Chớ dại động vào “Bọ chét”

Champions League mùa giải này sẽ trở lại vào ngày 7-8, và chẳng có gì bảo đảm Barca không bị Napoli đá bay. “Chúng ta có Messi”, người Catalan luôn tự nhủ như vậy mỗi khi đội nhà bị đặt vào thế khó. Nhưng có lẽ hiện tại, ai cũng thấy Messi chính là một trong những rào cản lớn nhất khiến đội bóng lâm vào cảnh liêu xiêu thời gian vừa qua.

Messi nóng mắt với Coutinho, ngay tức khắc Barca cho Bayern Munich mượn tiền vệ người Brazil.

Messi va chạm với Griezmann trên sân tập, lập tức cầu thủ người Pháp không có suất đá chính.

Messi lời qua tiếng lại với Giám đốc kỹ thuật Abidal, khiến người đồng đội cũ một thời bị thu hẹp vai trò.

Messi tranh cãi HLV Valverde, dẫn tới việc chiến lược gia này rời đội bóng hồi đầu năm.

Messi gây hấn với Phó chủ tịch Emili Rousaud, một phần nguyên nhân dẫn tới việc ông này rời Barca vào tháng 4 vừa qua.

Ở Barca, ai có va chạm với Messi, kể như là... đứt.

leftcenterrightdel

Messi và Suarez là cạ cứng ở Barca. Ảnh: UK

Tại Barca, Messi không ngại va chạm ai cả. Và nếu ai đó nghĩ rằng cầu thủ có khuôn mặt ngây thơ này vô tội, thì hãy nhớ tới những phi vụ trốn thuế của siêu sao người Argentina này. Ở nước ngoài, tội trốn thuế bị xử rất nặng nhưng Messi vẫn cứ trốn hết lần này đến lần khác. Có điều gì “Bọ chét” không dám làm? Messi giờ như “chúa tể hắc ám” trong phòng thay đồ ở sân Nou Camp, mà chẳng ai có chiếc đũa thần để có thể khống chế được cái tôi quá cao ngạo của Leo.

Tình trạng hiện nay của Barca không khác gì thảm cảnh của đội bóng vào năm 2008. Một mớ hỗn độn không hơn không kém. Chẳng ai dám ngồi vào ghế HLV trưởng của Barca lúc ấy vì Ronaldinho đã phủ bóng đen xuống phòng thay đồ của đội bóng. Không ai quản nổi ngôi sao người Brazil này. Chủ tịch Laporta đứng ngồi không yên. Không có đủ thời gian cho những sự thay đổi nhân sự trong ban huấn luyện. Tất cả những chiến lược gia tài năng lúc đó đều từ chối về Barca cầm quân. May sao cuối cùng Laporta cũng chọn được một người: Guardiola (khi đó 37 tuổi). Sợ Guardiola non tay, Laporta đề nghị huyền thoại Cruyff làm “phó tướng” cho Pep-trong vai trò cố vấn chuyên môn-nhưng vì tự ái, Cruyff đã từ chối.

Ngày đó, Tạp chí El Pais xếp bài Guardiola về Nou Camp tận trang 13. Không hiểu ban biên tập tạp chí có ý gì khi xếp vào trang 13 nhưng ở xứ Catalan, không ít người coi đó là điềm gở.

Kể ra cũng khó xử cho nội bộ đội bóng. Guardiola lúc đó 37 tuổi, từng là đồng đội của Xavi, Iniesta, Puyol, Valdes ở đội 1 Barca và ở đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha, giờ đây là thầy của họ. Phòng thay đồ của Barca khi đó bát nháo thôi rồi với ba kiêu binh: Ronaldinho, Deco và Eto’o.

Cuối mùa giải 2007-2008, Barca bị giới chuyên môn đánh giá rệu rã và mất dần phong độ. Các buổi tập diễn ra rời rạc, thiếu tập trung. Một số cầu thủ xuống cả phong độ lẫn tinh thần. Chiến thuật của đội bóng thực sự nghèo nàn nhưng không ai có thể cách tân bởi những cái tôi quá lớn. Vùng vẫy dưới bóng Ronaldinho, Deco và Eto’o, mùa giải 2007-2008, Messi vẫn kịp ghi cho đội nhà 16 bàn ở mọi mặt trận.

