QĐND - Hai con người xa lạ, hai hoàn cảnh khác biệt, đã trở thành biểu tượng cho một tình bạn vĩ đại và cảm động, gắn quyện tình đồng chí sắt son, chung thủy. Để rồi sau này, khi nói về tình bạn giữa Các Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin đã viết: “Những chuyện cổ tích thường kể lại những tấm gương cảm động về tình bạn. Giai cấp vô sản ở châu Âu có thể nói rằng, khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sĩ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người”.

Cuộc gặp mặt lịch sử

Các Mác sinh ngày 5-5-1818 tại Tri-ơ (Trier), Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức), trong một gia đình gốc Do Thái. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Tri-ơ vào mùa thu năm 1835, ông vào Trường Đại học Bon (Bonn) theo học Luật. Mác quan tâm đến nghiên cứu triết học và văn học nhưng cha ông không cho phép điều đó vì không tin rằng ông sẽ sống sung túc trong tương lai nếu làm một học giả. Những năm tiếp theo, cha của Mác buộc ông chuyển sang Trường Đại học Phri-đrích Uyn-hem (Friedrich-Wilhelms) ở Béc-lin (Berlin). Khi đó, Mác viết nhiều thơ và tiểu luận liên quan đến cuộc sống, sử dụng ngôn ngữ triết học. Trong suốt giai đoạn này, ông tiếp thu triết học vô thần của những người Hê-ghen (Hegel) cánh tả. Mác đạt học vị tiến sĩ năm 1841 với luận án mang tiêu đề: "Sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Ê-pi-cu-rút (Epicurus) với triết học tự nhiên của Đê-mô-cri-tút (Democritus)".

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Ba-rơ-men, miền Rê-na-ni, Vương quốc Phổ. Cuối năm 1842, ông sang Anh và sống ở thành phố công nghiệp dệt Man-chét-xtơ. Tại đây, Ph.Ăng-ghen đã tập trung nghiên cứu đời sống kinh tế - chính trị nước Anh, trực tiếp tham gia phong trào công nhân mới. Chứng kiến sự khổ cực của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, năm 1844, ông đã viết tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”. Trong đó, Ph.Ăng-ghen miêu tả một cách chân thực, sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ông được coi là người đầu tiên phát hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng người lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột. Trước khi gặp C.Mác, ông đi sâu nghiên cứu và xuất bản cuốn “Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị” (1843), chỉ rõ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản. Đó là những tác phẩm khởi thảo về khoa học chính trị, kinh tế học của giai cấp vô sản, được Các Mác đánh giá rất cao. 

Các Mác (trái) và Ph.Ăng-ghen.  Ảnh tư liệu

Lần đầu tiên Ph.Ăng-ghen gặp Các Mác là cuối tháng 11-1842, khi ông qua Anh thăm bộ biên tập tờ báo Sông Ranh. Trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy, hai người còn tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, Các Mác đã đánh giá cao Ph.Ăng-ghen với tư cách là thông tín viên ở Anh của tờ báo. Những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen gửi cho tờ Niên giám Pháp - Đức đã chỉ cho Các Mác thấy rằng, con đường phát triển tư tưởng của Ph.Ăng-ghen thống nhất với con đường của mình.

Tháng 8-1844, tại Pa-ri, Pháp, Các Mác và Ăng-ghen gặp nhau lần thứ hai. Không giống như lần gặp mặt đầu tiên, lần này, hai người đã đọc của nhau một cách rất cẩn trọng nên đã "yêu nhau vì nết, trọng nhau vì tài". Sau này, Ăng-ghen đã kể lại: "Vào mùa hạ năm 1844, khi tôi đến thăm Các Mác ở Pa-ri, chúng tôi thấy mình hoàn toàn nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề lý luận và chính từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu cộng tác với nhau".

