Năng nổ tự thời trai

Yegor Ligachev sinh ngày 29-11-1920 trong một gia đình nông dân thuộc tỉnh Tomsk. Ông bắt đầu cuộc đời lao động tại nhà máy sản xuất máy bay ở Novosibirsk với vai trò một kỹ sư công nghệ và dần dà trưởng thành lên tới chức trưởng phòng kỹ thuật. Năm 1943, Ligachev tốt nghiệp Trường Đại học Hàng không Moscow theo chuyên ngành chế tạo máy bay. Năm 1944, ông vào Đảng Cộng sản rồi sau đó một năm chuyển sang phụ trách hoạt động thanh niên. Công tác đoàn Komsomol đã ảnh hưởng rất đậm nét tới phong cách làm việc của ông suốt cả cuộc đời... Tới năm 1958, ông đã là bí thư quận ủy một quận của thành phố Novosibirsk. Một năm sau đó, ông được bầu làm Bí thư Thành ủy Novosibirsk...

 Ông Yegor Ligachev. Ảnh: Sputnik 

Tác phong năng nổ và tính cách kiên định đã giúp Ligachev từ năm 1961 tới 1965 được đưa lên Moscow làm việc trong cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Liên Xô với vai trò Phó ban Tuyên giáo Trung ương (TW) phụ trách khu vực nước Cộng hòa Liên bang Nga. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông bày tỏ nguyện vọng muốn lao mình vào thực tế, ở một trong những khu vực khó khăn nhất của Liên bang Xô viết là quê hương ông. Thế là từ năm 1965, Ligachev giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Tomsk. Và ông đã trụ được ở vị trí này 17 năm, cho tới năm 1983. Và theo nhận xét của những đồng chí cùng làm việc, ông đã duy trì được uy tín cao cả ở trong Đảng lẫn nhân dân. Trong thời gian ông ngồi vị trí “cầm chịch” tại Tomsk, ở đây đã thực hiện được không chỉ một dự án tối quan trọng cho sự phát triển của địa phương này, thí dụ như tổ hợp dầu hỏa hóa học, nhà máy chế biến gia cầm, đê ngầm, hệ thống xe bus điện, khách sạn Tomsk, sân bay Bogashovo, Cung giải trí và thể thao, cầu qua sông Tom, Nhà hát kịch... Về sau ông nói: “Đó là giai đoạn hạnh phúc nhất trong tiểu sử của tôi. Đó là sự đổi đời của xứ Siberi Xô viết, dẫu rằng giờ đây có ai đấy lại gọi đó là giai đoạn trì trệ”. Chính trong cái gọi là “giai đoạn trì trệ” đó, Tomsk đã có những phát triển vượt bậc. Không ngẫu nhiên mà cho tới hôm nay, nhiều người ở Tomsk vẫn nhớ tới ông Ligachev với sự biết ơn-chính trong thời ông nắm quyền lãnh đạo ở đây, Tomsk từ một nơi có thể gọi là “khỉ ho cò gáy” đã trở thành một trong những trung tâm chiến lược quan trọng hàng đầu của Liên bang Xô viết... Ông Ligachev được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) TW Đảng từ năm 1976. Cho tới bây giờ, ông vẫn được đánh giá là một trong những nhà quản lý địa phương có hiệu quả nhất trong chế độ Xô viết...

Mắt xanh vẫn lẫn

Năm 1983, theo đề nghị của chính tân Tổng Bí thư lúc đó là cựu Chủ tịch KGB Yuri Andropov, ông Ligachev được đưa về Moskva và đảm nhận cương vị Trưởng ban Tổ chức TW. Ngày 26-12 cùng năm, ông được bầu làm Bí thư BCH TW Đảng... Tổng Bí thư Andropov trong thực tế đã biến ông Ligachev thành người thực thi chính yếu những ý định của mình trong công tác cán bộ với những quyết sách mang tính đột phá, xây dựng đội ngũ nhân sự mới thích ứng với cá nhân mình hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, tới đầu năm 1985, với sự năng nổ vốn có của mình, ông Ligachev đã đưa về hưu tới 40% các trưởng ban đảng ở Trung ương và các lãnh đạo tổ chức đảng ở nhiều khu vực... Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong công tác cán bộ, không phải lúc nào tinh thần Komsomol cũng đắc dụng vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự thận trọng, chậm rãi và sâu sắc nhiều hơn...

