QĐND - "The Scream" (Tiếng thét) phiên bản năm 1895, bức tranh nổi tiếng của họa sĩ người Na Uy ét-va Mun-xơ vừa được nhà cái Xô-thơ-bai bán với giá 119.922.500USD tại Niu Y-oóc, Mỹ. Với giá cao ngất ngưởng này, "The Scream" đã phá vỡ mọi kỷ lục đấu giá. Trước đó, bức tranh đang giữ kỷ lục là tác phẩm nghệ thuật được trả giá cao nhất là tác phẩm "Nude, Green Leaves, and Bust" (tạm dịch: Khỏa thân, Những chiếc lá xanh và tượng bán thân” của danh hoạ Pi-cát-xô với 106, 5 triệu USD.
 |
Bức tranh “The Scream” năm 1895. Ảnh: Antonk |
Phiên bản này của "The Scream" năm 1895 là một trong bốn bức tranh cùng mang tên “The Scream” do ét-va Mun-xơ vẽ. Nó chưa từng được đưa ra thị trường và chưa bao giờ được triển lãm trước công chúng. Ba bức tranh còn lại thuộc về các viện bảo tàng Na Uy. Trong đó, “The Scream” đầu tiên và nổi tiếng nhất của Mun-xơ, vẽ bằng màu nước vào năm 1893, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Na Uy.
“The Scream” năm 1895 được đưa ra trưng bày từ bộ sưu tập của tỷ phú Na Uy Pi-tơ ôn-xen. Cha ông, ngài Thô-mát ôn-xen là hàng xóm, bạn, đồng thời cũng là người bảo trợ của họa sĩ Mun-xơ. ông đã mua bức tranh trực tiếp từ tay danh họa Mun-xơ khi ông ta vẽ nó.
"The Scream" năm 1895 được vẽ trên bìa carton bằng chất liệu sáp màu, là bức tranh rực rỡ nhất trong bộ tứ "The Scream”, miêu tả một người bịt tai, miệng mở rộng như cất tiếng thét, trời đất xung quanh như đang vần vũ với những nét cọ thể hiện sự kinh sợ. Bức tranh được coi như một biểu tượng của nghệ thuật đương đại, khắc họa xuất sắc sự lo lắng, nỗi sợ hãi luôn hiện hữu trong cuộc sống.
"The Scream" năm 1895 cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính hình tượng nhất thế giới, một trong những kiệt tác của trường phái ấn tượng và hiện đại. Nó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ và cả những bộ phim kinh dị sau này, khi mà kẻ giết người đeo một chiếc mặt nạ với hình khuôn mặt đang la hét. Tuy nhiên, “The Scream” cũng là trung tâm gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về hội họa vì bất đồng ý kiến. Hình người kỳ lạ trong tranh, với hai tay ôm đầu và há miệng kinh hoàng là nguyên nhân làm phát sinh hai luồng ý kiến: Anh ta gào thét hay đang nghe tiếng thét?
Nhìn chung, công chúng không thắc mắc nhiều nhưng những người am hiểu lại liên tục tranh cãi. Những cuộc “khẩu chiến” và “bút chiến” được khuấy động. Đa số ý kiến cho rằng, nhân vật trong tranh đang kêu gào vì quá khiếp sợ. Số còn lại khăng khăng rằng, anh ta đang nghe tiếng thét. Lúc sinh thời, danh họa Mun -xơ cho biết, ông nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh khi đi dạo với bạn bè và thấy bầu trời đỏ như nhuộm máu. ông viết: “Tôi đứng đó, run rẩy vì sợ hãi và như nghe thấy tiếng kêu vô tận xuyên qua bầu trời”.
Mo-ten Gion-đác, một chuyên gia về hội họa Mun-xơ, nói: "Nếu theo những gì Mun-xơ viết, chúng ta biết đó là tiếng thét của tự nhiên. Tôi nghĩ đây là bức tranh khắc họa tiếng kêu của tự nhiên và nhân vật trong tranh là hiện thân của tiếng kêu đó”. Còn Gun-na Xô-ren-sen, Giám đốc Bảo tàng Mun-xơ ở ô -xlô, không nghĩ như vậy: “Đó có thể là tiếng kêu của tự nhiên, hoặc chính con người đang gào thét. Điều này phụ thuộc vào người thưởng thức”.
 |
Danh họa Ét-va Mun-xơ. Ảnh: Antonk |
Ét-va Mun-xơ (1863–1944) trưởng thành tại Thủ đô của Na Uy. Cha ông là một bác sĩ quân đội rất sùng tín và có thu nhập thấp. Mẹ ông hơn chồng đến 20 tuổi và sớm qua đời khi Mun-xơ mới lên 5. Sau đó, lần lượt các anh chị em của ông cũng rời bỏ cuộc sống khi còn rất trẻ. Tình cảnh đó ảnh hưởng rất nhiều đến đề tài sáng tác của họa sĩ này. Bệnh tật, chết chóc và những cơn đau vật vã luôn hiện về trong ký ức và thể hiện trên từng nét vẽ của hoạ sĩ. Mun-xơ theo khoá học nghệ thuật vẽ tranh khoả thân tại trường Hoàng gia và từng được nghệ sĩ bậc thầy của Na Uy, họa sĩ Chrít-ti-an Krốc đào tạo. Những tác phẩm ban đầu của ông chịu ảnh hưởng của trường phái hiện thực Pháp.
Năm 1885, Mun-xơ đến Pa-ri và tạo ra một bước đột phá. Các bức họa của ông bắt đầu tạo được ấn tượng ngay trong cái nhìn đầu tiên và điều này làm ông hứng thú. Khi qua đời, Mun-xơ để lại một số lượng lớn họa phẩm cho thành phố ô -xlô. Vì thế, Bảo tàng Mun -xơ đã được xây dựng năm 1963 nhằm mục đích trưng bày tác phẩm hội họa, văn chương và các tài liệu viết về những giai đoạn sáng tác của họa sĩ.
Nguyễn Văn Toàn