Học bạn...

Không còn nghi ngờ gì nữa, Thông tin Lienvietpostbank xứng đáng là tượng đài của bóng chuyền Việt Nam. Nói về đào tạo trẻ, đây chính là đội bóng làm bài bản và căn cơ nhất. “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” và ở đội bóng chuyền Thông tin Lienvietpostbank, kỷ luật cũng luôn được đặt lên hàng đầu, từ việc ăn tập tới sinh hoạt, học tập ở các tuyến.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu có sự dịch chuyển khi Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền “nhảy vào cuộc chơi”, đầu tư bài bản cho đội bóng chuyền Long An. Tiền thân của Bình Điền Long An chính là đội Dệt Long An, cũng là một đội có truyền thống và thực lực của làng bóng chuyền nước nhà. Tiếc là khi mở cửa nền kinh tế thị trường, Công ty Cổ phần Dệt Long An gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Công ty mẹ làm ăn kém hiệu quả, đội bóng chuyền Dệt Long An bị ảnh hưởng tức thì, thành tích đi xuống, mọi người mất niềm tin, dẫn tới việc đội bóng bị trả về tỉnh. Rất may, dù bộn bề khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh Long An quyết tâm gây dựng lại đội bóng để phục vụ bà con nhân dân. Không có tiền thì gắng sức chơi theo kiểu “con nhà nghèo vượt khó”. Năm 2002, Long An bước vào giai đoạn trẻ hóa đội hình. Việc trẻ hóa đội hình đương nhiên là gặp nhiều khó khăn nhưng lúc đó, bóng chuyền Long An âm thầm học Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin (tên trước đây của Câu lạc bộ bóng chuyền Thông tin Lienvietpostbank) ở khâu đào tạo trẻ. Và thật may mắn cho bóng chuyền Long An, năm 2004, Công ty Phân bón Bình Điền đã ký hợp đồng với Sở Thể dục-Thể thao (TDTT) tỉnh Long An về việc tiếp nhận đội bóng và thay tên thành Đội bóng chuyền Bình Điền-Long An (gọi là Bình Điền Long An). Kể từ lúc “xe duyên”, lãnh đạo Công ty Phân bón Bình Điền và lãnh đạo tỉnh Long An, Sở TDTT tỉnh Long An đều “tâm đầu ý hợp” ở việc làm bóng chuyền bài bản, căn cơ, không “ăn xổi ở thì”, chấp nhận không có thành tích trong một thời gian dài, cốt để hướng tới mục tiêu cho “ra lò” những vận động viên (VĐV) thực sự chuyên nghiệp.

leftcenterrightdel
Với chiều cao 1,93m cùng các kỹ năng tấn công đầy uy lực, Thanh Thúy làm “khổ” cả những hàng chắn quốc tế. Ảnh: Thethao247

Muốn có trò hay phải tìm thầy giỏi

Bình Điền Long An những năm 2000 trải thảm đỏ mời huấn luyện viên (HLV) Lương Khương Thượng về cầm quân. Ông Thượng từng là HLV trưởng đội tuyển quốc gia, là giảng viên Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh nên có mối quan hệ rộng, có nhiều “vệ tinh” hỗ trợ đắc lực trong việc săn tìm VĐV trẻ tài năng, mà điển hình là phát hiện được Trần Thị Thanh Thúy, một trong những chủ công hay nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay. Năm 2010, một “hoa tiêu” điện thoại cho thầy Thượng: “A lô thầy ơi, có cô bé này hay quá, thầy gặp sẽ biết liền, mới 13 tuổi đã cao 1,78m”. “Cậu có say rượu không đấy? Làm mấy xị mà đã say?”. “Không thầy ơi, em cam đoan với thầy, cô bé đó mới 13 tuổi nhưng đã cao 1,78m rồi”.

Nghe “hoa tiêu” khẳng định chắc như đinh đóng cột, HLV Lương Khương Thượng nổi da gà. Cao 1,78m ở tuổi 13 thì đúng là của hiếm. HLV Lương Khương Thượng tức tốc từ Long An xuống Bình Dương gặp gia đình Thanh Thúy để bàn chuyện. Nhưng gia đình Thanh Thúy thuộc diện có điều kiện nên họ nhanh chóng từ chối, kèm theo ánh mắt hoài nghi “chúng tôi không biết ông… Lương Khương Thượng là ai”. Không nản chí, hai tuần sau, ông Thượng dẫn theo đội ngũ yểm trợ hùng hậu đến nhà Thanh Thúy và có “dọa” cao như cháu nó chỉ có vào thể thao mới mong kiếm được tấm chồng sau này, nhưng gia đình Thanh Thúy vẫn lắc đầu. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, thầy Thượng nhớ lại: “Phải đến lần thứ ba, khi tôi gồng mình uống một trận rượu tưng bừng với bố Thanh Thúy thì gia đình mới đồng ý. Tôi vẫn nhớ lúc đó người nhà Thanh Thúy có hỏi tôi: Con anh làm nghề gì? Khi nghe tôi trả lời chỉ có một đứa và đang theo nghiệp thể thao thì bố Thanh Thúy xúc động bảo tôi: “Vậy gia đình yên tâm giao cháu cho thầy. Cháu nó sau này được đến đâu trông mong cả vào thầy”. Xong trận rượu đầy kỷ niệm đó, Thanh Thúy thu xếp đồ dùng cá nhân theo thầy Thượng về Long An luôn.

Nhắc lại chuyện thầy Thượng cất công thuyết phục gia đình Thanh Thúy về với đội để thấy Bình Điền Long An cực kỳ chú tâm vào tuyến trẻ, đào tạo trẻ bằng việc chiêu mộ những HLV tài năng, tâm huyết. Họ nhìn thấy bài học thành công của Thông tin Lienvietpostbank và sớm xác định: Là đội đi sau nên gắng học thật nhiều cái hay của đội bóng áo lính. Khi chưa hay hơn đối thủ thì cách tốt là nên học những cái hay của đối thủ. Mà nói về đào tạo trẻ, bây giờ Thông tin Lienvietpostbank vẫn là số 1 ở Việt Nam.

Thành công nhờ nhiều chân đế

Nhưng để thành công trong bóng chuyền nói riêng, thể thao nói chung, đào tạo trẻ chỉ là một chân đế. Quan trọng không kém, phải có tiền, nói nôm na là làm tốt công tác xã hội hóa. Tỉnh Long An rất may khi Công ty Phân bón Bình Điền đổ nhiều tiền của đầu tư cho đội bóng chuyền tỉnh nhà nhưng không làm theo kiểu “đi tắt” (như cách của Ngân hàng Công Thương thời gian đầu). Bình Điền Long An kiên tâm “trồng cây” vì họ tin rằng sẽ có ngày hái “quả ngọt”, vấn đề là vào thời điểm nào mà thôi.

Thời điểm đầu tiên là vào năm 2009, khi Bình Điền Long An vô địch quốc gia với lứa Ngọc Hoa, Diệu Châu. Hai năm sau, họ vô địch lần nữa trong sự thừa nhận của các đối thủ. Kể cả khi Thông tin Lienvietpostbank vô địch 4 mùa giải liên tiếp (từ 2012 đến 2015), Bình Điền Long An vẫn không nản chí, họ kiên trì với việc đào tạo trẻ thật tốt, kết hợp với việc cho một số VĐV ra nước ngoài thi đấu như Ngọc Hoa, Thanh Thúy. Để rồi hai năm qua, đội bóng miền Tây này liên tiếp thu “quả ngọt” khi vô địch quốc gia (năm 2017, 2018), vô địch Cúp Hùng Vương (năm 2018, 2019). Đặc biệt có thời điểm họ lên ngôi khi trong đội hình không có cả Ngọc Hoa lẫn Thanh Thúy. Như Cúp Hùng Vương năm 2019 vừa mới kết thúc ở Phú Thọ, Bình Điền Long An đã thắng Ngân hàng Công Thương 3-0 để bảo vệ thành công ngôi vô địch với Ngọc Hoa ở vai trò trợ lý HLV.

Bình Điền Long An làm bóng chuyền hướng nhiều quyền lợi về phía VĐV. Từ lâu, đây là đội bóng chuyền có lương thưởng cao nhất nước. Mức lương trung bình 15-20 triệu đồng/tháng/VĐV ở Bình Điền Long An khiến các VĐV yên tâm cống hiến. Đó là chưa kể có trận thắng, đội được thưởng hàng trăm triệu đồng, cũng thuộc diện “khủng” nhất.

Không có Ngọc Hoa trong đội hình, Bình Điền Long An vẫn tự tin với các VĐV tài năng như: Thanh Thúy, Dương Thị Hên, Cẩm Linh, Kim Thanh, Thu Hà, Kim Thoa… Với Thanh Thúy, Bình Điền Long An sở hữu một tay đập đầy uy lực. Nói về phòng ngự thì ở bóng chuyền nữ, Thông tin Lienvietpostbank đẳng cấp nhất, lỳ lợm nhất. Đội bóng áo lính nổi tiếng về khả năng phòng ngự tuyến sau nhưng với những chủ công có chiều cao tốt, trình độ vượt trội như Thanh Thúy thì hàng chắn của Thông tin Lienvietpostbank gặp phải thử thách thật sự. Bóng chuyền giống bóng đá ở điểm, thường trong các trận cầu giữa một bên có hàng công tốt và một bên có hàng thủ vững, thì phần thắng thường thuộc về bên có hàng công tốt. Bình Điền Long An không thể hơn Thông tin Lienvietpostbank về khả năng phòng ngự nhưng họ lại vượt trội ở khả năng tấn công với mũi nhọn Thanh Thúy.

Trong bóng chuyền, bắt bước một là nền tảng của tấn công và phòng thủ. Thanh Thúy đâu có bắt “ngon” bước một, cô được đào tạo để trở thành một “sát thủ” tầm cao. Ở đội Thông tin Lienvietpostbank, gần như ai cũng có khả năng bắt bước một rất tốt. Nếu Ngân hàng Công Thương bắt bước một tốt thì họ đã có nhiều cơ hội thắng Bình Điền Long An ở chung kết Cúp Hùng Vương vừa qua.

Giải vô địch bóng chuyền nước nhà hiện có 12 đội bóng nữ, nếu xét về trình độ chuyên môn, tổng thể thì có thể chia ra 4 lớp, trong đó Thông tin Lienvietpostbank, Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương thuộc lớp 1, đẳng cấp cao nhất. Với Ngân hàng Công Thương, họ cũng giống Bình Điền Long An khi tiếp nhận một đội bóng chuyền từ ngành dệt, mà ở đây là dệt Nam Định vào năm 2003. Thời kỳ đầu, Ngân hàng Công Thương bỏ nhiều tiền chiêu mộ VĐV giỏi, họ làm theo kiểu muốn có thành tích tức thì. Thành công cũng đến với đội nhưng từ 5-6 năm trước, lãnh đạo đội bóng chuyền Ngân hàng Công Thương cũng học theo Thông tin Lienvietpostbank, Bình Điền Long An, đó là lấy đào tạo trẻ làm gốc. Chức vô địch quốc gia ở mùa giải 2016, á quân các năm 2012, 2013, 2015; vô địch Cúp Hùng Vương 2006, 2012, 2016, 2017… chính là sự khích lệ để đội bóng ngân hàng này tin tưởng vào tương lai. Đội mới có sự trở lại của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, người mới mà cũ. Ông Kiệt là người rất hiểu đội, cũng đề cao tính bài bản, chuyên nghiệp trong công tác huấn luyện. Thế nên có thể tin rằng, thời gian tới, đội bóng chuyền Ngân hàng Công Thương sẽ mạnh hơn, trở thành đối trọng với cả Thông tin Lienvietpostbank lẫn Bình Điền Long An. Thế nên mới nói bóng chuyền nữ Việt Nam là cuộc chiến 3 cực vì lẽ đó.

THU HIỀN