Một tình bạn vĩ đại

Cuộc gặp gỡ ở Pa-ri đã cho thấy sự thống nhất hoàn toàn về tư tưởng giữa Các Mác và Ph.Ăng-ghen. Ph.Ăng-ghen thấy rõ vai trò của Các Mác trong sự phát triển những tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, ông rất khâm phục tài năng phi thường của Các Mác. Còn Các Mác đã tìm được ở Ph.Ăng-ghen một người đồng tư tưởng và một người bạn trung thành, một người trợ lực không thể thay thế trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và trong đấu tranh cách mạng. Thực tế, Ph.Ăng-ghen đã tận tụy giúp đỡ Các Mác cả về vật chất lẫn tinh thần. Hai ông tâm đầu ý hợp với nhau về mọi vấn đề và đã viết chung với nhau nhiều tác phẩm, điển hình là các tác phẩm: “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”… Ph.Ăng-ghen luôn coi Các Mác là một thiên tài, hơn hẳn mình một cái đầu, cho nên học thuyết cách mạng của hai ông lấy tên là chủ nghĩa Mác là xứng đáng với công lao sáng tạo của Các Mác.

Năm 1847, Đại hội “Liên đoàn những người cộng sản” đã ủy nhiệm cho Các Mác và Ph.Ăng-ghen cùng soạn thảo bản “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Đây là một văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng, trở thành vũ khí lý luận, tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị xã hội của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. Nội dung chủ yếu của tác phẩm này gồm những vấn đề liên quan đến cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, đó là: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Với thái độ khách quan, khoa học, hai ông đã trình bày một cách sâu sắc những tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; chỉ rõ vai trò của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu để giai cấp vô sản và nhân dân lao động hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng thời chứng minh tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa và việc thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ sở hữu xã hội mà trước hết là chế độ sở hữu nhà nước (chế độ sở hữu toàn dân); trình bày cương lĩnh kinh tế cải tạo xã hội chủ nghĩa; phân tích có tính phê phán các quan điểm tư sản, cải lương, xét lại… Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động ý thức được vai trò lịch sử của mình, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học. Đồng thời, đánh dấu tình bạn mẫu mực của hai nhà bác học, hai chiến sĩ cách mạng kiên cường đã sáng tạo nên một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học mang tầm vượt thời đại, tạo bước ngoặt, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chuyển từ tự phát tới tự giác và làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.

Suốt cuộc đời Các Mác đã được Ăng-ghen hy sinh, giúp đỡ cả gia đình ông về vật chất cũng như tinh thần. Nếu không có sự giúp đỡ hết lòng của Ăng-ghen thì Các Mác khó có điều kiện vật chất để hoàn thành những tác phẩm đồ sộ của mình. Vì dành hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng nên gia đình Mác gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu trong cuộc sống. Những lúc ấy, Ăng-ghen luôn là người tận tình giúp đỡ Mác. Ngày 3-2-1845, Mác bị trục xuất khỏi Pa-ri giữa lúc nguồn tài chính của gia đình cạn kiệt, vì trước đó, Mác đã bỏ tiền ra mua vũ khí cho một cuộc khởi nghĩa. Được tin, Ăng-ghen đã tất bật tìm cách quyên tiền từ các bạn bè, đồng chí để giúp gia đình Mác vượt qua hoạn nạn. Những năm tiếp theo, Các Mác vẫn luôn ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hằng ngày. Để bạn hoàn thành sự nghiệp, Ăng-ghen đã cam chịu làm thư ký trong hãng buôn của cha mình (một công việc mà ông vô cùng chán ghét) suốt 20 năm để lấy tiền giúp Mác. Vì quá khó khăn, trong thời gian viết bộ “Tư bản”, Mác còn phải viết bài cho các báo để có tiền chi tiêu. Rất nhiều đêm, Ăng-ghen thức đến tận 2 giờ sáng viết bài thay Mác để đăng kịp các số báo mà Mác cộng tác. Những bài báo đó của Ăng-ghen luôn có nội dung khoa học sâu sắc, hấp dẫn độc giả và đều mang tên Mác. Cũng vì để Mác có thời gian viết bộ “Tư bản” nên tất cả gánh nặng của cuộc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác đều trút lên vai Ăng-ghen. Tiêu biểu là cuộc luận chiến chống Đuy-rinh. Trong các bài viết, Ăng-ghen đã phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và xã hội. Với nội dung khoa học sâu sắc, lý lẽ sắc bén, Ăng-ghen đã đập tan sự xuyên tạc của Đuy-rinh, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. 

Ngày 14-3-1883, Các Mác qua đời khi công trình khoa học đồ sộ nhất của ông là bộ “Tư bản” mới xuất bản được quyển I, còn lại là hàng nghìn trang bản thảo với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc.

