Đã từ lâu, bóng đá là môn thể thao đắt giá, thậm chí nó còn mang tầm vóc hơn cả một ngành công nghiệp giải trí. Vì thế, việc hoãn toàn bộ giải đấu bóng đá sẽ là một câu chuyện không hề đơn giản.

1. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới, toàn bộ giải đấu lớn nhỏ đều đồng loạt hoãn. Từ Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A đến các hạng đấu thấp hơn và các giải đấu ở tận Nam Mỹ, châu Phi, châu Á… tất cả đều dừng toàn bộ hoạt động. Thậm chí, rất nhiều đội bóng hủy luôn cả tập luyện, các cầu thủ về nhà đóng cửa chờ thông báo. Đây là điều tất yếu phải làm khi đại dịch đang lan tràn khó kiểm soát. Nhưng phía sau các thông báo hoãn hủy này là những câu chuyện hết sức… phức tạp.

Giải Ngoại hạng Anh là giải đấu lớn gần như cuối cùng buộc phải hoãn khi HLV M.Arteta của Arsenal bị xác định dương tính với Covid-19. Thêm vào đó, 3 cầu thủ khác của đội cũng có kết quả dương tính với Covid-19. Trước thông tin này, Ban tổ chức Premier League đã phải gấp rút hoãn trận Man City gặp Arsenal hồi giữa tuần trước, khi chỉ còn chưa đầy 20 tiếng trận đấu sẽ diễn ra. Hai ngày sau, quyết định hoãn toàn bộ vòng đấu được đưa ra sau một cuộc họp khẩn. Toàn bộ CĐV hoang mang, không biết mùa giải sẽ tiếp diễn ra sao trước quyết định dừng toàn bộ trận đấu ở mọi hạng đấu. Mùa giải năm nay, tất cả quốc gia châu Âu đều thi đấu sớm để dành thời gian chuẩn bị cho EURO. Nhưng việc hoãn dù chỉ một vòng đấu thôi cũng đã làm khó cho rất nhiều hoạt động, chứ đừng nói là dừng vô thời hạn.

leftcenterrightdel
Premier League chịu thiệt hại lớn bởi dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

2. Vấn đề thứ nhất mà các CLB châu Âu nói chung và tại Anh nói riêng lo ngại là thiệt hại về tài chính. Tất cả khoản thu từ truyền hình, bán vé, đồ lưu niệm, đến cả vé tham quan sân vận động… đều bị thiệt hại. Tính sơ sơ tiền bán vé tham quan thôi (giá vé trung bình từ 25 đến 30 euro), mỗi ngày một CLB lớn như Man Utd hay Barca, Bayern Munich… sẽ mất đi cả trăm ngàn euro. Một trận đấu sân nhà không khán giả cũng mất đi ngót triệu euro nữa. Và nếu như một trận đấu bị hoãn, tính riêng thiệt hại về khâu tổ chức trận đấu đó thôi cũng có chi phí ít nhất từ 300.000 đến 500.000 euro. Đó là chưa kể những chi phí gián tiếp như thu nhập từ quảng cáo, giá trị cổ phiếu, hình ảnh đội bóng nói riêng và giải đấu nói chung. Khi đó, thiệt hại ở mỗi giải đấu, dù chỉ hoãn một vòng đấu thôi cũng sẽ là vô cùng lớn. Đó là chưa kể các giải Champions League,

Europa League cũng sẽ hoãn, và chi phí cho mỗi trận đấu ở đây còn cao gấp đôi các giải vô địch quốc gia.

Vấn đề tiếp theo là đúng vào năm nay, châu Âu tổ chức EURO, giải đấu được chờ đợi và sẽ là tâm điểm của cả thế giới. Việc các giải đấu bị hoãn sẽ không có thời gian thi đấu tiếp. Vậy các giải vô địch quốc gia châu Âu sẽ làm gì, và EURO sẽ tổ chức hay không? Xung đột về lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và CLB tại châu Âu, đặc biệt là ở Anh đã nảy sinh và kéo dài từ hàng chục năm qua, nên việc giải bài toán cho trọn vẹn cả hai là điều gần như không thể. Cứ cho là sau 3 tháng nữa, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, EURO có thể diễn ra, thì các giải vô địch quốc gia, Champions League, Europa League cũng khó có thể kết thúc đúng thời hạn.

Nhiều giải pháp được đưa ra: Kết thúc luôn các giải vô địch quốc gia, chấp nhận kết quả cho đến khi giải đấu tạm dừng. Nhưng các CLB sẽ khó chấp nhận điều này. Phương án nữa là bỏ toàn bộ kết quả, không có bất cứ danh hiệu nào. Nhưng khi đó, toàn bộ 2/3 chặng đường đã qua coi như vứt đi hết, khi ấy thiệt hại sẽ càng lớn. Đó là chưa kể lợi ích ở các giải đấu Champions League và Europa League. Ví dụ như Premier League, Liverpool sau 30 năm mới có cơ hội vô địch, và họ cũng gần như chắc chắn đăng quang khi bỏ cách đội thứ 2 tới 25 điểm sau 29 vòng đấu. Việc hủy bỏ kết quả một giải đấu là điều không thể. Khả năng các giải vô địch quốc gia châu Âu sẽ phải tiếp tục. Nhưng khi đó EURO sẽ là giải đấu phải hy sinh. Hoặc là lùi thời gian đến tháng 8, các giải vô địch quốc gia sẽ khai mạc mùa giải mới muộn hơn, hoặc chuyển sang năm 2021. Đây có lẽ là phương án tối ưu, trong điều kiện dịch bệnh quá phức tạp. UEFA cũng không muốn tổ chức giải EURO trong tình trạng lo lắng và những sân vận động thiếu vắng khán giả.

3. Chưa bao giờ châu Âu và bóng đá thế giới lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Việc hoãn các trận đấu là cần thiết, nhưng nó không hề đơn giản là một quyết định tạm dừng. Từ khi bóng đá là một ngành nghề kinh doanh giải trí mang lại giá trị lợi nhuận cực lớn, bên cạnh những trận đấu còn là rất nhiều chi phí, các ngành nghề khác đi kèm, từ báo chí, truyền hình, truyền thông, dịch vụ, thậm chí cả sàn chứng khoán. Khi ấy, những trận bóng đá không đơn giản chỉ là giải trí.

Tính đơn giản, một vòng đấu bị hoãn ở 5 giải lớn tại Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp cộng với hai giải cấp châu Âu là Champions League, Europa League bị hoãn lại, thiệt hại về kinh tế cho 5 nền bóng đá này có thể lên tới 1,5 tỷ euro. Nếu tất cả giải đấu trên phải dừng lại không thể thi đấu tiếp, con số có thể tăng lên gấp hàng chục lần. Nhưng dù có thiệt hại đến đâu thì việc tạm dừng các hoạt động thể thao vẫn là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Chỉ hy vọng mọi chuyện sẽ sớm kết thúc. Và ngay bây giờ, các hoạt động bóng đá trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào cũng là điều các CĐV chờ đợi, với những thay đổi, những quyết định chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh cãi, nhiều điều thú vị.

LÊ THÀNH TRUNG