|
CĐV Đà Nẵng đổ ra đường ăn mừng chức vô địch của đội nhà. Ảnh: CTV |
Ngày 2-8-2009, hẳn sẽ được lưu giữ mãi trong lòng người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng. Ngày này, HLV Lê Huỳnh Đức cùng học trò ngẩng cao đầu bước lên đỉnh vinh quang V-League. Cả thành phố Đà Nẵng mở hội ăn mừng, mấy anh bạn giáo viên, viên chức “hỏa xa”... cũng rủ nhau nhậu tưng bừng.
1. Bóng đá có phép màu nhiệm của nó. Trái bóng tròn ẩn chứa trong mình sự quyến rũ đến mê hoặc. Những ai chưa từng đến Đà Nẵng, hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết sân Chi Lăng trận nào cũng có đến 2 vạn CĐV ngồi chật kín sân ủng hộ cho đội nhà, mà giá vé ở khán đài A cũng chỉ có 25.000 đồng. Người không biết sẽ bảo sao giá vé rẻ thế? Nhưng Đà Nẵng, dù là thành phố lớn thứ ba cả nước, giá cả dù là mặt hàng nhỏ nhất, nếu tăng thêm vài đồng cũng có thể gánh đủ sự tẩy chay của người tiêu dùng. Bóng đá Đà Nẵng, từ khi bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang “xe duyên” cùng ngân hàng SHB, đã có bước chuyển mình đến chóng mặt và cũng không nằm ngoài sự nhạy cảm của thị trường, thành ra sân Chi Lăng có dám tăng giá vé đâu. Bù lại trận đấu nào, “chảo lửa” Chi Lăng cũng chật kín khán giả. Ai kém may mắn, không mua được vé vào sân thì bỏ ra 5.000 đồng, ngồi xem trực tiếp đội nhà thi đấu qua màn hình ti vi ở quán cà phê; người ít tiền thì đội mưa, đội nắng đứng ở ngoài cửa mấy quán giải khát, xem ké qua mấy chiếc vô tuyến bầy trong quán. Nhưng như thế cũng đủ vui rồi.
Tôi có may mắn được chứng kiến sự đam mê môn túc cầu của người dân làng chài Thọ Quang và Mang Thái ở bên quận 3. Ở Đà Nẵng, có một sự so sánh mà theo tôi khá khập khiễng, đến giờ vẫn chưa hiểu hết được, đó là “Con gái quận 3 không bằng bà già quận 1”. Có thể mức sống của người dân quận 3 không bằng quận 1, hay những quận trung tâm khác nhưng tình yêu bóng đá của người quận 3 nhất định không kém ai. Những người dân vốn quanh năm đi biển ở hai làng chài Thọ Quang, Mang Thái trên đường Sơn Trà-Điện Ngọc gần như không bao giờ bỏ trận đấu nào của SHB Đà Nẵng trên sân Chi Lăng. Nếu không có tiền, cánh thanh niên sẽ hò nhau giữa trưa hè nắng gắt ra kéo lưới thu hoạch lấy vài độ mươi cân tép tươi, mang ra chợ bán, rồi mua lấy chục tấm vé vào sân cổ vũ thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức. Đấy, tình yêu bóng đá của dân chài Đà Nẵng với bóng đá là vậy đó. Họ ngồi ôm đàn ghi ta, bên bãi biển Mỹ Khê, cùng nhau hát nghêu ngao trước khi vào SVĐ.
2. SHB Đà Nẵng mùa này lên ngôi vô địch một cách thuyết phục nhờ vào sự quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo và ban huấn luyện. Nhờ vào một dàn cầu thủ nội, ngoại binh sung sức, chơi đậm chất kỹ thuật, cống hiến.
Trong cơn say chiến thắng, say chức vô địch, không thể không nhắc đến sự có mặt của ngân hàng SHB, mà trực tiếp là “bầu” Hiển gắn liền với thành công của bóng đá Đà Nẵng. Lật lại lịch sử giải V-League, sẽ thấy những đội bóng lên ngôi vô địch 6 mùa giải vừa qua đều không “dính” đến cơ chế bao cấp, từ Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An cho tới Becamex Bình Dương.
“Bầu” Hiển giờ là người có tiếng nói quyết định ở SHB Đà Nẵng cho dù lãnh đạo thành phố vẫn quan tâm đội bóng như ngày nào. Nhưng những vấn đề thuộc về bao cấp, cơ chế xin cho thật mừng giờ đã không tồn tại ở SHB Đà Nẵng (và lẫn T&T Hà Nội). Đó cũng là điều đáng mừng cho bóng đá nước nhà. Điểm lại những đội bóng vẫn sống dựa vào bao cấp như Thanh Hóa, Nam Định, giờ một đội chắc chắn xuống hạng, đội còn lại đang vùng vẫy trong cơn nguy khốn. Để có thể “sống” khỏe và vươn tới những đỉnh cao ở V-League lẫn đấu trường châu lục, đội bóng cần phải rũ bỏ cơ chế bao cấp, có một ông chủ thực sự đam mê với bóng đá. Ở đây, SHB Đà Nẵng đã may mắn khi “bầu” Hiển dốc lòng dốc sức vì đội bóng. Chỉ mong sang năm tới, khi SHB Đà Nẵng thi đấu ở đấu trường châu lục, sẽ không còn những trận thua tủi hổ, thay vào đó là những chiến thắng để đời như Becamex Bình Dương đã làm được ở AFC Cup 2009. Khi đó, người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng lẫn CĐV Việt Nam sẽ thêm tự hào về SHB Đà Nẵng.
ĐÌNH HÙNG