Thế rồi, do sức khỏe yếu, ông Andropov đã qua đời quá nhanh (9-2-1984). Vị Tổng Bí thư tiếp theo là Konstantin Chernenko cũng không cầm quyền được lâu vì khi lên nhậm chức đã ở độ tuổi “cổ lai hy” và ông qua đời ngày 10-3-1985. Một ngày sau đó, 11-3-1985, nhà chính trị trẻ trung Mikhail Gorbachev đã trở thành Tổng Bí thư với sự ủng hộ khá nhiệt thành của Trưởng ban Tổ chức Ligachev. Và gần như ngay lập tức, tháng 4-1985, ông Ligachev đã được bầu vào Bộ Chính trị...

Trong giai đoạn từ năm 1985 tới 1988, ông Ligachev trên cương vị Bí thư BCH TW phụ trách về lĩnh vực tư tưởng, trong thực tế đã là nhân vật có quyền lực thứ hai trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Và cho tới năm 1988, ông đã là một trong những nhân vật chủ chốt khởi xướng công cuộc cải tổ (perestroika)...

Sai lầm chính yếu trong đời

Cũng phải nói rằng, chính ở giai đoạn đó, ông Ligachev đã có những cất nhắc cán bộ không chuẩn, đặc biệt là trong trường hợp của Boris Yeltsin. Về sau, chính ông đã gọi đó là sai lầm chính trị cốt tử của cuộc đời mình...

Theo lời kể của ông Nikolai Ryzhkov, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ tháng 9-1985 tới tháng 1-1991, khi Boris Yeltsin còn là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Sverdlovsk, thái độ của Ban Bí thư Đảng đối với ông ta rất dè chừng. Thế nhưng, Ligachev lại coi ông ta là ứng cử viên chuẩn vào chức Trưởng ban Xây dựng của BCH TW: Lúc đó có kế hoạch đầy tham vọng là sẽ bảo đảm cho tới năm 2000, mỗi gia đình công dân Xô viết có được một căn hộ riêng. Thoạt tiên, Yeltsin nhận được giấy mời từ Bí thư BCH TW phụ trách về công nghiệp nặng, Vladimir Dolgikh. Tuy nhiên, Yeltsin từ chối vì với ông ta, chức vụ ấy có vẻ như không xứng tầm... Thấy vậy, đích thân Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã xuống Sverdlovsk, theo một quyết định của Bộ Chính trị. Khi gặp gỡ, ông Ligachev đã phải “dọa” vị tổng thống tương lai của nước Nga rằng nếu không chấp thuận lệnh điều động của Bộ Chính trị thì sẽ mất thẻ Đảng...

Và rồi cũng chính ông Ligachev đã giúp Yeltsin trở thành Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow vào tháng 12-1985. Cũng theo lời kể của ông Nikolai Ryzhkov, ngay từ tháng 5-1985, khi ông Ryzhkov còn làm việc trong bộ máy BCH TW, Tổng Bí thư Gorbachev gọi điện thoại tới ông và mời đến văn phòng của ông ta trên Quảng trường Cũ. Vào đó, ông thấy có cả ông Ligachev. Tổng Bí thư Gorbachev nói: “Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến của anh. Anh biết không, anh Grishin chuẩn bị rời khỏi Thành ủy Moscow. Chúng tôi đang muốn tìm người thay thế. Và muốn đề bạt Boris Yeltsin. Anh hãy cho biết ý kiến của anh. Dẫu sao anh cũng là đồng hương của anh ấy”. Và ông Ryzhkov đã trả lời: “Tôi biết rõ Yeltsin từ cuối những năm 60 và tôi nghĩ, hai anh đang phạm phải sai lầm”. Và tôi nói thêm với ông Ligachev: “Anh Yegor, lỗi là ở anh. Anh đã đưa anh ta lên Moscow”. Và ông Ryzhkov đã nhắc lại với ông Ligachev mọi chuyện: “Như một thợ xây thì Yeltsin rất quý. Lẽ ra anh phải đưa anh ta lên làm Bộ trưởng Xây dựng. Đằng này anh lại đưa anh ta vào BCH TW. Hãy dừng lại đi! Không bao giờ được đưa Yeltsin về Thành ủy Moscow. Anh ta sẽ vươn lên nắm quyền. Rồi các anh sẽ nhớ lại cuộc nói chuyện này...”. Tuy nhiên, quan điểm của ông Ryzhkov đã không được chấp nhận...

