Nhiều năm qua, Đan Mạch liên tục đứng ở tốp đầu những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Các năm: 2012, 2013 và 2016, quốc gia Bắc Âu này đứng đầu bảng trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới do Liên hợp quốc thực hiện. Vì vậy, Đan Mạch được xem là một trong những quốc gia kiểu mẫu về hạnh phúc. Trong khi đó, đây không phải là một nơi có khí hậu lý tưởng, bởi mùa đông ở Đan Mạch có thời lượng mặt trời chiếu sáng rất ngắn, chỉ khoảng vài tiếng, trong khi mặt trời là một yếu tố tự nhiên quan trọng tác động tới cảm giác vui vẻ của con người.

Hãy chậm lại để tận hưởng hạnh phúc! Ảnh: NBCnews

Để tạo nên một “quốc gia hạnh phúc”, người Đan Mạch có một bí quyết mang tên “Hygge”. “Hygge”, theo cách dễ hiểu nhất là sự theo đuổi niềm vui, hạnh phúc trong đời sống, theo những cách đơn giản nhất mà ai cũng có thể thực hiện. “Hygge” khuyến khích mỗi người tìm ra niềm vui nhỏ, đến từ việc tránh xa khỏi những ồn ào, huyên náo, hỗn loạn từ cả ngoại cảnh và nội tâm. Theo lý giải của nữ tác giả-chuyên gia thiết kế nội thất người Anh-Charlotte Abrahams trong cuốn sách có tên “Hygge: A celebration of simple pleasures, living the Danish way” (tạm dịch: Hygge: Sống hạnh phúc với những niềm vui giản dị, sống theo cách của người Đan Mạch). “Hygge” là một khái niệm đã tồn tại ở Đan Mạch từ thế kỷ 18. Nghĩa nguyên bản của “Hygge” là “hãy khiến chính mình vui lên, vượt lên những buồn bực, khó chịu thường ngày và tìm cho một mình góc riêng tĩnh lặng, ấm áp”.

Trải qua hàng trăm năm, “Hygge” đã trở thành phong cách sống của người dân Đan Mạch. Khoảng hai năm trở lại đây, “ghen tị” với niềm hạnh phúc của người Đan Mạch, nhiều nhà xuất bản châu Âu đã cho ra đời hàng loạt sách hướng dẫn cách sống theo phong cách “Hygge”. Các cuốn sách về “Hygge” đều khuyên người đọc hãy dịu dàng với mọi thứ quanh mình: Hãy thưởng thức vị ngọt của chiếc bánh! Hãy cảm nhận hơi ấm của tách trà, sự êm ái của chiếc giường, bữa tối bên người thân yêu, sự mát lịm của một ly kem, khoảnh khắc chơi bên con, giây phút ngồi đọc sách, sự thảnh thơi của một cuộc đi dạo… “Hygge” không đòi hỏi bất cứ điều gì, người ta không cần phải từ bỏ thói quen gì hay phải cố gắng quá nhiều để đạt được kết quả. “Hygge” nhấn mạnh những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, khiến người ta dừng lại, chậm lại đôi chút trong cuộc sống thường nhật để quan tâm, vỗ về chính mình, trân trọng những khoảng lặng. “Hygge” tồn tại khắp mọi nơi trong đời sống xã hội Đan Mạch. Ngôi nhà nào ở quốc gia Bắc Âu này cũng có nến và cũng hay thích thắp nến. Nhà nào cũng thường tự làm bánh ngọt, tự rang xay cà phê… Các gia đình thường ở bên nhau và luôn sống ấm áp, dịu dàng với chính mình trước tiên.

Cũng đem lại được hạnh phúc trong cuộc sống như “Hygge” nhưng lối sống tối giản của người Nhật Bản lại có đôi chút khác biệt. Mới đây, một tác giả người Nhật có tên Fumio Sasaki đã cho ra mắt một cuốn sách về lối sống tối giản. Đó là cuốn “Goodbye, things” (tạm dịch: Tạm biệt đồ đạc) kể về cuộc sống tối giản của chính tác giả, khi tất cả đồ đạc của anh chỉ gồm một tấm đệm, 3 áo sơ mi, 4 đôi tất… Sau khi quyết định “tạm biệt đồ đạc”, chỉ giữ lại những gì thật sự thiết yếu, không thể thiếu cho cuộc sống thường nhật, Fumio bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Theo Fumio, tối giản là một phong cách sống giảm số lượng đồ đạc trong nhà xuống tới mức ít nhất có thể, chỉ để lại những gì cần thiết nhất giúp đưa lại niềm vui có được căn phòng gọn gàng, sự dễ chịu khi lau dọn nhà nhanh chóng...

Trong một thế giới ngày càng có nhiều biến động khó lường, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, khi thế giới trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết, con người trở nên bối rối trước những cơn bão thông tin. Việc để mỗi con người có được một tâm thế yên bình, hạnh phúc không phải chuyện đơn giản. Làm sao để cân bằng được giữa ngoại cảnh và nội tâm là bài toán tâm lý mà rất nhiều chuyên gia xã hội học, tâm lý học không ngừng tìm cách giải.

HOÀNG OANH (theo Familyday)