Trong buổi thuyết trình đầu tiên trước ban lãnh đạo CLB, Guardiola đã yêu cầu ngay lập tức bán đi Ronaldinho, Deco và Eto’o. Giá nào cũng bán vì Messi và các cầu thủ trẻ đã đủ lớn. Được Chủ tịch Laporta “bật đèn xanh”, vào tháng 6-2008, Guardiola không hề phân vân khi trả lời truyền thông về số phận của bộ ba trên: “Ronaldinho, Deco và Eto’o không bao giờ ở trong tâm trí tôi nữa. Có nghĩa là từ giờ trở đi Barca vẫn tiếp tục hành trình vĩ đại mà không có bọn họ”.

Mùa bóng 2008-2009, Barca đoạt cú ăn ba thần thánh và Leo ghi tới 36 bàn trên mọi mặt trận. Đến mùa giải 2012-2013, “Bọ chét” lập công 60 lần cho Barca ở các giải đấu. Mùa giải này, Messi đã kịp ghi cho đội bóng xứ Catalan 30 bàn ở La Liga, Cúp nhà vua, Champions League... Gần như không một hậu vệ nào có thể bắt chết Messi và ở Barca hiện nay cũng chẳng có ai đủ sức kiềm tỏa Leo. Hợp đồng đôi bên còn một năm nữa. Messi mới tuyên bố “sẽ rời Barca trên tờ Marca vào năm sau”, trên lý thuyết là vào tháng 6-2021. Ngày Ronaldo rời Real Madrid, Juventus trải thảm đỏ mời siêu sao người Bồ Đào Nha về với đội. Giả dụ hè này, Messi rời Barca, đội bóng nào dám chiêu mộ anh? Nếu xét đến độ tinh quái và gien làm đại ca trong phòng thay đồ của Messi, hẳn khó có đội bóng nào dám rước “Bọ chét” về.

Các buổi tập hiện nay của Barca cũng rệu rã như ở mùa giải 2007-2008. “Bát nháo”, Marca đã dùng từ này để nói về tình trạng hiện nay của đội bóng xứ Catalan. Những quy tắc, luật lệ của đội bóng được Guardiola viết ra từ đầu mùa giải 2008-2009 giờ đã bị xếp xó. Ngày đó, Pep đề ra kỷ luật cực nghiêm: Cầu thủ không bắt buộc phải ăn sáng cùng nhau nhưng ăn trưa cùng nhau là một nhiệm vụ. Cầu thủ phải có mặt điểm danh vào thời gian quy định. Mức phạt cho sự trễ giờ khởi điểm là 500 euro và sẽ là 6.000 euro nếu cầu thủ tới muộn 5 phút. Nếu cầu thủ tới muộn 10 phút, số tiền phải nộp phạt là 12.000 euro. Hoạt động buộc dây giày trên sân tập không được quá 10 giây so với giờ bắt đầu buổi tập. Từ thứ hai đến thứ sáu, cầu thủ về nhà không được muộn quá nửa đêm; ban huấn luyện sẽ bất ngờ gọi điện để kiểm tra, nếu cầu thủ không nghe điện thoại hoặc không có mặt tại nhà, số tiền phạt sẽ lên tới hàng nghìn euro nếu cầu thủ không đưa ra được lý do chính đáng.

Hóa ra trong số bộ ba “cừu đen” ở phòng thay đồ: Ronaldinho, Deco và Eto’o thì ngôi sao người Cameroon cuối cùng đã trụ được dưới triều đại của Pep. Mùa hè 2008, Eto’o ghi được 11 bàn trong 11 trận đấu giao hữu của Barca, nhưng điều Pep ấn tượng hơn cả chính là chỉ số workrate (chỉ số thể hiện độ năng nổ của một cầu thủ khi không có bóng) của Eto’o. Bước vào mùa giải 2008-2009, Pep đánh bài ngửa với Eto’o: “Đội trưởng Puyol và các thành viên trong đội thống nhất anh có thể ở lại đội bóng, nếu như anh không có bất kỳ hành vi gây rối nào. Ngược lại, anh phải ra đi ngay lập tức”.

Eto’o bắt tay Pep và mùa giải đó, tiền đạo người Cameroon đã ghi 36 bàn trên mọi mặt trận, trong đó có bàn thắng vào lưới MU trong trận chung kết Champions League.

Eto’o đã tỏa sáng rực rỡ khi mọi người tưởng anh hết thời, hết đất diễn ở Barca. Đó là nhờ vào việc thuyền trưởng Guardiola đã truyền được cảm hứng cho ngôi sao châu Phi này.

Leo đã hết thời?

