Huy chương Vàng (HCV), Huy chương Bạc (HCB), kỷ lục thế vận hội của tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016 mãi là mốc son chói lọi của thể thao nước nhà.

Người lính mang vinh quang về cho Tổ quốc

Vào thời khắc Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, thiết lập kỷ lục Olympic nội dung 10m súng ngắn hơi nam trên đất Brazil, những người làm thể thao nước nhà đã bật khóc. Những ai từng trăn trở với sự nghiệp thể thao Việt Nam trong khoảng 3-4 thập niên trở lại đây, kể từ lúc thể thao Việt Nam tái hòa nhập khu vực, với các đấu trường quốc tế mới thấu hiểu thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có ý nghĩa nhường nào.

Chúng ta có thể giành HCB, Huy chương Đồng (HCĐ) ở Olympic nhưng HCV (còn phá cả kỷ lục nữa) thì là điều không tưởng. Hoàng Xuân Vinh đã biến điều không tưởng, biến giấc mơ của hàng triệu người dân Việt Nam thành hiện thực.

leftcenterrightdel
Hoàng Xuân Vinh tự hào mang về tấm Huy chương Vàng danh giá cho Việt Nam ở đấu trường Olympic. Ảnh: Getty Images

Trước khi diễn ra Olympic Rio 2016, tuyển thủ quốc gia Hoàng Xuân Vinh rất tâm tư. Khi đó, giới truyền thông nước nhà không tin tuyển thủ quân đội kỳ cựu này có thể làm nên chuyện trên đất Brazil, mà hướng sự chú ý vào một số tuyển thủ khác. Hoàng Xuân Vinh lúc đó cảm thấy cô độc, áp lực, nên có mời phóng viên đúng hai báo đi giãi bày tâm sự (Báo Quân đội nhân dân và Sài Gòn Giải phóng). Trong buổi gặp mặt đó, Hoàng Xuân Vinh cho hay, anh cảm thấy công sức của đội tuyển bắn súng quốc gia, của ban huấn luyện, của chuyên gia và của cá nhân anh không được giới truyền thông nhìn nhận, đánh giá đúng tầm. Khi đó, chúng tôi có khuyên anh lên mạng đọc thông tin ít thôi. Còn anh cứ tập trung luyện tập, thi đấu cho thật tốt. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành thể thao và người hâm mộ đặt hy vọng vào anh nhiều lắm.

Thế rồi thời khắc vận động viên (VĐV) Việt Nam Hoàng Xuân Vinh bắn ra “vàng”, phá kỷ lục Olympic sẽ mãi là phút giây lịch sử của thể thao nước nhà, thể thao thế giới ở đấu trường đỉnh cao nhất, vinh quang nhất.

Trong buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp, mừng công đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở Olympic Rio 2016 tại Văn phòng Chính phủ, tôi có gửi biếu ông Hoàng Vĩnh Giang (Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam) tờ báo Quân đội nhân dân, có bài của ông viết ở mục “Cùng bàn luận”, nói về thành tích để đời của Hoàng Xuân Vinh. Ông Giang kéo tôi vào góc phòng rồi òa khóc. Ông khóc nức nở hồi lâu, rồi ôm tôi nói nhỏ: “Cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã cho tôi được giãi bày tình cảm, nói lên suy nghĩ của mình, của những người làm thể thao nước nhà. Tấm HCV, HCB, kỷ lục Olympic của Hoàng Xuân Vinh là đỉnh cao muôn trượng của thể thao nước nhà, thể thao quân đội. Sau này, không biết đến bao giờ thể thao Việt Nam mới tái lập thành tích trên”.

10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn nữa, tôi đã hỏi ông Hoàng Vĩnh Giang như vậy thì “kiến trúc sư trưởng” của thể thao Hà Nội, của thể thao Việt Nam lắc đầu. Về sau, nhân một cuộc nói chuyện, tôi có hỏi lại ông Hoàng Vĩnh Giang, khoảng bao lâu nữa thể thao Việt Nam mới có được tấm HCV thứ hai ở đấu trường Olympic, thì ông bảo: “Rất lâu nữa cháu à. Chiến công của Hoàng Xuân Vinh ở Thế vận hội Rio 2016 như ngôi sao bay qua bầu trời thể thao nước nhà”.

Bao giờ ánh sao trở lại?

