Chỉ vài giờ trước khi diễn ra lễ công bố giải Nobel Văn học năm 2021, những cái tên như Anne Carson, Margaret Atwood (Canada) hay Haruki Murakami (Nhật Bản) được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng với tỷ lệ cược khá cao. Tuy nhiên, Công ty cá cược Ladbrokes có trụ sở ở London (Anh) đã thắng đậm khi người giành giải Nobel Văn học năm nay không đến từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ mà đến từ “lục địa đen”. Tiểu thuyết gia người Tanzania, ông Abdulrazak Gurnah, đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh trong buổi trưa 7-10 vừa qua. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Gurnah được vinh danh bởi “sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người di cư trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.

Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, bởi không biết Viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm như thế nào để tìm ra nhà văn thiên tài 73 tuổi này với những tác phẩm đồ sộ và độc đáo đến như vậy. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông Gurnah sinh ra và lớn lên trên đảo Zanzibar (Tanzania) nhưng đến Anh tị nạn vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Từ năm 1980 đến 1982, Abdulrazak Gurnah giảng dạy tại Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, ông chuyển đến Đại học Kent (Anh), dạy Văn học và lấy bằng tiến sĩ năm 1982. Hiện ông giữ học hàm giáo sư.

Nhà văn Gurnah có nhiều bài viết liên quan đến chủ nghĩa thực dân, các quốc gia ở châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa. Ông là tác giả của 10 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn với chủ đề xuyên suốt về những người di cư. Trong số đó, tiểu thuyết “Paradise” (tạm dịch: Thiên đường) phát hành năm 1994 từng lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của hai giải thưởng danh giá là giải Booker và Whitbread Prize. Ngoài ra, tác phẩm “Desertion” (tạm dịch: Sa thải) và “By the sea” (tạm dịch: Đường biển) của ông cũng lọt vào danh sách rút gọn của giải Los Angeles Times Book Award. Trong các tác phẩm của Gurnah, nhân vật thường bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa, và luôn sống trong trạng thái không an toàn mà họ không bao giờ có thể giải quyết được, phải liên tục thay đổi để thích nghi với môi trường mới, dung hòa giữa cuộc sống mới và quá khứ. “Các tiểu thuyết của nhà văn Gurnah đều tráng lệ, khiến người đọc mở rộng tầm mắt về nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới”, Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel nhận xét.

leftcenterrightdel
 Tiểu thuyết gia người Tanzania, ông Abdulrazak Gurnah. Ảnh: FT

 

Được tổ chức từ năm 1901, đến nay, giải Nobel Văn học đã vinh danh 117 cá nhân, trong đó có 111 tác giả nam và 16 cây bút nữ. Trong gần 10 năm qua, các tác giả phương Tây thống trị giải Nobel Văn học, điều này khiến nhiều người nghi ngại về tính đa dạng địa lý của giải thưởng. Thậm chí, giải Nobel Văn học năm 2018 đã không được trao sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến làn sóng #MeToo (chống lạm dụng tình dục). Sự kiện trên thổi bùng lên dư luận về việc ưu tiên các ứng cử viên là nam giới và có xu hướng “châu Âu hóa” danh sách chủ nhân giải thưởng này. Để xoa dịu dư luận, Viện Hàn lâm Thụy Điển-cơ quan phụ trách giải thưởng giải Nobel Văn học-đã đưa ra nhiều tiêu chí mới, đồng thời cam kết sẽ mang tới một giải thưởng về văn học toàn cầu hơn và bình đẳng giới hơn.

Việc tiểu thuyết gia người Tanzania được vinh danh năm nay đã phần nào giải tỏa mối nghi ngại trên của công chúng, đồng thời hiện thực hóa lời cam kết của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Đây là lần thứ 5 trong 120 năm lịch sử Nobel, Nobel Văn học đến với châu Phi. Trong khi châu Âu sở hữu gần 3/4 số giải Nobel Văn học thì giải thưởng danh giá này chỉ đến châu Á có 4 lần, châu Úc 1 lần, còn châu Mỹ 20 lần. Công chúng bày tỏ hy vọng Viện Hàn lâm Thụy Điển tiếp tục làm việc công tâm để phát hiện ra những thiên tài ở “khu vực bị bỏ quên” trong mùa giải Nobel năm sau.

HOÀNG ĐAN