyển dụng rất nhiều nhân viên. Với khả năng thông thạo tiếng Pháp, Vi-ô-lét trở thành ứng cử viên lý tưởng cho SOE.

Một thời gian ngắn sau cái chết của chồng, Vi-ô-lét nhận được một lá thư từ SOE mời đến phỏng vấn tại văn phòng. Rất nhanh chóng, Vi-ô-lét được SOE chính thức tuyển dụng và thông báo những nguy hiểm phải đối mặt. Vi-ô-lét lập tức đồng ý. Sau đó, cô trở về Pháp với hy vọng trừng phạt những kẻ thù đã tàn nhẫn lấy đi mạng sống của chồng mình.

Tuy nhiên, hành trình trở thành điệp viên của Vi-ô-lét vô cùng gian nan. Nhiều sĩ quan đã tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về khả năng của Vi-ô-lét. Họ cho rằng, cô nói tiếng Pháp với giọng Anh, không hề có năng lực và hoàn toàn không tự xoay sở được khi chỉ có một mình. Vì thế, Vi-ô-lét không thích hợp để trở thành một điệp viên. Thậm chí, khi hành động, cô có thể gây nguy hiểm cho những đồng đội khác. Mặt khác, nhiều người còn lo ngại Vi-ô-lét sẽ mạo hiểm hành động do quyết tâm trả thù cho cái chết của chồng.

Tượng Vi-ô-lét Gia-bô tại Anh. Ảnh: Blogspot

Tuy nhiên với nhiệm vụ đầu tiên, Vi-ô-lét đã chứng minh được khả năng của mình. Sau khi được đào tạo chuyên sâu về hàng hải, bỏ trốn, vũ khí, thông tin liên lạc và mật mã, Vi-ô-lét đã sẵn sàng tham gia chiến đấu. Ngày 5-4-1944, Vi-ô-lét bay trên một chiếc Lysander và nhảy dù xuống Chê-buốc (Cherbourg), một cảng biển nằm cạnh eo biển Măng-xơ (Manche), thuộc Pháp. Nhiệm vụ của cô là một mình điều tra thông tin các nhà máy chế tạo vũ khí của Đức để quân Đồng minh xác định địa điểm và đánh bom. Cùng đó là việc tổ chức lại phong trào kháng chiến địa phương sau một loạt các vụ bắt giữ. Trong quá trình này, dù bị bắt hai lần, Vi-ô-lét vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của mình trong vòng 6 tuần và trở về Luân Đôn.

Những thông tin do Vi-ô-lét thu thập được có ý nghĩa rất quý giá với quân Đồng minh trong việc phá hủy các nhà máy chế tạo vũ khí của Đức. Hơn thế, nó còn góp phần đặt nền móng cho cuộc đổ bộ D-Day nổi tiếng sau này (D-Day là cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào bãi biển Noóc-man-đi, Pháp, ngày 6-6-1944, tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống quân Đức của lực lượng Đồng minh).

Để bảo mật thông tin, các điệp viên thời Chiến tranh thế giới thứ hai thường dùng những bài thơ để mã hóa thông điệp. Họ chọn một bài thơ đã được sắp xếp lại, lấy từ đó một số từ ngẫu nhiên, rồi quy định cho mỗi chữ cái trong từ một con số. Người nhận sẽ sử dụng những con số này để giải mã thông điệp bí mật. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp an toàn vì kẻ thù có thể tìm ra bài thơ gốc đã xuất bản và giải được mật mã. Vi-ô-lét được giao một bài thơ mật mã mang tên “The life that I have” (tạm dịch: Cuộc sống anh có) là một trong những bài thơ mật mã nổi tiếng nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai: “Cuộc sống mà anh có/ Là tất cả những gì anh có/ Và cuộc sống mà anh có/ Là dành cho em/ Tình yêu mà anh có/ Trong cuộc sống/ Chỉ dành riêng cho em/ Một giấc ngủ/ Một khoảnh khắc nghỉ ngơi/ Cái chết cũng chỉ là một khoảng lặng/ Trong một khoảnh khắc yên bình/ Trên bãi cỏ xanh trải dài/ Sẽ luôn dành cho em”.

Tác giả của bài thơ “The life that I have” là Leo Mác (Leo Marks), một đồng đội của Vi-ô-lét ở SOE. Anh đã sáng tác bài thơ vào Giáng sinh năm 1943 để tưởng nhớ người yêu của anh đã chết trong tai nạn máy bay. Bài thơ với những ngôn từ và nhịp điệu giản đơn nhưng lại truyền tải những thông điệp cảm động và ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Rất ít người nghĩ rằng, nó là phương tiện truyền tải những thông tin quan trọng của những điệp viên luôn cận kề cái chết. Quy tắc giải mã ẩn chứa trong bài thơ đã được Vi-ô-lét bảo vệ bằng chính mạng sống của mình. Sau khi Vi-ô-lét bị quân Đức hành quyết, bài thơ không còn được sử dụng làm mật mã, nhưng vẫn tiếp tục được lưu truyền. Tên tuổi nữ điệp viên càng làm cho bài thơ trở nên nổi tiếng. Năm 2010, “The life that I have” được chọn đọc trong đám cưới của Chen-xi Clin-tơn (Chelsea Clinton), con gái của cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton).