Thời khắc Hoàng Xuân Vinh bắn viên đạn cuối cùng giành HCV, phá kỷ lục Olympic, ông Hoàng Vĩnh Giang đã lên cơn đau tim. May có vợ ở bên lấy thuốc cho ông uống. Cuối năm 2020, ngồi trò chuyện với Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, nhắc lại chuyện cũ thì mặt ông Hoàng Vĩnh Giang căng ra: “Đau tim lắm! Cháu nhắc chuyện cũ giúp chú hồi tưởng lại những phút giây theo dõi Hoàng Xuân Vinh bắn ở lượt chung kết 4 năm về trước. Bữa đó mà không có vợ ở bên, chắc chú “đi” rồi”. Câu chuyện của ông và tôi cứ lùi dần về quá khứ, từ thời ông Hoàng Vĩnh Giang đi học ở nước ngoài, cho tới thời gây dựng nền móng vững chắc cho thể thao Hà Nội, thành lập đội bóng đá nữ Hà Nội (với tên gọi Hoa học trò, cùng với đội bóng đá nữ quận 1, TP Hồ Chí Minh, sau này là nòng cốt thành lập đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam)... Nói đến sự nghiệp thể thao nước nhà, ông Giang tâm sự: “Có một người không thể không nhắc đến”. “Ai vậy chú?”. “Bác Hồ kính yêu của chúng ta”. Ngay từ khi Bác Hồ khai sinh ra ngành thể thao, Bác đã giao nhiệm vụ một cách rất rõ ràng: Thể dục thể thao (TDTT) là góp phần nâng cao sức khỏe của toàn dân. Đối tượng của thể thao và sản phẩm của thể thao là con người, là sức khỏe, là lực lượng lao động, tăng cường học tập tốt, lao động tốt và bảo vệ Tổ quốc. Bác rất coi trọng công tác đối ngoại của TDTT. Bác cho rằng, đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhìn lại thành công của thể thao Việt Nam, những người làm thể thao nước nhà và chú lại càng thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ”.

Làm theo lời Bác, thể thao Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, quân đội cùng các tỉnh, thành phố, ngành khác đã đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu để tiến vào đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic. Trải qua bao thành công-thất bại, bao vui-buồn, thể thao Việt Nam, mà cụ thể là tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh đã kết tinh nên thành tích chói ngời ở Olympic Rio 2016. Ngày đoàn thể thao Việt Nam lên đường dự Thế vận hội mùa hè 2016 ở xứ samba, lãnh đạo ngành thể thao, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thầm mong đoàn có HCĐ là hãnh diện, là tốt lắm rồi. Nhưng với tinh thần quyết thắng, bản lĩnh của người lính, Hoàng Xuân Vinh đã giúp Quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường Olympic, để người dân Việt Nam mãi mãi tự hào, ghi nhớ thời khắc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại lễ trao huy chương ở vị trí trang trọng nhất.

Nhắc đến Hoàng Xuân Vinh, cũng là nhắc đến thể thao quân đội. Những VĐV, huấn luyện viên (HLV) mặc áo lính đã luôn dấn thân vì sự nghiệp thể thao nước nhà. Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thể thao quân đội đã tạo nên 3 trụ cột vững vàng cho thể thao Việt Nam.

Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Văn Lai, Đỗ Quốc Luật... xứng đáng là những cá nhân tiêu biểu của thể thao quân đội trong thời gian qua. Nói đến thể thao quân đội cũng phải nói đến những môn/đội tuyển có truyền thống, có bề dày thành tích như: Vật, bơi, điền kinh, bóng chuyền. Năm nay, thể thao quân đội tự hào có Viettel vô địch V-League. Bóng chuyền có Thông tin LienVietPostBank và Biên phòng đoạt được nhiều cúp vô địch. Cuối tuần qua, U.21 Viettel với sự dẫn dắt của HLV Thạch Bảo Khanh đã đăng quang ở VCK U.21 Quốc gia, diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa). Liên tiếp tin vui báo về giúp những người làm thể thao quân đội tin tưởng, vững bước vào chặng đường phía trước. Nói đến thành công của các VĐV, đội bóng, CLB thì cũng phải nhắc tới những người thầy, HLV đã âm thầm cho sự nghiệp “trồng người”.

Bên cạnh những thành công, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào những hạn chế của thể thao quân đội cũng như của thể thao nước nhà; mà nói như ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) thì: “Sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016, thể thao nước nhà không biết phải làm gì”.

Thể thao Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng nhưng để có thể giành huy chương ở đấu trường đỉnh cao Olympic thì dường như đang loay hoay với nhiều phương án. Chưa nói đến chuyện giành huy chương ở thế vận hội, chỉ riêng chuyện VĐV giành quyền dự Olympic Tokyo 2020 (tổ chức vào hè sang năm) đã thấy lo, bởi đến thời điểm này, thể thao Việt Nam mới có 5 tuyển thủ giành vé. Lùi về quá khứ, thể thao Việt Nam có 18 VĐV của 11 môn vượt qua vòng loại tới Olympic London 2012; 23 VĐV của 10 môn giành vé dự Thế vận hội Rio 2016.

Trăn trở về thực trạng trên, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho rằng: “Phải thấy rằng thể thao Việt Nam tuy còn nghèo nhưng đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, quân đội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thể thao Việt Nam không nên đầu tư dàn trải mà phải hướng đến những môn trong chương trình thi đấu Olympic. Như vậy, thể thao sẽ có được một sự đầu tư mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn là chỉ dựa vào “bầu sữa” không đủ nhiều của Tổng cục TDTT. Còn để giành huy chương ở Olympic thì phải là cả một thời kỳ phấn đấu cam go của hàng trăm HLV, VĐV, chuyên gia”.

MINH NHI