Ở tuổi 33, “Bọ chét” vẫn còn chạy tốt nhưng không còn sung mãn như mấy năm trước. Juventus ký hợp đồng dài hạn với Ronaldo vì kết quả kiểm tra y tế cho thấy cầu thủ quốc tế người Bồ Đào Nha này có thể chạy tốt đến năm 38 tuổi.

Trong quãng thời gian khoác áo Barca kể từ năm 2004 đến nay, Messi đã gia hạn hợp đồng 8 lần. Lần nào cũng trước khi kết thúc hợp đồng hai năm. Lần thứ 9 liệu có xảy ra, khi hợp đồng đôi bên còn một năm nữa là kết thúc?

Nếu Messi gia hạn hợp đồng với Barca, sẽ là điều không tốt cho đôi bên. Bản thân những bất ổn trong lòng đội bóng đã kìm hãm sự thăng hoa của Leo trong những mùa giải gần đây. Nếu Messi ở lại sân Nou Camp, chẳng ai đủ sức cầm cương “Bọ chét”. Messi ưng ai thì người đó ngồi vào ghế HLV trưởng CLB, thích ai thì cầu thủ đó đá chính. Ở đội tuyển Argentina, Messi là người lên chiến thuật và đội hình ra sân.

Hồi trước, Man City, PSG liên tục chèo kéo Messi; các đội bóng nhiều tiền ở Tây Á, Trung Quốc cũng vậy. Họ không thiếu tiền để chiêu mộ Messi nhưng lấy Messi về để phục vụ cho mục đích gì và “Bọ chét” nếu đến đội bóng mới với mục tiêu gì mới là điều quan trọng. Với Man City, PSG, mục tiêu của đội bóng và Messi có thể đồng nhất: Vô địch quốc nội, Champions League... và chia nhau những khoản tiền khổng lồ. Nếu Messi tới Trung Quốc hay những quốc gia sa mạc ở Tây Á, chẳng có câu trả lời nào ngoài tiền bạc.

Mùa giải tới, Barca sẽ sử dụng trang phục mới và trong bức ảnh giới thiệu mẫu áo đấu mới, đội bóng xứ Catalan vẫn để Messi hiện diện. Vậy là nhiều khả năng ngôi sao người Argentina sẽ thi đấu cho Barca ít nhất ở giai đoạn lượt đi mùa giải 2020-2021.

Đấu đá nội bộ đã làm Barca liêu xiêu ở mùa giải này, chứ không phải dịch bệnh Covid-19. Bóng đen bao phủ sân Nou Camp vào tháng 4-2020 khi hàng loạt lãnh đạo cao cấp của đội bóng từ chức, đó là hai phó chủ tịch Emili Rousaud và Enrique Tombas; các giám đốc Silvio Elias, Josep Pont, Jordi Calsamiglia và Maria Texidor. Tờ AS đã gọi cuộc từ chức tập thể trên là “Barcagate”. 6 quan chức trên từ chức vì “không thể đảo ngược cách thức quản lý CLB của Chủ tịch Bartomeu khi đối mặt với những thách thức trong tương lai”. Rất may cho Leo là trong bức tâm thư của 6 quan chức trên trong ngày rời đội bóng, không có một câu từ nào nói về anh.

Làm Chủ tịch Barca từ năm 2014 đến nay, Bartomeu và Messi giống nhau ở điểm: Liên tục phải đối mặt với những nghi án trốn thuế và gian lận tài chính. Bartomeu chẳng ngại ai ở đội bóng nhưng vẫn phải kiêng nể Messi vài phần. Mức lương hiện tại Leo đang nhận ở Barca là 500.000 bảng Anh/tuần (sau thuế). Đây là mức lương “đặc biệt”

Bartomeu ký trả cho Messi vì ở đội bóng này, mức lương kịch trần vốn được quy định không quá 385.000 bảng Anh/tuần (sau thuế).

Nhưng Messi vẫn buồn vì mức lương trên.

* Trang Facebook của Messi sở hữu có mức độ phổ biến thứ nhì trong giới VĐV thể thao với 90 triệu người thích, chỉ sau Ronaldo (122 triệu người thích). Leo cũng là VĐV được theo dõi nhiều thứ ba trên Instagram (142 triệu) sau Ronaldo (216 triệu) và Dwayne Johnson(181 triệu).

* Messi đang là gương mặt đại diện cho các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Pepsi, Gillette hay Turkish Airlines... Theo Forbes, nguồn thu từ quảng cáo của Messi trong năm 2019 là 35 triệu USD.

THÀNH NAM