Các Mác qua đời khiến Ăng-ghen đau buồn vô hạn. Bạn bè thấy sức khỏe ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng đều khuyên ông đi đây đó cho khuây khỏa. Thế nhưng Ăng-ghen quyết định không đi đâu cả. Ông muốn ở lại Luân Đôn để chỉnh lý, xuất bản những quyển sau của bộ “Tư bản” của Các Mác và cho rằng, đó là kỷ niệm tốt nhất đối với người bạn cũ. Ông cũng cho đó là trách nhiệm không thể thoái thác được của mình.

Quyển II của bộ “Tư bản” có 4, 5 tập bản thảo đang sửa chữa, trong đó chỉ có tập thứ 1 đã sửa chữa xong, các tập khác chỉ mới bắt đầu. Chữ ở bản thảo viết rất khó xem. Có từ viết tắt, có câu chỉ có mấy chữ cái, hơn nữa lại viết bằng tiếng Anh, tiếng Đức và cả tiếng Pháp. Muốn chỉnh lý di cảo này phải mất rất nhiều công sức. Nhưng Ăng-ghen không nghĩ tới điều đó. Ông gác “Phép biện chứng tự nhiên” mà ông đang viết lại, dốc toàn bộ sức lực vào công việc này. Bước thứ nhất, Ăng-ghen nhận cho ra chữ viết trong các bản thảo của Mác và sao chép lại. Đây là một công việc vừa tốn tâm sức, vừa mất thời gian. Ăng-ghen viết trong thư gửi một người bạn: “Trong những người bây giờ đang còn sống, chỉ tôi mới có thể nhận ra chữ của Mác và cách viết tắt những chữ cá biệt cũng như cả những câu trọn vẹn”.

Lúc này, Ăng-ghen đã hơn 60 tuổi. Ông cật lực làm việc suốt ngày đêm nên cuối cùng bị ốm nặng. Bác sĩ chẩn đoán và nghiêm cấm ông làm việc ban đêm. Về sau lại cấm ông làm việc cả ban ngày. Sự thật thì Ăng-ghen cũng không còn có thể ngồi để viết được nữa. Thế là Ăng-ghen đổi cách làm việc. Ông thuê một người hằng ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều đến ghi chép, còn ông thì nằm trên ghế sô-pha xem bản thảo và đọc. Buổi tối, Ăng-ghen thẩm tra lại bản ghi chép trong ngày.

Khi bản thảo của Các Mác được sao chép lại, Ăng-ghen tiến hành bổ sung, chỉnh lý, sau đó phân chương mục, sửa chữa về chữ nghĩa. Qua hơn 1 năm cố gắng, cuối cùng công việc chỉnh lý bản thảo quyển II của bộ “Tư bản” đã hoàn thành. Tháng 7-1885, tác phẩm này chính thức xuất bản.

Trong quá trình chỉnh lý quyển III, Ăng-ghen vấp phải nhiều khó khăn hơn. Khi viết quyển này, Các Mác đã mắc nhiều bệnh, do đó một số chương, mục chỉ được viết theo kiểu đại ý hoặc ghi lại một số tài liệu. Hơn nữa, Ăng-ghen phải căn cứ vào mạch suy nghĩ của Các Mác để viết nốt từng chương, từng mục còn bỏ trống. Vì thế, mãi đến năm 1894, quyển III bộ “Tư bản” mới chính thức ra mắt.

Để chỉnh lý xuất bản di cảo quý báu của Các Mác, Ăng-ghen đã làm việc mất 12 năm. Đây là sự giúp đỡ về lý luận lớn nhất trong những năm cuối đời của ông đối với phong trào công nhân quốc tế. Có lần, Ăng-ghen viết thư cho bạn: “Muốn chỉnh lý di cảo của một người gọt dũa từng chữ như Mác thì phải bỏ ra nhiều công sức. Nhưng đó là công việc mà tôi yêu thích vì tôi lại được cùng ở bên cạnh người bạn cũ của tôi”.          
(Tài liệu tham khảo: “V.I.Lênin: Toàn tập”, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978; “Tình đồng chí”, Tạp chí Xây dựng Đảng số 11).

VŨ ANH HOÀI