Nói về mục tiêu trên, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam Nguyễn Tuấn Kiệt thừa nhận bản thân mất ngủ vì áp lực quá lớn, nhưng luôn cố gắng tạo động lực cho các vận động viên (VĐV) trong từng buổi tập. Trong khi đó, đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy nói: "Mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games 33 gây ra áp lực lớn cho toàn đội. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quyết tâm".
Hai năm trở lại đây, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam gây tiếng vang khi vô địch Giải các câu lạc bộ châu Á 2023, hai lần liên tiếp vô địch Giải châu Á AVC Challenge Cup, huy chương đồng Giải bóng chuyền thế giới FIVB Challenger Cup 2024... Dù lọt vào tốp những nền bóng chuyền nữ hàng đầu châu lục nhưng chưa một lần đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games. Nhiều năm qua, bóng chuyền nữ Việt Nam chưa thể vượt qua Thái Lan.
    |
 |
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thắng 3-0 trước Câu lạc bộ Henan (Trung Quốc) tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2024. Ảnh: VIỆT AN
|
Thời gian qua, dưới sự định hướng của Cục Thể dục thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn và tài chính từ VFV, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam được tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn và giành được những cột mốc lịch sử; công tác đào tạo tài năng trẻ cũng được các câu lạc bộ chú trọng; giải bóng chuyền vô địch quốc gia ngày càng được chuyên nghiệp hóa khi có sự góp mặt của các ngoại binh... Tất cả đã cộng hưởng để đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có thế hệ VĐV chất lượng, môi trường phấn đấu cạnh tranh, hướng tới chinh phục những cột mốc mới. Đặc biệt, mới đây, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên có nhà tài trợ-Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí. Đây không chỉ là cú hích để đội tuyển chinh phục những đỉnh cao mới mà còn giúp đời sống của các tuyển thủ được nâng cao, mở ra tương lai hứa hẹn trong việc xây dựng các thế hệ VĐV kế cận chất lượng.
Những năm gần đây, khi các nền bóng chuyền khu vực Đông Nam Á được đầu tư mạnh, khoảng cách trình độ giữa các quốc gia được thu hẹp. Đã có thời điểm, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lỡ cơ hội vàng để lần đầu tiên đánh bại Thái Lan. Giới chuyên môn chỉ ra rằng, đó là vì điểm yếu tâm lý và việc e ngại Thái Lan nhiều năm qua khiến các cô gái Việt Nam có phần mất tập trung ở thời khắc quan trọng. Để khỏa lấp được điểm yếu đó, chỉ có tập luyện và thi đấu thường xuyên trong môi trường đỉnh cao, các VĐV mới tôi rèn được bản lĩnh, nâng cao trình độ.
Thay vì nghĩ về tấm huy chương bạc như các kỳ SEA Games trước, việc VFV mạnh dạn giao chỉ tiêu huy chương vàng SEA Games 33 cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là sự gửi gắm niềm tin lớn, cũng là lời khẳng định rằng đã đến lúc các tuyển thủ phải tự tin bứt phá. Cùng với ra mắt nhà tài trợ, VFV công bố lộ trình tập luyện và thi đấu của đội tuyển, như: Tập huấn tại Quảng Ninh (từ tháng 4 đến tháng 9-2025); tham dự Giải AVC Nations Cup tại Hà Nội (từ ngày 7 đến 14-6); tham dự Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup tại Vĩnh Phúc (từ ngày 28-6 đến 5-7); tham dự SEA V.League Week 1 tại Ninh Bình (từ ngày 25 đến 27-7); tham dự SEA V.League Week 2 tại Thái Lan (từ ngày 1 đến 3-8); tham dự Giải vô địch thế giới tại Thái Lan (từ ngày 22-8 đến 7-9); tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan (từ ngày 7 đến 19-12)...
Chỉ tiêu giành huy chương vàng SEA Games 33 là áp lực vô cùng lớn đối với các thành viên của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng có áp lực thì sẽ có nỗ lực và tiến tới thành công. Như lời của ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký VFV khẳng định: "Bản chất của thể thao là phải vượt qua áp lực, vượt qua chính mình. Nếu không đặt mục tiêu cao thì rất khó để VĐV vượt ngưỡng".
HỮU LÊ