QĐND - Lần đầu tiên giải chạy địa hình Vietnam Mountain Marathon (VMM) diễn ra tại Sa Pa (Lào Cai) có cự ly siêu marathon 100km. Với dân trong nghề, đây là thách thức cực lớn nhưng đồng thời cũng là trải nghiệm để đời.
Để chuẩn bị cho VMM 2016 diễn ra vào ngày 24, 25-9 tới, rất nhiều vận động viên (VĐV) Việt Nam đã đăng ký tham dự. Ở TP Hồ Chí Minh, một số bạn trẻ đã cất công tới An Giang, nơi có dãy núi Thất Sơn để luyện tập. Phải di chuyển hàng trăm cây số xa xôi như vậy để tập là bởi ở gần TP Hồ Chí Minh không có địa điểm nào có địa hình tương đối giống như Sa Pa.
Với dân trong nghề hay với VĐV mới tập chạy, VMM luôn là cuộc thi đáng để thử sức. Lần đầu tiên giải tổ chức vào năm 2013, ngạc nhiên khi cự ly 10km không có VĐV Việt Nam nào đăng ký tranh tài. 18 VĐV Việt Nam lần đầu dự giải năm 2013 đã chọn cự ly 21km, 42km và 70km để đua tranh với bạn bè quốc tế. Như thường lệ, cự ly 21km có vẻ “dễ thở” hơn nên luôn thu hút được đông đảo VĐV đăng ký. Năm 2016, cự ly này có 503 người đăng ký tham dự, cự ly 10km có 354 người tranh tài và cự ly 42km có 414 người dự giải. Đáng chú ý, hai siêu cự ly 70km và 100km có tổng cộng 210 người đăng ký.
Theo Ban tổ chức VMM 2016, cung đường chạy cự ly 70km là: Topas Ecolodge - Sử Pán - thung lũng Mường Hoa qua Tả Van, Lao Chải, Cát Cát - Sín Chải - theo đường nhỏ lên Ô Quy Hồ - Bản Khoang - Tả Phìn - Má Tra - cầu 32 (Quốc lộ 4D) - thung lũng Sâu Chua, Hang Đá (xã Hầu Thào) - Sử Pán 1 - dọc sườn núi Bạc - thôn Lếch - Topas Ecolodge.
 |
VĐV giúp đỡ nhau trên đường chạy VMM. Ảnh: VMM |
Trao đổi với chúng tôi, HLV điền kinh Lưu Văn Hùng (Thanh Hóa), người từng huấn luyện những tuyển thủ điền kinh hàng đầu quốc gia cho biết: “70km là một cự ly rất khó, không dành cho những người còn thiếu kinh nghiệm. Để có thể tham gia cự ly này, người chơi phải ít nhất từng hoàn thành cự ly chạy 42km tại VMM các năm trước, hoặc cự ly tương đương ở một giải chạy địa hình khác. Lưu ý, những ai hoàn thành cự ly chạy 70km dưới đồng bằng không được chủ quan khi tham dự chạy 70km ở VMM, vì chạy ở Sa Pa là nơi có địa hình phức tạp, rất dễ lấy sức của VĐV”.
Tuyển thủ quốc gia Thanh Phúc (đi bộ thể thao) tư vấn: “Bạn không nên chạy quá nhanh trong những cây số đầu tiên ở VMM. Việc chạy cuốn, gắng sức bám theo các VĐV quốc tế chạy tốp đầu, những người vốn đã chinh chiến nhiều giải đấu có thể khiến bạn hụt hơi sớm. Điều quan trọng là phải biết phân phối sức thật hợp lý. Khi bạn liên tục vượt dốc quá dài hay quá cao, tim phải hoạt động với cường độ lớn khiến bạn cảm thấy khó thở. Hãy thay đổi, kết hợp các biện pháp một cách linh hoạt giữa chạy và đi bộ để chân có thời gian nghỉ ngơi, nhịp tim hoạt động ổn định trở lại. Những VĐV mới lần đầu tham dự VMM chú ý giữ nhịp điệu và duy trì tốc độ, cần đi bộ một cách chủ động, nhanh, bằng cách kết hợp với thân trên. Nếu bạn chạy hoặc đi bộ khi leo dốc theo nhịp điệu, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, bạn có thể đếm từ 1 đến 5, sau 1 hoặc 2 bước chân, rồi cứ thế lặp lại. Đây vừa là biện pháp mang tính kỹ thuật giúp nhịp thở đều theo nhịp đếm, vừa là mẹo tâm lý để bạn vượt qua chướng ngại vật”.
 |
VĐV chạy qua bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại VMM. Ảnh: David W Lloyd |
Với dân trong nghề, tinh thần là yếu tố vô cùng quan trọng để tham gia những giải đấu như VMM. Bác Trần Quang Thái (ở ngõ Thanh Miến, Hà Nội) vốn chạy marathon lâu năm cho hay: “VMM là giải đấu rất khó chơi. Cảnh Sa Pa đẹp nổi tiếng nhưng theo tôi, dự VMM ít người có thời gian để ngắm cảnh. Khi bạn mệt hoặc đuối sức, cảnh vật xung quanh không có nghĩa lý gì. Lúc đó, bạn sẽ cần nước uống, hoa quả ăn cho hồi sức. Gặp chướng ngại vật như đồi núi cao trước mặt, bạn cần vượt dốc với tinh thần thoải mái. Đừng tỏ ra yếu đuối, vật vã, đau khổ với con dốc, vì làm như vậy có thể bạn sẽ khiến người khác bị ảnh hưởng. Chạy địa hình nói chung và leo dốc nói riêng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả cơ thể. Bạn càng linh hoạt thì thể lực càng được duy trì lâu. Những con dốc dù cao đến mấy cũng không còn trở nên đáng ngại đối với bạn nữa nếu bạn đã thực sự sẵn sàng chinh phục thử thách”. “Vậy bác có tham dự VMM không?”-tôi hỏi. “Ôi trời, nhà tôi ngăn dữ quá, chứ không thì tôi đã đăng ký tham dự từ lâu rồi. Nhà tôi bảo tuổi như tôi có lẽ chỉ hợp với cự ly 10km thôi. Nói vậy thì xem nhẹ tôi quá. Thực ra, nhà tôi muốn vợ chồng đợt tới vào Đà Nẵng, vừa là để thăm thú cảnh đẹp, vừa là để hòa mình vào không khí của Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5-2016, tôi thấy thế cũng có lý”, bác Thái vui vẻ cho biết.
Ban tổ chức VMM 2016 đã gửi thông tin sau đến những người dự giải: "Vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ may mắn được chứng kiến cảnh mặt trời mọc sau rặng núi, chiếu những tia nắng vàng đầu tiên xuống những thửa ruộng bậc thang khi chạy qua những chiếc cầu bắc qua suối. Cảm nhận vẻ đẹp vùng rừng núi Sa Pa từ đêm sang ngày chắc chắn là trải nghiệm rất đặc biệt. Trên đường bạn sẽ bắt gặp con suối lớn chảy từ Phan-xi-păng. Bạn có thể dừng lại nghỉ ở dòng suối mát này để thư giãn trước khi bước tiếp hành trình dài". Nhưng có lẽ, với những ai từng chinh chiến ở VMM, đây là giải đấu không phải chỉ để đơn thuần ngắm cảnh đẹp.
Có một điều khá đặc biệt, trong tổng số các VĐV đăng ký tham dự VMM 2016, thì VĐV nữ chiếm tới 36%. Ở mùa thứ tư diễn ra VMM, tức mùa giải 2016, VĐV Việt Nam tham gia với lực lượng hùng hậu: 381 người (tính đến thời điểm trung tuần tháng 9), chiếm 25,7% số người tham gia. Tỷ lệ này vượt hơn gấp đôi so với năm đầu tiên (11,6%)-mùa giải 2013.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 90 VĐV đăng ký cự ly 100km, trong đó có 8 người Việt Nam. Cung đường chạy của cự ly 100km xuất phát từ Topas Ecolodge - ngã ba Sử Pán - theo đường mòn xuống Bản Hồ - Nậm Toong - Nậm Kéng - cầu Mỹ Sơn - rẽ trái gần Nậm Nhìu - Sín Chải A - Sín Chải B - Nậm Củm - cầu Thanh Phú - theo đường mòn lên Topas Ecolodge; sau đó tiếp tục theo cung đường của cự ly 70km.
Cự ly chạy 100km vượt núi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam ở VMM 2016 được đánh giá tiêu chuẩn cực khó cả về độ dài lẫn độ phức tạp của địa hình. Cự ly này chắc chắn không dành cho các VĐV còn non kinh nghiệm, những người chưa từng hoàn thành một cuộc thi chạy ultra marathon và không có bề dày tập luyện thường xuyên tính bằng nhiều năm. Để hoàn thành quãng đường chạy 100km, các VĐV sẽ phải vượt qua mọi loại địa hình ở Sa Pa, như: Trèo núi, vượt suối, băng rừng, chạy qua các thửa ruộng bậc thang, leo dốc... Cung đường chạy 100km được dựng dựa trên cung đường 70km ở mùa giải VMM 2015 và cộng thêm 30km. Chính vì độ siêu khó này mà số lượng VĐV Việt Nam đăng ký tham gia cự ly 100km chưa hết hai bàn tay vào thời điểm chỉ còn hai tuần trước khi giải diễn ra. Hầu hết những VĐV Việt Nam đăng ký cự ly 100km đều là những gương mặt nổi bật trong giới chạy, đã từng tham dự giải VMM các năm trước và các giải chạy địa hình có quy mô nhỏ khác, như: Nguyễn Doãn Cường, Nguyễn Linh Chi. Đây cũng là 2 VĐV nam, nữ người Việt Nam có thành tích tốt nhất ở cự ly 70km mùa giải VMM 2015.
* Ban tổ chức cho biết: VĐV hoàn thành 70km sẽ được cộng 4 điểm thưởng, và 5 điểm thưởng với cự ly 100km, để xét tiêu chuẩn tham dự giải Ultra Trail du Mont-Blanc, cũng như tính điểm trong hệ thống bảng xếp hạng thuộc hệ thống Asia Trail Master.
* Các VĐV dự VMM 2016 bắt buộc phải có đèn pin có khả năng chiếu sáng mạnh trong đêm tối với thời gian dài, bởi họ phải chạy từ nửa đêm hôm trước đến tận nửa đêm hôm sau.
* VĐV phải có điện thoại di động để liên lạc trong trường hợp cần thiết. Ban tổ chức lưu ý: Sóng điện thoại của Viettel ổn định ở khu vực Sa Pa hơn so với các nhà mạng khác.
* VĐV nên mang theo áo mưa hoặc áo khoác chống nước giúp giữ thân nhiệt, đồ sơ cứu y tế cá nhân, khuyến khích VĐV mang theo đồng hồ GPS và biết cách sử dụng.
|
VŨ THU