Streaming giúp âm nhạc lan tỏa

Trong danh sách 10MVs được xem nhiều trong năm qua có 8 ca khúc thuộc dòng Latin pop. Những ca khúc này có lượt xem cao nhờ giai điệu vui tươi, dễ nhún nhảy, dễ nghe ở nhiều không gian và trạng thái khác nhau. Ca khúc Latin Despacito với hơn 5,8 tỷ lượt xem trên Youtube là một điển hình. Vậy nhưng, công nghệ mới là yếu tố khiến các ca khúc này lan tỏa chứ không phải chính bản thân ca khúc hay MV.

Tạp chí âm nhạc hằng tuần của Mỹ, Billboard, đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ và thế giới. Billboard đưa ra danh sách bảng xếp hạng những album, đĩa đơn phổ biến nhất theo doanh thu từng tuần. Vậy nhưng trong năm 2018, Billboard đã phải thay đổi bởi công nghệ streaming.

Streaming hoặc media streaming là một kỹ thuật để chuyển dữ liệu, nó có thể được xử lý như một dòng ổn định và liên tục. Công nghệ Streaming đang trở nên ngày càng quan trọng với sự phát triển của internet bởi vì hầu hết người dùng không có quyền truy cập đủ nhanh để tải các tập tin đa phương tiện lớn một cách nhanh chóng. Với Streaming, trình duyệt hoặc plug-in của người sử dụng có thể bắt đầu hiển thị dữ liệu trước khi toàn bộ tập tin đã được truyền đi.

Thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) cho thấy, trong nửa đầu năm 2018, thị trường âm nhạc đã tăng hơn 10% so với năm ngoái bởi sự hỗ trợ của streaming. Trong khi đó, thị trường nhạc số (do người nghe tải về thiết bị của mình) và đĩa CD giảm nghiêm trọng.

Nhiều nghệ sĩ đã nắm bắt công nghệ streaming với ứng dụng Spotify và trở nên tỏa sáng trong năm qua, như: Drake, Post Malone, XXXTentacion, J Balvin, Ed Sheeran, Ariana Grande, Dua Lipa, Cardi B, Taylor Swift và Camila Cabello…

Khi doanh thu từ streaming tăng, cách tính độ nổi tiếng của một ca sĩ cũng thay đổi. Đó cũng là một lý do khiến Billboard phải thay đổi cách tính điểm của mình. Hơn thế, bản thân các nghệ sĩ cũng xây dựng cho mình đội ngũ fan cuồng sẵn sàng “trực 24/7” để streaming giúp thần tượng của họ lập các kỷ lục.

Giới thời trang thế giới rất quan tâm tới Đại nhạc hội Coachella. Ảnh: en.vogue.fr.

Lễ hội âm nhạc truyền thống lên ngôi

Những lễ hội âm nhạc tuy mới ra đời không lâu và được tổ chức hằng năm nhưng lại cuốn hút hàng trăm nghìn người tham dự.

Đại nhạc hội Coachella là một ví dụ điển hình. Lễ hội được thành lập vào năm 1999 và diễn ra vào hai tuần cuối của tháng 4 hằng năm ở Thung lũng Coachella, bang California (Mỹ) đã trở thành lễ hội âm nhạc đắt đỏ nhất thế giới, thu về lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp âm nhạc. Vẫn chỉ là âm nhạc nhưng Coachella có sức hấp dẫn kỳ lạ với nhiều thể loại như rock, indie, hip hop, nhạc điện tử. Các ca sĩ và ban nhạc tham dự Coachella năm 2018 có thể kể đến Beyoncé, Big Thief, Brockhampton, Cardi B, Eminem, Fisher, Kygo, Kyle Hall… Một điều thú vị nữa là các fan hâm mộ có thể vừa xem các ca sĩ của mình biểu diễn cả ngày, vừa thưởng thức những món ăn địa phương và dự các bữa tiệc của các nhãn hàng lớn, nơi họ có thể được gặp trực tiếp ca sĩ mình mến mộ.

Trong khi Coachella là lễ hội đắt đỏ nhất thế giới năm qua thì Lễ hội âm nhạc Tomorrowland lại được Tạp chí DJ Mag chọn là lễ hội âm nhạc số 1 thế giới. Tomorrowland được tổ chức vào trung tuần tháng 7 tại khu vui chơi De Schorre ở thị trấn Boom, giữa hai thành phố Antwerp và Brussels của Bỉ. Với chủ đề “Câu chuyện của Planaxis”, năm 2018, Tomorrowland đã đưa khán giả đến với thế giới của nước và đại dương thông qua hình tượng chú ốc Planaxis. Đồng hành cùng Planaxis là những chuyến tàu vươn buồm ra khơi, nơi những DJ và nhà sản xuất tài năng sắm vai thủy thủ với sứ mệnh mang âm nhạc kỳ diệu đến với các tín đồ đam mê âm nhạc. Như Coachella, Tomorrowland tất nhiên có sự tham gia của những ngôi sao âm nhạc hàng đầu tiếng tăm như: Alan Fitzpatrick, Martin Garrix, Armand Van Helden, Pan Pot, Nervo, Steve Aoki… biểu diễn trên 77 sân khấu của lễ hội.

Dĩ nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh, ánh sáng, truyền hình… các lễ hội như Coachella hay Tomorrowland càng hoành tráng hơn và càng lan tỏa hơn.

Màn bạc thiên về siêu anh hùng

Năm 2018, giới điện ảnh vẫn tiếp tục kiếm hàng tỷ USD nhưng chủ yếu với các tên phim vốn trước đây là “bom tấn”. Cụ thể hơn, Hollywood và các hãng phim châu Âu tiếp tục cho ra mắt các tập tiếp theo của những bộ phim vốn ăn khách mà giờ đây cần tới hỗ trợ của kỹ xảo và truyền thông để kéo khách đến rạp.

Có ý kiến cho rằng Hollywood cạn chất xám để cho ra đời những bộ phim độc lập, nặng ký hơn nhưng đó chỉ là ý kiến của người ngoài cuộc. Hollywood vẫn kiếm tiền tốt. Với việc nhượng quyền, sản xuất phim nhiều tập hay phim về siêu anh hùng được công nghệ hỗ trợ, ít nhất doanh thu của Hollywood cũng tăng 10% so với năm 2017. Một giấc mơ của điện ảnh nhiều nước.

Ra mắt trong năm 2018, những phim như Black Panther (Báo đen) được cho là mới. Trong khi đó, những phim như Avengers: Infinity War (Biệt đội siêu anh hùng: Cuộc chiến vô cực) hay Mission Impossible-Fallout (Nhiệm vụ bất khả thi-Sụp đổ) vẫn thành công nhưng chỉ là sự tiếp nối thành công của những phần trước đó.

Không rõ vô tình hay đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng mà các phim Hollywood ăn khách năm 2018 chủ yếu tập trung vào chủ đề sắc tộc và siêu anh hùng. Phải chăng thế giới thực hết đề tài? Không hẳn vậy bởi không thiếu gì kịch bản ở đó nhưng lợi nhuận vẫn phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, Hollywood luôn khéo léo trong việc chọn đại diện các châu lục để đưa vào phim với các yếu tố màu da hay chủng tộc để khán giả thấy gần gũi hơn. Chẳng hạn, họ khéo mời những ngôi sao Hoa ngữ trong các phim của mình để hướng tới thị trường hơn một tỷ dân. Đại diện người gốc châu Phi, châu Mỹ Latin… cũng góp mặt đầy đủ trong các phim của Hollywood.

Trong khi đó, điện ảnh châu Âu lại có một năm “thiếu điện” khi cả ba liên hoan phim quốc tế lớn là Berlin, Cannes hay Venice đều không mang đến bất ngờ nào cho khán giả.

THANH HIỀN