Được sự ủng hộ của ông Ligachev, hai tháng sau khi trở thành Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow, tới tháng 2-1986, tại Đại hội lần thứ XXVII của Đảng Cộng sản Liên Xô, Yeltsin đã trở thành Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị...

Quả thực là không lâu sau đó, Yeltsin đã bộc lộ rõ bản chất của mình. Ngày 21-10-1987, chính Yeltsin tại Hội nghị BCH TW đã to tiếng phê phán phong cách làm việc của một số ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có Yegor Ligachev, cũng như tốc độ cải tổ chậm và cái gọi là sùng bái cá nhân Mikhail Gorbachev rồi yêu cầu cho mình ra khỏi vị trí Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị... Tại Hội nghị lần thứ XIX của BCH TW, tháng 6-1988, Yeltsin lại tiếp tục những trò tấn công đó nhằm vào ban lãnh đạo Đảng và cá nhân ông Ligachev, chê bai những người như ông là bảo thủ, là “khủng long”. Nhiều người im lặng nhưng trước những phần tử cơ hội như Yeltsin, ông Ligachev đã giận dữ phát biểu: “Boris, anh sai rồi!.. Anh nói rằng tôi là loại khủng long đang dần tuyệt chủng phải không? Là voi mamút phải không? Sao anh lại không nghĩ tới việc sau thời đại của khủng long là bắt đầu thời đại của chuột nhắt? Các anh rồi đây sẽ phải tiếc nhớ chúng tôi, những con khủng long!”.

Sau này, ở thời “hậu cải tổ”, nhớ lại quá khứ, ông Ligachev đã thẳng thắn tuyên bố: “Tôi bây giờ vẫn như trước kia, khi còn ở trong ban lãnh đạo chính trị của đất nước, tin tưởng rất chắc chắn là, cải tổ là một công việc cần thiết và có thể thực hiện được. Nhưng cải tổ cần không phải để xóa bỏ hệ thống Xô viết mà là để hoàn thiện nó. Những kẻ đã làm tan rã LB Xô viết bây giờ cứ nói rằng, hệ thống Xô viết không thể cải thiện được và cần phải thay thế nó. Họ nói vậy chỉ để biện bạch cho sự phản bội của họ. Vai trò tai hại trong việc làm tan rã đất nước là ở những phe nhóm, bè phái, trào lưu đã nảy sinh ra trong Đảng. Và có lẽ điều chủ yếu là sự tha hóa về chính trị của một nhóm lớn các nhà lãnh đạo, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, sự có mặt trong các cơ cấu chính quyền và Đảng ở các nước cộng hòa thành viên những phần tử cơ hội chủ nghĩa, những phần tử ly khai dân tộc chủ nghĩa...”. Và ông tâm sự: “Tôi bây giờ vẫn cảm thấy cay đắng vì thất bại, cay đắng vì sự tan rã của Đảng của chúng ta, cay đắng vì sự tan rã của Tổ quốc tôi, đất nước tôi. Nhưng tôi muốn nói với quý vị rằng, khi những chuyện như thế đã xảy ra, tôi đã thề là không đổ thêm tro lên mái đầu mình nữa, mà sẽ cố gắng trong bất cứ hoàn cảnh nào, tập trung lại toàn bộ sức lực và để cuối cùng vẫn lấy lại được chính quyền nhân dân, lại đưa đất nước về với con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, lại thành lập một quốc gia liên bang của các dân tộc Xô viết anh em”.

ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN