Thông thường, nếu thực hiện đầy đủ các quy trình, một loại vaccine cần tối thiểu từ 12 đến 18 tháng để phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh như hiện nay, tất cả các quy trình đều được rút gọn ở mức tối đa. Thậm chí, một loại vaccine thử nghiệm được cho là đủ an toàn và hiệu quả để triển khai một cách hạn chế thì có thể ứng dụng tức thì. Vaccine dạng này sẽ được dùng cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như nhân viên y tế. Việc này từng có tiền lệ với dịch Ebola khi một loại vaccine được ứng dụng theo quy tắc khẩn cấp do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.
    |
 |
Vaccine phòng Covid-19 sẽ sớm được phổ biến. Ảnh: The Mirror |
Trong tổng số 35 tổ chức tham gia cuộc đua tìm vaccine phòng Covid-19, nhiều tổ chức cho rằng, đến tháng 6 sẽ có vaccine ứng dụng. Trung tuần tháng 4, Pfizer-một công ty dược phẩm đa quốc gia có trụ sở tại New York (Mỹ) đã công bố kế hoạch chi tiết hợp tác với Công ty BioNTech (Đức) về sản xuất vaccine phòng Covid-19. BioNTech và Pfizer đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 4. Hai công ty ước tính có khả năng cung cấp hàng triệu liều vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm 2020 nếu chương trình phát triển thành công về mặt kỹ thuật và nhận được phê duyệt của các cơ quan quản lý.
Tại Trung Quốc-trung tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới, đã có thêm hai loại vaccine mới được nhà chức trách cấp phép thử nghiệm trên người. Hai đơn vị được cấp phép lần này là Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán (thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc) và Công ty công nghệ sinh học Sinovac. Trong đó, Công ty Sinovac từng nghiên cứu phát triển vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) và là đơn vị đầu tiên trên thế giới đưa ra vaccine ngừa virus cúm A/H1N1. Trước đó, vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 do Công ty sinh dược phẩm CanSino Biologics và Học viện Khoa học quân y của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên và đang bước vào giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm vaccine trên người sẽ giúp khẳng định tính hiệu quả và an toàn trên số lượng lớn tình nguyện viên, cũng như xác định thời gian giãn cách phù hợp giữa các mũi tiêm.
Cũng liên quan tới việc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người, giữa tháng 4, vaccine mRNA-1273, sản phẩm do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) và Công ty công nghệ sinh học Moderna hợp tác nghiên cứu và phát triển đã bước vào giai đoạn 2. Theo ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID-thuộc NIH), khả năng đến tháng 6, giai đoạn thử nghiệm ở quy mô lớn sẽ có thể bắt đầu.
Cũng khoảng thời gian giữa tháng 4, hàng triệu liều thuốc được cho là vaccine phòng Covid-19 đang được các nhà khoa học Anh tại Đại học Oxford đưa vào sản xuất dù chưa được tiến hành thử nghiệm tính hiệu quả. Vaccine mang tên ChAdOx1 nCoV-19. Các nhà khoa học của Đại học Oxford cho rằng, vaccine của họ có thể có vào tháng 9 năm nay.
Các nhà nghiên cứu Nga cũng không đứng ngoài cuộc đua nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Viện Nghiên cứu vaccine và huyết thanh thuộc Cơ quan Y-Sinh Liên bang Nga (FMBA) đã công bố một loại vaccine tiềm năng. Vaccine này gồm các protein được tái tổ hợp dựa trên các kháng nguyên protein-S trên bề mặt của SARS-CoV-2. Thử nghiệm cho thấy tiềm năng miễn dịch trên chuột và đang tiếp tục thử nghiệm trên các động vật nhạy cảm trước khi thử nghiệm trên người. Theo một lãnh đạo của FMBA, cựu Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova, nước này có thể sẽ hoàn thành thử nghiệm vaccine vào giữa mùa thu.
DƯƠNG NGA