Nhiệm vụ cuối cùng

Sau khi xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, ngày 7-6-1944, Vi-ô-lét nhận nhiệm vụ nhảy dù xuống vùng Li-mo-giơ (Limoges), để phối hợp với Phong trào Kháng chiến Pháp tại địa phương, tìm diệt những người phản bội nước Pháp.

Sau khi nhảy dù thành công, Vi-ô-lét được một chiến sĩ người địa phương Giắc Đu-phu (Jacques Dufour) chở tới Đoóc-đô-nhơ (Dordogne). Tuy nhiên, chưa đi được bao lâu, xe của họ đã bị lính thuộc sư đoàn SS “Das Reich” khét tiếng của quân đội Đức chặn tại một trạm kiểm tra gần Li-mo-giơ. Khi bị phát hiện, Vi-ô-lét và Giắc vừa nhanh chóng chạy vào một cánh đồng lúa mạch gần đó, vừa bắn trả quyết liệt. Thế nhưng, Vi-ô-lét bị trúng đạn vào mắt cá chân. Biết mình không thể đi tiếp, cô quyết định dừng lại yểm trợ cho đồng đội thoát thân. Sau này, Giắc Đu-phu kể lại: “Cô ấy muốn tôi thoát nên tôi cứ chạy, còn Vi-ô-lét cố gắng bắn trả bọn phát xít.”

Sau nửa giờ cầm cự, súng hết đạn, đồng đội đã an toàn, Vi-ô-lét bị lính Đức bắt. Cô gan dạ phun nước bọt vào mặt gã sĩ quan trước sự chứng kiến của dân địa phương. Vi-ô-lét bị đưa đến Li-mo-giơ để thẩm vấn. Cô trải qua 4 ngày khủng khiếp tại đó rồi được chuyển đến trụ sở Giét-ta-pô (Gestapo) ở Pa-ri. Dù bị tra tấn dã man nhưng Vi-ô-lét nhất quyết không chịu khai ra bất cứ một thông tin tình báo nào. Vì thế, tháng 8-1944, quân Đức đã chuyển cô đến trại tập trung Ra-ven-bruốc (Ravensbruck), thuộc khu vực Bắc nước Đức. Khi đến trại, Vi-ô-lét tiếp tục phải chịu đựng những đợt tra tấn tàn bạo hơn nhưng cô vẫn không chịu khuất phục. Vào đầu năm 1945, cô đã nổi dậy đấu tranh cùng với hai nhân viên nữ khác là Đê-nít Bloóc (Denise Bloch) và Li-li-an Rôn-phe (Lilian Rolfe) cũng thuộc SOE. Chính lòng can trường và dũng cảm đó của Vi-ô-lét đã khiến tất cả mọi người trong trại tập trung đều khâm phục.

Do không khai thác được thông tin gì, lại trong tình cảnh quân Đồng minh đang nhanh chóng tiếp cận, phát xít Đức quyết định tử hình những tù nhân đã chứng kiến tội ác của chúng hoặc những người “quan trọng”, gây nguy hiểm cho Đức quốc xã. Tháng 2-1945, Vi-ô-lét cùng Đê-nít Bloóc và Li-li-an Rôn-phe bị phát xít Đức đưa vào phòng hơi ngạt. Sau đó, thi thể họ bị chúng thiêu rụi.

Công lao của nữ điệp viên Vi-ô-lét Gia-bô đã được chính phủ Pháp và Anh ghi nhận. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tháng 12-1946, con gái bà, Ta-ni-a, được mời tới cung điện Buốc-king-ham (Buckingham) và nhận Huân chương Gioóc-giơ Crót (George Cross) từ nhà vua Gioóc-giơ đệ lục. Sau này, bà Ta-ni-a kể lại: “Nhà vua đeo huân chương vào vai phải tôi và nói đó tượng trưng cho mẹ tôi. Mẹ tôi có cuộc sống tuy ngắn nhưng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc xen lẫn nỗi buồn và sự nỗ lực vĩ đại”. Trong lịch sử của tấm Huân chương anh dũng Gioóc-giơ Crót, kể từ khi thành lập năm 1940, chỉ có 4 người có vinh dự được nhận. Trong đó, Vi-ô-lét được miêu tả như là người gan dạ nhất. Chính phủ Pháp cũng truy tặng bà Huân chương Thập tự chinh. Hiện nay ở Anh có một bảo tàng mang tên Vi-ô-lét Gia-bô.

NGUYỄN HỒNG LINH (tổng hợp)